HÃY NHẬN DIỆN VỀ “TỰ DIỄN BIẾN” VÀ
“TỰ CHUYỂN HÓA”
Văn Yên
Vấn đề “Tự diễn biến” là
nguy cơ đã được Đảng ta cảnh báo từ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc
lần thứ X và chỉ ra đó là hệ quả của suy thoái về tư tưởng chính trị trong một
bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là sự thay đổi ngay từ bên trong Đảng theo chiều
hướng xấu, mà hệ quả là sự suy thoái dẫn đến sự tan rã của Đảng, sự xuống cấp
và dẫn đến sụp đổ của chế độ, làm thoái hóa bản chất thể chế chính trị xã hội
chủ nghĩa.
“Tự diễn biến” về chính trị - tư tưởng có căn nguyên từ đạo đức, lối sống. Bởi vì, đạo đức, lối sống là cái gốc, do đó tất yếu, sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến tha hoá về chính trị - tư tưởng. “Tự diễn biến” về chính trị - tư tưởng có thể xảy ra trong đảng viên, công chức, quần chúng nhân dân; nhưng đặc biệt nguy hiểm khi một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền bị suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó là những người bị chủ nghĩa cá nhân điều khiển, coi thường lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, lợi dụng địa vị xã hội được phân công để thu lợi cho cá nhân, gia đình và người thân. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong bài viết “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã nghiêm khắc phê phán biểu hiện chủ nghĩa cá nhân ở một số cán bộ, đảng viên: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(1), “Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”(2). Sự phê phán đó của Bác Hồ đối với chủ nghĩa cá nhân cho tới ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị, đồng thời mang tính thời sự nóng hổi và có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
“Tự diễn biến” còn là quá
trình từ bỏ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của CNXH, hướng dần theo những tư
tưởng khác. Hiện tượng “tự diễn biến” này rất khó nhận diện tức thời, đòi hỏi
phải có thời gian cho việc xác định các biểu hiện “tự diễn biến” cũng như xác
định các nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”. Khi xem xét, đánh giá cần phải hết
sức thận trọng, tránh “chụp mũ”, quy kết vội vàng, nhưng đồng thời không thể
mất cảnh giác cho rằng “không có vấn đề gì”. Nguyên nhân của quá trình “tự diễn
biến”, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, rời bỏ mục tiêu, lý tưởng của CNXH có
nhiều, nhưng về khách quan cho thấy rõ nhất đó là căn bệnh quan liêu, độc đoán,
chuyên quyền, tham nhũng, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi, cá nhân chủ nghĩa gây nên
tình trạng bất bình đẳng về lợi ích. Điều này đã được Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: “...
Ở đâu không có sự thống nhất về lợi ích chung thì ở đó không có sự thống nhất
về mục đích và càng không thể có sự thống nhất về hành động”(3).
Tiếp đến, đó là bệnh mất dân chủ, mất đoàn kết, lỏng lẻo, rệu rã về tổ chức kỷ
luật, mà suy cho cùng cũng là do chủ nghĩa cá nhân gây nên. Về nguyên nhân chủ
quan, sự xa rời tổ chức, xa rời mục tiêu lý tưởng còn xuất phát từ sự hạn chế
về trình độ nhận thức chính trị, bản lĩnh không vững vàng trước các tác động
tuyên truyền của các thế lực thù địch, kết hợp với sự thoái hoá về phẩm chất
đạo đức, lối sống. Những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên không chỉ
làm cho nội bộ Đảng suy yếu, mất dần sức đề kháng, mà còn là điều kiện thuận
lợi để các thế lực thù địch lợi dụng, can thiệp, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét