Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

 

ÂM MƯU XUYÊN TẠC BẦU CỬ BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đã tung ra nhiều luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc gây nhũng nhiễu thông tin, hoang mang dư luận nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết toàn dân tộc. Một trong những luận điệu xuyên tạc, kích động, phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp được chúng tuyên truyền lần này đó là: “Việc bầu cử Quốc hội và HĐND chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự”, “phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do… còn nếu với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định này thì đối với nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân”...

Những luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động là kiểu lập luận quy chụp, bóp méo sự thật lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh lừa và hướng dư luận ủng hộ cho những mưu toan chính trị thâm độc của chúng. Cả lý luận và thực tiễn sinh động tại Việt Nam đã và đang “bẻ gãy” những luận điệu đó, thể hiện trên một số khía cạnh sau:

1. Nước Việt Nam là nước dân chủ, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Điều này đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn. V.I.Lênin khẳng định: “Với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc của nhà nước”. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong phần mở đầu khi viết tác phẩm “Dân vận” (1949): “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

2. Bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của mỗi công dân Việt Nam

Đại biểu Quốc hội là đại biểu của nhân dân. Do vậy, nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, mọi quy trình bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta đã diễn ra được 14 khóa, từ khóa đầu tiên (6/1/1946) đến nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công khai bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả và thành công của các cuộc bầu cử, một lần nữa góp phần khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Đó là việc người dân luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận công dân đối với Tổ quốc. Mỗi cuộc bầu cử tuy diễn ra ở thời điểm cách mạng khác nhau, với những khó khăn, chông gai khác nhau, song toàn dân, toàn quân ta luôn một lòng hướng về Đảng và Quốc hội, đoàn kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, bổn phận, để mỗi kỳ bầu cử, số cử tri đi bầu luôn đạt tỷ lệ cao, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.

Ở Việt Nam, quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Bầu cử là một thể chế dân chủ đã có từ lâu. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nhân dân tổ chức ra Nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

3. Nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là bảo đảm ý chí của nhân dân và phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội

Bầu cử là việc công dân của một quốc gia lựa chọn những người đại diện để trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy định bầu cử khác nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác được bởi vì hệ thống chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới hiện rất đa dạng, cho nên tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa của quốc gia - dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào. Về mô hình bầu cử ccas nước cũng khác nhau: mô hình bầu cử ở các quốc gia theo chế độ đa đảng (lấy việc bầu cho đại diện của mỗi đảng làm tiêu chí) khác với các quốc gia bầu cử theo tỷ lệ cử tri và theo địa bàn hành chính; mô hình bầu cử trực tiếp khác với mô hình bầu cử gián tiếp - thông qua đại cử tri… Song về tổng quan luật bầu cử một số nước trên thế giới hiện nay là theo nguyên tắc: “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.

Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo bốn nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội, phù hợp với Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã nêu rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”.

-LHC-

1 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa