Nền dân chủ tư sản là chế độ bảo vệ
quyền lực thống trị của giai cấp tư sản đối với toàn thể nhân dân lao động. Bên
cạnh đó nó đề cao quyền tự do cá nhân dẫn tới cá nhân cực đoan thực dụng - dẫn
đến lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với lợi ích của xã hội. Điều này đã dẫn đến
nhiều khuyết tật không thể tránh khỏi đã nảy sinh trong xã hội tư bản như: Sự
phân hóa giàu nghèo, sự bất bình đẳng xã hội, tình trạng thất nghiệp, sự áp
bức, bóc lột người lao động, ô nhiễm môi trường... Cho nên, về thực chất có thể
thấy dân chủ tư sản vẫn không phải là nhà nước thực hiện quyền lực thực sự của
nhân dân, mà chỉ là nhà nước của giai cấp tư sản, bảo vệ lợi ích của giai cấp
tư sản và thực hiện sự thống trị đối với nhân dân lao động. V.I.Lênin cho rằng:
Ngay trong giai đoạn phát triển nhất của nền cộng hòa dân chủ tư sản thì chế độ
dân chủ ấy vẫn bị giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư sản, thực
ra, nó chỉ là chế độ dân chủ đối với thiểu số mà thôi.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời
trên cơ sở kế thừa các giá trị dân chủ trước nó, nhất là kế thừa các giá trị
của nền dân chủ tư bản. Bởi vì, trong bức tranh chung về tiến trình phát triển
của lịch sử, chế độ tư bản là nấc thang cận kề để từ đó bước lên nấc thang tiếp
theo là chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Những
thành tựu dân chủ mà chủ nghĩa tư bản đạt được là thành quả tích lũy của loài
người trong quá trình tiến hóa lâu dài, từ thấp đến cao, mà chỉ từ đó mới có
thể tiến lên một nền dân chủ cao hơn. Tuy thế, dân chủ xã hội chủ nghĩa khác về
chất so với dân chủ tư sản. Khi so sánh nền dân chủ tư sản và nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã đi đến một tư tưởng khái quát: Dân chủ vô sản là thứ
dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản.
Giai cấp tư sản cho rằng nền dân chủ
của họ là nền “dân chủ thuần tuý”, dân chủ tư sản không có tính chất chuyên
chính, nhà nước tư sản với cơ chế tam quyền phân lập mới có thể đảm bảo được
dân chủ. Vì vậy, các thế lực thù địch đã đưa ra quan điểm phủ nhận Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cho rằng đó là bộ máy chuyên chính, với cơ chế
quyền lực thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể nào
đảm bảo dân chủ thực sự được. Đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đòi
thực hiện cơ chế tam quyền phân lập trong bộ máy Nhà nước xã hội chủ nghĩa...
Trong khi coi chế độ dân chủ tư sản
là bước lớn trong lịch sử, V.I.Lênin chỉ ra: “Phải đề phòng, không một lúc nào
quên thực chất tư sản của chế độ “dân chủ” đó, tính chất tương đối và hạn chế
của nó về mặt lịch sử, phải đề phòng không được nhiễm phải cái “lòng tin mê
muội” vào “Nhà nước”, không được quên rằng ngay cả trong một chế độ cộng hòa
dân chủ nhất, chứ không nói trong một chế độ quân chủ nữa, thì Nhà nước cùng
thể là cái gì khác hơn là một bộ máy áp bức của giai cấp này đối với giai cấp
khác”.
Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa,
Nhà nước xã hội chủ nghĩa là thiết chế chủ yếu thực thi dân chủ do giai cấp
công nhân lãnh đạo thông qua chính đảng của nó. Đây cũng chính là đặc trưng bản
chất chính trị của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong hệ thống chính trị xã hội
chủ nghĩa, nhà nước là thiết chế có chức năng trực tiếp nhất trong việc thể chế
hóa và tổ chức thực hiện những yêu cầu dân chủ chân chính của nhân dân. Nó cũng
là công cụ sắc bén nhất trong cuộc đấu tranh với mọi mưu đồ đi ngược lại lợi
ích của nhân dân; là thiết chế tổ chức có hiệu quả việc xây dựng xã hội mới; là
công cụ hữu hiệu để vai trò lãnh đạo của đảng trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội được thực hiện...
Sự ra đời của một nền dân chủ mới -
dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất yếu gắn liền với quá trình ra đời của chủ nghĩa
xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa thực hiện dưới nhiều hình thức, trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội và được pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo đảm. Có
dân chủ hay không có dân chủ, dân chủ nhiều hay ít, dân chủ thực sự hay dân chủ
hình thức... không tuỳ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng. Không phải chỉ
thực hiện “đa nguyên, đa đảng” mới có dân chủ. Xét đến cùng và quan trọng nhất
có dân chủ hay không là thể hiện ở chỗ quyền lực và quyền lợi có thuộc về người
dân hay không? Để thực sự phát huy quyền làm chủ của mỗi người dân, để mỗi công
dân thể hiện đầy đủ nhất quyền lợi và trách nhiệm làm chủ của mình đòi hỏi phải
không ngừng nâng cao chất lượng một cách đồng bộ của nhiều thành tố, trong đó
có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, với chức năng quản lý xã hội
bằng pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công cụ để thực thi
quyền làm chủ của người dân. Trước tình hình thực tế đang có những diễn biến
phức tạp, khó lường hiện nay thế lực thù địch muốn lợi dụng dân chủ để gây mất
ổn định chính trị, phá hoại chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, lý luận về dân chủ xã
hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng vẫn chứng minh
được tính đúng đắn, khoa học của nó. Điều này càng được thể hiện rõ qua thực
tiễn thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta hơn 80 năm qua.
TG: Rổng lửa Thăng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét