Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

LÝ DO NGƯỜI VIỆT NAM TỰ HÀO VỀ CHIẾC MŨ CỐI CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM


Chiếc mũ cối của liệt sĩ Bùi Đức Hưng được một người lính Mỹ giữ lại trong suốt 46 năm. Nó là kỷ vật mà John Wast tìm lại được sau một cuộc đấu súng căng thẳng với liệt sĩ Hưng tại chiến trường miền Nam.

Cuộc chiến đấu căng thẳng suốt 3 ngày đêm và người Mỹ chỉ thật sự yên tâm sau khi không còn nghe thấy bất kỳ tiếng bắn trả nào trong nhiều giờ đồng hồ. Họ tìm lên quả đồi nơi những người lính Bắc Việt ẩn náu để xem "Đội quân nhỏ bé với chỉ vài chục người" đó như thế nào. Tất cả còn lại chỉ là sự hoang tàn, vết cày xới của đạn bom.

John Wast đã tìm thấy được chiếc mũ này, chiếc mũ khi ấy là dấu hiệu nhận biết những anh giải phóng quân. Nhưng khi nằm trên tay John Wast nó đã lỗ chỗ 11 vết đạn thù, có lẽ người lính ấy đã chiến đấu đến những hơi thở cuối cùng và trong giây phút đó, sức mạnh của anh xuất phát từ tình yêu nước và quyết tâm giữ lại từng tấc đất quê hương.

Điều khiến anh lính Mỹ kinh ngạc là khi lật chiếc mũ đó lên, anh thấy dòng chữ Việt Nam và hình ảnh một chú chim bồ câu. Anh chợt nhận ra những con người phía bên kia chiến tuyến cũng yêu hòa bình, cũng chiến đấu vì sự tự do dân tộc chứ không phải những gì anh được nước Mỹ tuyên truyền về 1 cuộc chiến tại Việt Nam đầy nhân văn, công lý. Ông ghi nhận: "Đó là một người lính yêu nước, đáng được tôn vinh và trân trọng."

Ở Việt Nam có những thứ thiêng liêng như thế. Những người bạn nước ngoài không thể hiểu tại sao chúng ta lại thích đội mũ cối và có những chiếc kẻng bằng vỏ bom... Chúng ta yêu vì chúng ta hiểu, hiểu lịch sử dân tộc và những gì cha ông ta đã trải qua!

Song điều đọng lại là: Chẳng phải mũ sắt để "tránh thương bởi viên đạn trượt" như bọn Mỹ trang bị cho tay sai. Chiếc mũ cối của bộ đội chỉ để nhận diện, che nắng, bảo hộ gai góc khi xuyên rừng. Người chiến sĩ đội mũ này đã sẵn sàng chấp nhận viên đạn trượt vào đầu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính tình yêu ĐẤT NƯỚC các anh đã hóa thành bất tử để đổi lại hòa bình cho ngày hôm nay.

Còn chiếc mũ sắt "oai phong" nọ... một thời đã được người dân VN làm cối giã cua!./.

                                                                                            MANH VĂN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét