Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

CẢNH GIÁO VỚI NHỮNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG “TỰ DO TÔN GIÁO” HIỆN NAY

 


 

Trong vô vàn những âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo”, không thể không nhắc tới chiêu bài muốn biến các giáo xứ thành những thiết chế chính trị riêng, hoạt động ngoài vòng pháp luật, từ đó kích động nhân dân và giáo dân tiến hành các hoạt động gây rối, chống đối, vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước hết, có thể khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Nhìn vào thực tế các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng đại đa số chức sắc tôn giáo, tăng ni, phật tử đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, lợi dụng đường lối, chính sách đổi mới, mở cửa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, một số đối tượng đứng đầu các giáo xứ, núp dưới chiêu bài “tự do tôn giáo” đã lái hoạt động tại các giáo xứ đi ngược với pháp luật và sự phát triển của đất nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về công tác tôn giáo, trong đó đưa ra những nguyên tắc cụ thể liên quan tới lĩnh vực này. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là: Quyền tự do tôn giáo không phải là vô hạn và Nhà nước giữ vai trò trung gian trong việc ngăn chặn tình trạng các tổ chức tôn giáo lạm quyền chính trị hoặc lạm quyền tự do tôn giáo để tranh giành ảnh hưởng, xâm phạm vào các quyền tự do dân sự khác của người dân; hoạt động của các tôn giáo phải tuân thủ theo hiến pháp, pháp luật…

Việc quản lý nhà nước về tôn giáo cũng đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật, trong đó xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo, truyền đạo; đồng thời nêu rõ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào năm 2016 và Chính phủ có Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của nhân dân.

Thế nhưng, phải thẳng thắn thừa nhận rằng hiện nay, việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo của chính quyền các cấp và tại một số nơi vẫn còn những sơ hở, bất cập. Và các đối tượng cực đoan, phản động luôn tận dụng kẽ hở này để kích động các giáo dân gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương mỗi khi có các vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm nổi lên. Núp dưới vỏ bọc “tự do tôn giáo” và những lời rao giảng “vì lợi ích thiết thực của giáo dân”, một số linh mục cực đoan ra sức lôi kéo, xúi giục, thậm chí gây sức ép để bà con giáo dân chống phá chính quyền, nhằm gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, họ móc nối với các đối tượng phản động trong và ngoài địa phương, thậm chí cả thế lực phản động bên ngoài để tổ chức các hoạt động gây rối với mục tiêu nhằm phức tạp hóa tình hình, đẩy Giáo hội công giáo đối lập với chính quyền. Âm mưu này có thể được nhận rõ qua hàng loạt vụ việc xảy ra trong những năm gần đây như lợi dụng việc xả thải gây ô nhiễm môi trường của Công ty Formosa (Hà Tĩnh), giải tỏa chùa Liên Trì (TP Hồ Chí Minh), dựng thánh giá, nhà nguyện trái phép ở giáo xứ Đồng Chiêm (Hà Nội), Đồng Hới (Quảng Bình), hay việc giải tỏa đền bù đất tại 42 Nhà Chung, Nhà thờ Thái Hà (Hà Nội)…

Lợi ích đâu chẳng thấy, mà trái lại, những âm mưu kích động này cuối cùng chỉ khiến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt thường ngày của bà con giáo dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đáng buồn hơn, nhiều giáo dân từ chỗ sống “tốt đời, đẹp đạo” bỗng bị dụ dỗ, kích động, mê hoặc bởi những lời rao giảng phi lý, để rồi vi phạm chính sách tôn giáo của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có người còn vướng vào vòng lao lý; đến khi tỉnh ngộ thì đã muộn.

Các giáo dân trước hết là các công dân, nên bất kỳ ai theo tín ngưỡng, tôn giáo nào cũng cần đặt trách nhiệm và nghĩa vụ công dân lên hàng đầu; ở đâu trên thế giới này cũng vậy chứ không chỉ ở Việt Nam. Cùng với đó, các giáo dân cần hết sức tỉnh táo, nhận rõ âm mưu thủ đoạn của những “bàn tay đen” muốn biến các giáo xứ thành thiết chế chính trị riêng, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của giáo dân nhằm phục vụ lợi ích cá nhân một số người nhưng lại phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng tới lợi ích chung của dân tộc, đất nước mà trước hết là cuộc sống yên bình của các giáo xứ, người theo đạo.

                                                                   S.T: Rồng Thanh Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét