Văn Chung
Phủ nhận thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xuyên tạc lịch sử, hướng lái con thuyền cách mạng nước ta theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, là thủ đoạn không mới, nhưng vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch. Do đó, luận giải và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ phản động ấy là vấn đề cấp thiết và thời sự hiện nay.
Cách mạng Tháng
Tám giành thắng lợi cách đây 75 năm là dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt
Nam thời hiện đại. Vậy mà, những phần tử cơ hội, xét lại trong và ngoài nước,
đặc biệt cái gọi là đảng Việt Tân lại cố tình phủ nhận thành quả vĩ đại ấy của
dân tộc ta. Chúng cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”,
“là đi ngược lại sự bảo hộ của mẫu quốc”, “là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc
chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”... Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn
của những kẻ thiếu lương tri... quên đi “vết nhơ” của lịch sử dân tộc ta
đã phải chịu cảnh nô lệ, lầm than hơn 80 năm.
Năm 1858, thực
dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp nước ta, áp bức đồng
bào ta, khiến dân tộc ta mất quyền độc lập, nhân dân ta phải chịu cảnh nước
mất, nhà tan, “một cổ hai tròng”. Thực dân Pháp không cho dân ta bất cứ
quyền tự do dân chủ nào; bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, thẳng tay chém
giết những người yêu nước, dìm những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể
máu... Từ năm 1940, trước sự xâm lăng của phát xít Nhật vào Đông Dương và Việt
Nam, đã bao lần Việt Minh kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Vậy mà,
chẳng những thực dân Pháp không đáp ứng, lại thẳng tay đàn áp Việt Minh và quỳ
gối đầu hàng, bán nước ta cho phát xít Nhật, làm cho nhân dân ta phải chịu hai
tầng xiềng xích...
Luận điệu cho
rằng Cách mạng Tháng Tám là “nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở
Việt Nam” thì quả là sự vu khống và xuyên tạc lịch sử. Bởi lẽ, sau khi Nhật
hàng đồng minh, Vua Bảo Đại thoái vị, nhân dân ta giành được chính quyền, lập
nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được bao lâu, thì ngày 23-9-1945, thực
dân Pháp quay trở lại cướp nước ta một lần nữa. Trước tình thế đất nước “ngàn
cân treo sợi tóc”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng đầu là Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã thực hiện nhiều chính sách để gìn giữ hòa bình, tránh “cuộc chiến
tranh đổ máu vô nghĩa”. Nhưng “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng
quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả,
chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1), quân và
dân ta đã trường kỳ kháng chiến và giành thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Điện
Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Với bản chất hiếu
chiến, phản động, thực dân Pháp đã cấu kết và “bật đèn xanh” cho đế quốc Mỹ
nhảy vào xâm lược Việt Nam và Đông Dương, buộc nhân dân ta phải tiếp tục chiến
đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc và con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội
(CNXH) do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta xác định từ năm 1930. Và con đường cách
mạng chân chính ấy đã đưa nước ta đến thắng lợi vẻ vang vào ngày 30-4-1975,
thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên CNXH. Như vậy, chính sự hiếu chiến xâm
lược của bọn thực dân, đế quốc là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc kháng chiến thần
thánh của nhân dân ta, chứ không phải Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “nguyên
nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam” như bọn phản động xuyên
tạc.
Về vai trò lãnh
đạo và nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chúng cho rằng “đó là sự
ăn may, vì Nhật thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản Việt
Nam chẳng có tài cán gì”; rằng “do khoảng trống quyền lực, nên Việt Nam dễ
giành được kết quả nhanh chóng”... Thực chất, luận điệu ấy là chúng muốn phủ
nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vận mệnh dân
tộc Việt Nam, phủ nhận khối đại đoàn kết và tinh thần dân tộc, khát khao giành
độc lập dân tộc của nhân dân ta sau hơn 80 năm dưới sự cai trị tàn bạo của chế
độ thực dân Pháp. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi do Đảng Cộng sản
Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt lựa chọn con đường giải
phóng dân tộc một cách khoa học, đúng đắn, khắc phục triệt để hạn chế, sai lầm
của những con đường cứu nước mà các nhà yêu nước trước đó đã tiến hành và khẳng
định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con
đường cách mạng vô sản”(2). Các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939,
1939-1945 thực sự là những “cuộc tổng diễn tập”, là tiền đề cho Cách mạng Tháng
Tám thành công. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát lệnh Tổng khởi
nghĩa giành chính quyền trong cả nước đúng thời cơ, vào thời điểm thuận
lợi nhất nên đã giành thắng lợi!
Về thành quả của
Cách mạng Tháng Tám, chúng cho rằng “không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt
Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị”... Đây là
sự xuyên tạc trắng trợn và phi lịch sử. Ngay về thuật học, chúng đã đánh tráo
khái niệm. Ở nước ta, chế độ “vua trị”, hay nói cách khác là chế độ
“quân chủ” bao giờ cũng đối lập hoàn toàn với chế độ “dân chủ”. Trong khi
đó, cuộc Cách mạng Tháng Tám không những lật đổ sự thống trị của thực dân, phát
xít, mà còn lật đổ hoàn toàn chế độ phong kiến “vua trị”.
Ngay từ khi ra
đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích rõ ràng “làm tư
sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3). Mục
tiêu của Cách mạng Tháng Tám “là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân
chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”(4). Nghĩa là, đánh đổ đế quốc Pháp, Nhật
và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc hoàn toàn, độc lập dân tộc
thực sự để đi đến xây dựng một xã hội hoàn toàn ấm no, tự do, hạnh phúc-chế độ
cộng sản chủ nghĩa. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ
kiếp nô lệ, bị bóc lột lên địa vị làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội. Đồng thời,
đưa cách mạng Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và CNXH.
Thành quả ấy đã giải quyết được vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam-vấn đề
chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đây là điều kiện tiên
quyết để nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN)...
Giá trị lịch sử
và thời đại vô cùng to lớn của Cách mạng Tháng Tám đó là giá trị hòa bình
chân chính. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi
của nhân dân Việt Nam mà còn là ngọn cờ đầu của các dân tộc, thuộc địa bị áp
bức đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.
Để kiên quyết đấu
tranh, làm thất bại những thủ đoạn thâm độc ấy của các thế lực thù địch, hơn
bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử và thời đại to
lớn của Cách mạng Tháng Tám; phải nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tư
tưởng luôn kiên định với con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã
lựa chọn. Hiện nay, trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới,
khu vực, mỗi quốc gia-dân tộc đều có những chiến lược, sách lược nhất định nhằm
bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia-dân tộc. Đảng ta chủ trương phát huy sức mạnh
đại đoàn kết toàn dân làm động lực chủ yếu để phát triển đất nước; độc lập dân
tộc và CNXH là mục tiêu tối thượng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức
mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; phấn đấu
“sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...; nâng cao vị thế và uy tín
của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(5) là những mục tiêu, giải
pháp căn bản, góp bảo vệ thành quả vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
của dân tộc ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét