Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Thao túng tiền tệ - Nỗi oan của Việt Nam

 Đầu tiên, phải khẳng định rằng Việt Nam không phải là một nước thao túng tiền tệ. Điều này được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính chức trả lời vào ngày 17-12-2020, một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” trong đó nhận định Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, là đang thao túng tiền tệ.

 

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng các chính sách tiền tệ của Việt Nam, được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.

 

Quan trọng hơn nữa, phân tích sâu chiến lược phát triển của Việt Nam cũng sẽ thấy rõ tại sao Việt Nam không hề có ý đồ và hành động “thao túng tiền tệ” vì lợi ích.

 

Đối với Mỹ, mác “thao túng tiền tệ” được xác định chủ yếu tập trung ở việc một quốc gia liên tục phá giá đồng nội tệ (giá trị danh nghĩa hoặc thực tế) nhằm làm hàng hoá xuất khẩu rẻ đi và tăng khả năng thâm nhập thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường của Mỹ.

 

Đây có lẽ là một chiến lược hợp lý đối với các nền kinh tế thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (export-oriented countries), thí dụ như Trung Quốc giai đoạn 1990-2010 hay Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Ireland hiện nay.

 

Tuy nhiên, Việt Nam mở cửa nền kinh tế với mục tiêu rộng hơn thế, là để hội nhập, liên thông và bắt kịp với sự phát triển chung của thế giới. Một mặt Việt Nam sẵn sàng quảng bá và cung ứng ra toàn thế giới những sản phẩm đặc thù của mình, như nông sản, da giầy, dệt may, hàng điện tử, … đồng thời sẵn sàng nhập khẩu những sản phẩm khác theo đòi hỏi của thị trường nội địa, bao gồm cả linh kiện điện tử, ô-tô, máy bay, điện thoại, nông sản và các loại nguyên vật liệu.

 

Quan trọng hơn hết là Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh hiện đại, ổn định, minh bạch, là điểm đến của nguồn nhân lực và dòng vốn quốc tế.

 

Khi hiểu rõ chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam như vậy, hiển nhiên việc Việt Nam “phá giá đồng tiền” là một điều bất hợp lý. Không nguồn vốn hay quyết định đầu tư khôn ngoan nào muốn lựa chọn một điểm đến đầy rủi ro khi đồng tiền bị chủ động phá giá. Vì vậy, đây cũng là điều mà Việt Nam chắc chắn không muốn làm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét