Tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề nóng bỏng, phức tạp, nan giải và bức xúc nhất hiện nay ở nước ta. Tham nhũng đã và đang đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây cũng chính là vấn đề liên quan nhiều nhất, chi phối đến quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.
Để thực hiện phòng ngừa tốt tham
nhũng, trước hết phải tiến hành và thực hiện nghiêm túc các giải pháp đồng bộ
cả về tư tưởng, chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống; bổ
sung hoàn chỉnh các cơ chế, quy định, trước hết là nâng cao vai trò, trách
nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu trong phòng, chống tham
nhũng, lãng phí; tăng cường công tác tổ chức, cán bộ; tiếp tục hoàn thiện thể
chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân
chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội; Hội đồng
nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận; đồng thời, tăng cường quản
lý kinh tế, tài chính, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, các quỹ do
nhân dân đóng góp và do nước ngoài viện trợ, bảo đảm công khai, minh bạch trong
hoạt động kinh tế, tài chính, ... Đối với công dân, cần chăm lo giáo dục cho
mọi người đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, cách ứng xử văn minh; tuyên
truyền, giáo dục cho mọi người dân nhận diện được các hành vi tham nhũng, lãng
phí, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tạo ra môi trường xã hội
chống tham nhũng, lãng phí. Đối với cán bộ, đảng viên, coi giáo dục đạo đức và
xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết là biện pháp quan
trọng đầu tiên để ngăn chặn, hạn chế tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện công khai, minh bạch trong
hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc soạn thảo và ban hành các quyết
định để giải trình khi nhân dân yêu cầu; tiếp tục đổi mới chế độ tiền
lương; cải cách hành chính Nhà nước; cơ chế thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm
kê, kiểm soát; thực hiện cơ chế giám sát của Mặt trận và các đoàn thể
chính trị - xã hội; công khai các thủ tục hành chính; công khai các trường hợp
mua sắm tài sản công; công khai ngân sách và thu chi tài chính ở tất cả các cơ
quan Nhà nước trong phạm vi cho phép; xây dựng và thực hiện quy chế tuyển dụng,
đề bạt cán bộ, công chức công khai, dân chủ; thực hiện tốt hơn nữa Quy chế dân
chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt; biểu dương, khen thưởng tập
thể và cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều
kiện thuận lợi cho người tố cáo, bảo vệ và có chính sách khen thưởng người tố
cáo đúng các vụ tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm khắc những ai trù dập người
tố cáo hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng, lãng phí để vu khống hại người khác,
gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩ, Đảng, Nhà nước cần sớm rà
soát lại các chủ trương đã ban hành, những nội dung gì còn chồng chéo, chưa rõ
ràng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng thực hành nhiệm vụ cần được điều
chỉnh hoặc bổ sung. Đồng thời, tổ chức đảng cần tăng cường giám sát, kịp thời
phát hiện sự thiếu kiên quyết và làm việc chưa đúng pháp luật của các cơ quan
chức năng, của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí
đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tiền phong, gương mẫu. Cán bộ,
đảng viên phải gương mẫu trong đạo đức, lối sống và đi đầu trong cuộc đấu
tranh, coi đó là một tiêu chí để đánh giá, xem xét, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Đồng thời, các cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng
thực thi pháp luật trong trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan mình có
hành vi tham nhũng, lãng phí cần xử lý, không được dung túng, bao che. Người có
hành vi tham nhũng phải bị xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh về trách
nhiệm hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai, ở cương vị nào, dù đương
chức hay đã nghỉ hưu.
Kinh nghiệm xử lý các vụ tham nhũng
vừa qua cho thấy, vai trò của cấp uỷ, của cán bộ quản lý và người đứng đầu các
tổ chức, các cơ quan là rất quan trọng. Cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu
liêm khiết, gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà
nước, không tơ hào hoặc phung phí của công thì cơ quan, tổ chức đó sẽ trong
sạch, công tác có hiệu quả, nhân dân tin yêu. Do đó, việc quản lý cán bộ, đánh
giá đúng, sử dụng và bổ nhiệm đúng cán bộ có vai trò rất quan trọng trong cuộc
đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm, giới
thiệu tái cử những người mắc vào tệ tham nhũng, lãng phí hoặc bao che, tiếp tay
cho tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định và xử lý trách nhiệm như
miễn nhiệm, bãi nhiệm người đứng đầu các tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí
nghiêm trọng...
Cuộc đấu tranh phòng chống tham
nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, nhưng được toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân ta đồng tình và quyết tâm thực hiện có hiệu quả. Chúng ta
đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng, Luật
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, các
cơ quan chức năng được củng cố và những kinh nghiệm trong xử lý các vụ tham
nhũng, lãng phí lớn vừa qua, với ý chí, quyết tâm, thống nhất giữa ý Đảng
- lòng dân, chúng ta tin tưởng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí
của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nhất định sẽ giành được thắng lợi, góp
phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ
chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét