Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ DÂN CHỦ TRONG BẦU CỬ Ở VIỆT NAM

 

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ DÂN CHỦ

TRONG BẦU CỬ Ở VIỆT NAM

                                              HoangThang.com

Với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt, các thế lực thù địch không chỉ lợi dụng những sự kiện ở trong nước, mà còn triệt để tận dụng những sự kiện ở nước ngoài để thừa cơ chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trước sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, Nguyễn Văn Đài đã đăng tải bài viết “Bầu cử Tổng thống Mỹ - Tại sao người Việt ở Việt Nam quan tâm?” trên trang mạng xã hội, nhằm xuyên tạc, bôi đen bản chất tốt đẹp về dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam.

Mỗi người Việt Nam có lương tri và có trách nhiệm đối với xây dựng đất nước đều nhận thấy, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, luôn được cử tri cả nước quan tâm, cũng như nghiêm túc thể hiện trách nhiệm công dân qua từng lá phiếu. Thế nhưng, với Nguyễn Văn Đài - kẻ không có lương tri và không có thiện chí xây dựng đất nước luôn rêu rao, xuyên tạc rằng: “Ở Việt Nam không có ứng cử, bầu cử tự do và công bằng”, “Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam nhàm chán, phiếu bầu không có giá trị, người dân không có quyền quyết định”. Những luận điệu này của Đài hoàn toàn là sai trái và đã bị chính lý luận, thực tiễn thực hiện dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam bác bỏ.

Bầu cử là một trong những hoạt động quan trọng, biểu hiện cụ thể, rõ nét nhất việc thực hành dân chủ ở Việt Nam, luôn được tổ chức công khai, minh bạch. Trong bầu cử, mọi người dân Việt Nam đều được thực hiện quyền công dân qua việc được tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu. Công dân Việt Nam không chỉ trực tiếp tham gia bầu cử, mà còn có quyền tự ứng cử. Những quyền này đã được Ðiều 27, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Theo đó, mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền, nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính đều có quyền bình đẳng như nhau, được tự do tham gia bầu cử nếu trên 18 tuổi và ứng cử nếu trên 21 tuổi. Ðó là những quy định quan trọng thể hiện dân chủ, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng trong hoạt động bầu cử ở Việt Nam. Do đó, không thể có chuyện “người dân Việt Nam bị tước đoạt toàn bộ các quyền tự do chính trị về quyền tự do ứng cử và bầu cử” như lời Nguyễn Văn Đài đã lu loa xuyên tạc.

Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, công tác bầu cử được tổ chức khoa học, chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc dân chủ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cả xã hội, cũng như phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Người dân Việt Nam không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân khi bầu người đại diện, mà còn có thể tự ứng cử. Việc tự ứng cử của cử tri là một biểu hiện rõ nét cho việc thực hành dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam. Chủ trương này đã được triển khai ngay từ kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên sau khi đất nước giành được độc lập. Trải qua 14 kỳ bầu cử Quốc hội từ năm 1946 đến nay, nhiều người tự ứng cử đã được lựa chọn, đưa vào danh sách chính thức (bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII năm 2011 có 82 người tự ứng cử; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV năm 2016 có 162 người tự ứng cử,…) và nhiều người đã trúng cử. Đó là những dẫn chứng thực tiễn biết nói, bác bỏ hoàn toàn luận điệu “ở Việt Nam không có quyền tự do ứng cử” của Nguyễn Văn Đài đã trắng trợn xuyên tạc, đổi trắng thay đen.

Những luận điệu của Nguyễn Văn Đài về dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam là bịa đặt với dụng ý xấu, hòng phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác trước những quan điểm sai trái của Nguyễn Văn Đài và các thế lực thù địch; đồng thời, tích cực tham gia chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho sự thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét