QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN -
MỘT DANH XƯNG BẤT HỦ
Quân Nhân
Quân đội ta, tính từ
ngày thành lập, 22-12-1944, đến tháng 9-1954 đã 5 lần mang những tên gọi khác
nhau. Nhưng từ tháng 9-1954 đến nay, qua 65 năm, danh xưng "Quân đội nhân
dân" vẫn được giữ nguyên, không thay đổi.
Nhằm giải thích danh xưng này, một số người cho rằng “nhân dân” là một thuộc tính vĩnh hằng, bởi lẽ, Quân đội ta là quân đội của dân, do dân và vì dân, như “cá nằm trong nước”, nên Quân đội ta mang tên “Quân đội nhân dân” là duy nhất đúng, có gì mà phải bàn cãi. Cách giải thích như vậy tuy không sai nhưng chưa thật đầy đủ.
Về lý luận, phải hiểu
“Quân đội nhân dân” là một danh xưng, thể hiện rõ bản chất của Quân đội ta. Đó
chính là sự biểu hiện một cách cơ bản mối quan hệ biện chứng giữa tính dân tộc
và tính giai cấp của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc ở
Việt Nam.
Để tìm hiểu vấn đề,
chúng ta hãy quay trở về với lịch sử dân tộc. Ai cũng biết, sau khi thấy rõ sự
thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam vào cuối thế
kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chứng tỏ rằng những con đường giải phóng dân tộc dưới
ngọn cờ tư tưởng phong kiến hoặc tư tưởng tư sản là không đáp ứng được yêu cầu
khách quan của lịch sử. Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã
lặn lội sang phương Tây tìm đường cứu nước.
Sau khi tiếp cận lý luận
của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước, con đường giải
phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản. Như vậy, là vượt qua sự hạn chế về
tư tưởng của các sĩ phu và của các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời,
Người đã đến với học thuyết cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường
cách mạng vô sản và quyết tâm đưa dân tộc Việt Nam đi theo con đường đó.
Sự kết hợp, gắn bó hữu
cơ giữa hai quá trình đấu tranh, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản,
cũng như mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trong tư
tưởng Hồ Chí Minh là mối quan hệ cơ bản, có tác động mạnh mẽ đối với công cuộc
giải phóng dân tộc và phát triển của toàn xã hội ở nước ta. Mối quan hệ, gắn bó
không phải chỉ là để chứng minh cho sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn
là sự phát triển sáng tạo và có giá trị định hướng rất cơ bản. Hồ Chí Minh đã
có những giải pháp đúng đắn, nhạy bén, kịp thời, đáp ứng đúng những đòi hỏi của
lịch sử, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng lý luận của Chủ nghĩa
Mác-Lênin và cũng chính là nguồn gốc sức mạnh của sự nghiệp cách mạng nước ta
trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.
Chính những thực tế lịch
sử sinh động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng đã đưa tới sự hình thành danh xưng “Quân đội nhân dân”. Chính cương và
đường lối cách mạng của Đảng xác định “phải tổ chức ra đội quân công nông”
nhưng trong những năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh
tầng lớp thanh niên công nông gia nhập quân đội còn có rất nhiều thanh niên yêu
nước khác. Trong quân đội, bên cạnh yếu tố giai cấp là yếu tố dân tộc. Từ “nhân
dân” trong danh xưng “Quân đội nhân dân” nhằm chỉ toàn dân, với ý nghĩa là thu
hút hết thảy mọi lớp người, đoàn kết thành một khối thống nhất dân tộc xung
quanh giai cấp công nhân, cùng tiến hành chiến tranh nhân dân, một loại hình
chiến tranh toàn dân chống xâm lược truyền thống lâu đời của người Việt để thực
hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tóm lại, trong nội dung khái niệm “nhân dân”
đã có tính giai cấp vì công nhân và nông dân là thành phần lao động cơ bản, chiếm
đại đa số trong nhân dân và “nhân dân” cũng chính là bao gồm tất cả mọi người
trong dân tộc.
Trong danh xưng
"Quân đội nhân dân", “nhân dân” đã trở thành một tính chất khác lạ, độc
đáo và trở thành một thuộc tính vĩnh hằng của Quân đội ta. Chính nhờ thuộc tính
đó mà Quân đội ta tồn tại và trưởng thành, danh xưng "Quân đội nhân
dân" lấp lánh, lung linh, tỏa sáng. Cũng từ đó mà mọi người dễ dàng nhận
thức ra nó và phân biệt nó với các kiểu loại quân đội khác, kể cả các kiểu loại
quân đội trên đất nước ta, do giai cấp phong kiến và giai cấp nông dân đã tổ chức
ra.
Đối với chúng ta ngày
nay, “nhân dân” là một khái niệm rất gần gũi, quen thuộc nhưng cũng mang một ý
nghĩa thiêng liêng, cao quý và vĩ đại.
Ở Việt Nam, cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc đi theo con đường cách mạng vô sản mà Cách mạng xã hội
chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã vạch ra. Mở đầu cho đường lối cách mạng đó là cuộc
Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở
Đông Nam Á và tiếp sau đó là tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến thần
thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và bước sang cuộc cách
mạng xã hội chủ nghĩa. Từ khi ra đời, sống trong sức mạnh vĩ đại của nhân dân,
quân đội đã trở thành một đội quân bách chiến bách thắng. Sở dĩ trở thành vô địch
vì Quân đội nhân dân đã đi cùng nhân dân, biết dựa vào sức mạnh vô cùng của
nhân dân, như đã nói, nhưng về phía khác chính là Quân đội nhân dân đã biết
quên mình chiến đấu để bảo vệ “quyền làm người” (chữ NGƯỜI (NHÂN) viết hoa) mà
Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét