Sau thành công
của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vào ngày 23/5/2021, cả
nước ta sẽ hân hoan ngày hội Toàn dân bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV và bầu
cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là dịp để toàn dân lựa chọn,
bầu ra những đại biểu tiêu biểu có đủ sức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho ý
chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp
nhiệm kỳ mới. Đây là thời điểm mà các thế lực thù địch ráo riết tiến hành các
hoạt động phá hoại, trong đó thủ đoạn đáng chú ý:
Một là, các thế
lực thù địch ra sức phủ nhận, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công
tác bầu cử; cho rằng: “Đảng Cộng sản lãnh đạo bầu cử là không dân chủ”; “cần
xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử”. Đồng thời, rêu rao bầu cử
Quốc hội chỉ là hình thức; nhân sự trong Quốc hội đã được “an bài”, “thỏa
hiệp”, “phân chia” xong xuôi. Qua đó, hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối
với Nhà nước và Quốc hội nhằm đưa ra các kiến nghị vô căn cứ như: Đảng Cộng sản
không được tham gia công tác bầu cử, không được thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo
công tác bầu cử, phải “tự rút lui” và từ bỏ quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội;
Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng để thúc đẩy dân chủ, v.v. Mục đích
của họ là yêu cầu Đảng ta không được lãnh đạo công tác bầu cử; không tham gia
công tác bầu cử. Từ đó, từng bước hướng lái cơ quan lập pháp nước ta đi theo
con đường tư bản chủ nghĩa.
Hai là, lợi dụng
quyền tự ứng cử của công dân để kêu gọi ủng hộ cho các đối tượng tự xưng là
“nhà dân chủ” tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Để đạt được mục đích, họ sử dụng
nhiều hình thức, thủ đoạn vận động, kêu gọi người dân, các đối tượng bất đồng
chính kiến ký tên ảo, tung hô, ủng hộ các “nhà dân chủ”, nhằm đánh bóng tên
tuổi các đối tượng, gây rối, phá hoại Cuộc bầu cử. Cũng như các cuộc bầu cử
nhiệm kỳ trước, các thế lực thù địch sử dụng nhiều hình thức, thủ đoạn khác
nhau: Qua các cuộc họp tổ dân, khu phố, qua hoạt động của các hội, nhóm tự
phát; rải tờ rơi; tán phát tài liệu. Họ đăng tải nhiều video, bài viết, hình
ảnh trên internet và mạng xã hội để ủng hộ ứng cử viên là các “nhà dân chủ”.
Khi các đối tượng này bị loại qua vòng hiệp thương, họ xuyên tạc rằng, chỉ có những
người “theo phe” Đảng mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; Đảng Cộng sản
Việt Nam cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử đại biểu Quốc hội, v.v.
Thứ ba, ra sức
tuyên truyền, xuyên tạc về ý nghĩa, vai trò và vị trí, tầm quan trọng của công
tác bầu cử. Họ triệt để tuyên truyền các thông tin, luận điệu sai trái, xuyên
tạc bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, khiến cho
nhiều người hiểu sai các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về bầu
cử; đưa ra những bình luận, nhận xét, đánh giá thiếu trung thực, phiến diện,
một chiều, quy chụp nhằm hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư
tưởng hoài nghi về công tác bầu cử, gieo rắc nhận thức sai lầm liên quan đến
hoạt động bầu cử. Họ còn thu thập tư liệu, hình ảnh về những thiếu sót, sơ hở
của một vài tổ bầu cử ở các kỳ trước đây để tuyên truyền, xuyên tạc; kích động
nhân dân khiếu kiện, gây rối, biểu tình phản đối bầu cử, không tham gia bỏ
phiếu; kích động, lôi kéo các phần tử chống đối tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo
sự thật, gây sức ép đòi phải cho quốc tế giám sát bầu cử; đòi bầu cử Quốc hội
và Hội đồng nhân dân các cấp phải diễn ra theo kiểu dân chủ phương Tây. Qua đó,
hòng làm giảm niềm tin của cử tri, nhân dân và tiến tới phá hoại cuộc bầu cử ở
nước ta.
Tại huyện Đơn
Dương, tỉnh Lâm Đồng, mới đây một “nhà dân chủ” là Phạm Thế Lực đã cùng một số
đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn tham gia “tự ứng cử”, kích động “ứng cử đại
trà”, tung các luận điệu xuyên tạc về việc cơ cấu số lượng người được giới
thiệu ứng cử và cơ cấu người tự ứng cử, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị bầu
cử, tuy nhiên, những hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc của chúng đã sớm
bị phát hiện, đánh tan.
Tuy nhiên, dù
cho các thế lực thù địch có sử dụng các thủ đoạn, chiêu trò mưu mô, xảo quyệt
như thế nào thì cũng không thể phủ nhận cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa XV
và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành một các khách
quan, dân chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. Những người tham gia
ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn được quy
định. Trong đó, các tiêu chuẩn cơ bản đối với ứng viên là: Trung thành với Tổ
quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt,
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản
lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu,
hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn
hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để
thực hiện nhiệm vụ đại biểu; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến
của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm… Bên cạnh đó, những ứng cử viên được giới
thiệu ứng cử và tự ứng cử còn phải trải qua quy trình sàng lọc hết sức nghiêm
ngặt trên cơ sở. nguyên tắc khách quan, dân chủ…
Tham gia bầu cử
là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân theo luật định. Đó là cách thức người dân
thực hiện quyền của mình, lựa chọn ra những đại biểu mà mình tín nhiệm để tham
gia vào các cơ quan dân cử, trong đó cao nhất là Quốc hội. Việc kích động người
dân “tẩy chay”, không đi bầu cử không những là vi phạm pháp luật mà còn ảnh
hưởng trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân được quy định trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó,
nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri tham gia bầu cử, các điểm bầu cử,
các tổ phụ trách điểm bầu cử được lựa chọn kỹ lưỡng. Điểm bầu cử được chọn là
nơi có vị trí thuận lợi nhất cho việc người dân đi bầu cử, an toàn trong quá
trình bầu cử, phân bố hợp lý ở từng cơ sở dựa trên số dân cư tại địa phương.
Những cá nhân được lựa chọn phụ trách các tổ bầu cử là những người được chính
quyền cơ sở đề xuất lựa chọn nhằm đảm bảo khách quan, có trách nhiệm, đủ năng
lực đảm đương công việc, nhiệm vụ.
Điển hình như,
tại huyện Đức Trọng, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai quyết liệt ngay
từ thời gian đầu dựa trên sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử từ
Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là công tác lựa chọn các ứng cử viên HĐND các
cấp với ba vòng hiệp thương, công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành cẩn trọng,
kỹ lưỡng, công khai, dân chủ, đúng trình tự luật định, nhằm lựa chọn ra những
ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất cho toàn dân bầu chọn. Trong đó, việc lấy ý kiến
nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử chính là nhằm phát huy
quyền làm chủ của cử tri, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến toàn diện,
bày tỏ quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý đối với người ứng cử. Người ứng cử sẽ
không thể trở thành người đại biểu của nhân dân một khi chưa được sự tín nhiệm
của cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Được biết, các cơ quan chuyên môn đã
tích cực giúp cho Ủy ban bầu cử các cấp sàng lọc, lựa chọn được những người ứng
cử đại biểu HĐND các cấp thật sự trong sạch, có phẩm chất đạo đức tốt, xứng
đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, kiên quyết
không để những người không xứng đáng tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
Đồng thời, trước và trong quá trình bầu cử, tại các điểm bầu cử được tăng cường
bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, chủ động đối phó với mọi tình huống
phức tạp có thể xảy ra.
Pháp luật Việt
Nam có những quy định chặt chẽ để xử lý các đối tượng có hành vi phá hoại bầu
cử, gây trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân. Cụ thể, Điều 95 của Luật Bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định sẽ tùy theo tính chất, mức độ
vi phạm để xử lý người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm
trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân. Bên cạnh đó Bộ luật Hình sự đã quy
định cụ thể tội liên quan đến bầu cử như tội xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử hoặc
biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân. Bầu cử Quốc hội và HĐND
các cấp là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, và đây cũng là mục tiêu
chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng chính trị, càng gần đến ngày bầu
cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chúng lại càng điên cuồng ra sức
chống phá bằng những chiêu trò khác nhau.
Vì vậy, mỗi
người dân cần nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh quyết liệt
làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế
lực thù địch và các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị. Tham gia bầu cử
Đại biểu quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
vào ngày 23/5/2021 để thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân./.
Trúc Lâm
Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng
Trả lờiXóa