Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng

 

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội tồn tại khách quan trong bộ máy nhà nước, là một trong những căn bệnh gắn liền với quyền lực nhà nước, luôn ăn sâu bám rễ trong mọi chế độ xã hội. Một số nơi trên thế giới, tham nhũng làm suy kiệt cơ thể xã hội, gây xáo trộn, mất ổn định chính trị.

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) là công việc khó khăn, phức tạp, cần có sự quyết liệt và kiên trì, là chính sách ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Bám sát tình hình thực tiễn, từ trước đến nay, Đảng ta đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nghị quyết số 14/NQ/TW ngày 15-5-1996 về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp để đấu tranh chống tham nhũng của Bộ Chính trị khóa VII đã chỉ rõ: PCTN nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Qua các kỳ đại hội đều xác định rõ PTCN là một nội dung cần tập trung lãnh đạo. Đặc biệt, Đại hội XII đã xác định “đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu” là một trong những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong suốt nhiệm kỳ.

Tuy nhiên trong khi toàn Đảng, toàn dân đang làm tốt công tác chuẩn bị tiến tới Đại hội XIII của Đảng thì một số thông tin, bài viết trên internet có nội dung đề cập những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên đã xảy ra hoặc những sự việc tiêu cực trong xã hội để suy diễn, quy kết “do tham nhũng” và thổi phồng cho đó là tình trạng “phổ biến”, “bản chất” của chế độ xã hội chủ nghĩa, một “căn bệnh” do cơ chế độc đảng lãnh đạo, do “năng lực quản lý yếu kém” của Nhà nước được đăng tải trên các blog, facebook, wesite,… của một số hội, nhóm “xã hội dân sự” và các cá nhân tự xưng là những nhà hoạt động “dân chủ, nhân quyền”, “vì dân”, “vì nước”, v.v.. Mục đích trên của chúng nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Từ đó gây hoài nghi trong nhân dân vào các cấp lãnh đạo, hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, tạo “hoài nghi” về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Đồng thời, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội.

Thực chất những thông tin và bài viết đó thường mang nặng sự suy diễn chủ quan, tô vẽ, thổi phồng, thậm chí xuyên tạc trắng trợn tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Đây rõ ràng là chiêu trò, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhằm gây “nhiễu loạn” chính trị - xã hội trước thềm Đại hội XIII của Đảng nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thực tiễn đã chứng minh, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước. Điều đó một lần nữa khẳng định công tác PCTN đang có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét