Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Thế giới bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng Covid-19

 Giải quyết bất bình đẳng chủng tộc và bất bình đẳng trong y tế có vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ y tế cho tất cả người dân. Để đạt được sự bình đẳng trong y tế, tất cả mọi người phải có cơ hội tiếp cận toàn bộ tiềm lực y tế như nhau. Bình đẳng chủng tộc trong y tế có nghĩa là không ai bị thiệt thòi trong tiếp cận toàn bộ tiềm lực y tế bởi vì bản dạng chủng tộc của họ. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccin phòng Covid-19.

Độc quyền trong phân phối vaccine phòng Covid-19 và những hệ lụy về đạo đức:

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (ngày 18/1) cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với "thảm họa thất bại về đạo đức" nếu các nước giàu tiếp tục độc quyền vaccine ngừa COVID-19 gây thiệt hại cho các nước đang phát triển.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố nêu rõ: “Tôi phải thẳng thắn. Thế giới đang đứng trên bờ vực của sự thất bại thảm hại về đạo đức, và sự thất bại này sẽ phải trả bằng sự sống và sinh kế ở các nước nghèo nhất trên thế giới”.

Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp của Ban Chấp hành WHO ở Geneva, ông Tedros đã lưu ý tới sự ích kỷ của các nước giàu và chỉ trích gay gắt các nhà sản xuất vaccine đang tìm kiếm sự chấp thuận của cơ quan quản lý ở các nước giàu thay vì gửi dữ liệu của họ cho WHO để được “bật đèn xanh” toàn cầu cho việc sử dụng vaccine.

39 triệu liều vaccine ở 49 quốc gia giàu có và chỉ 25 liều cho một quốc gia:

Theo ông Tedros, trong khi những liều vaccine đầu tiên bắt đầu được tung ra, lời hứa về khả năng tiếp cận công bằng đối với vaccine ngừa virus Corona trên toàn thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Như để minh họa cho sự thất bại "thảm khốc về đạo đức" này, ông Tedros tuyên bố rằng 39 triệu liều vaccine ngừa virus Corona đã được sử dụng ở ít nhất 49 quốc gia giàu có. Đồng thời, "chỉ có 25 liều được tiêm ở một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất". "Không phải 25 triệu, không phải 25.000, chỉ 25" – ông nhấn mạnh.

Việt Nam bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine đồng thời hướng tới tự chủ trong sản xuất vaccine phòng Covid-19:

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, trong đó quy định rõ 11 đối tượng được ưu tiên tiêm và miễn phí. Bên cạnh đó, ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện, chúng ta cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm, tiến tới tự chủ trong sản xuất vaccine vào cuối năm 2021. Hiện nay có 3 ứng viên tiềm năng đã nghiên cứu thành công vaccine chống Covid-19 và hiện đã có hai ứng viên bước sang thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2.


Những nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát dịch, phát triển kinh tế năm 2020 đã được cả thế giới công nhận và trong một tương lai không xa chúng ta cũng sẽ tự chủ trong việc sản xuất vaccine phòng Covid-19, góp phần bảo vệ an toàn, sức khỏe nhân dân, phục hồi kinh tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét