Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CÔNG CUỘC CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM


                                           Văn Hiệp

Gần đây, lợi dụng tình hình dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam đang dồn tâm sức để khống chế dịch bệnh lây lan ở mức thấp nhất, bảo vệ sức khỏe nhân dân và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho công tác đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, các thế lực phản động thù địch đã và đang ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc bản chất Nhà nước ta, kích động kêu gọi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. 

Đáng chú ý, trên trang facebook Chân Trời Mới Media, trong các ngày 24, 25 tháng 8 năm 2020, các đối tượng Luân Lê tán phát bài “Sự độc đoán và cưỡng bức”, đối tượng Thanh Bình đăng bài “Tại sao ĐCSVN sợ chế độ đa đảng”. Nội dung các bài viết là sự xuyên tạc và phủ nhận trắng trợn những thành quả của công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước Việt Nam tiến hành trong thời gian qua. Để nhận thức đúng vấn đề này, cần nhận diện rõ một số luận điểm xuyên tạc công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

Trước hết, có thể nói công cuộc chống tham nhũng đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam quan tâm và quyết tâm này đã được thể hiện trong nhiều chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật. Tại nhiều cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, “Ai đã nhúng chàm thì sớm gột rửa”, “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”… Những chỉ đạo đó đã trở thành kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành cùng vào cuộc đấu tranh quyết liệt với quốc nạn này. Điều đáng nói là,bên cạnh đại đa số ý kiến ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến chống tham nhũng thì một bộ phận tự nhận là “nhà trí thức”, “nhà quan sát”, “nhà bình luận”... đã lợi dụng việc này để cố tình tạo “tình huống có vấn đề” để “phản biện”, xuyên tạc cuộcđấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó, có thể nhận diện vài quan điểm:

Một là, các đối tượng rêu rao nguyên nhân sâu xa của nạn tham nhũng là do chế độ nhất thể hóa chính trị. Chúng cho rằng, “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng xảy ra”!

Đây là quan điểm của những kẻ mù mờ, thiển cận về chính trị. Tham nhũng là vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện và tồn tại nhiều nước trên thế giới, không phụ thuộc vào thể chế chính trị nào. Nguyên nhân dẫn đến tham nhũng không phải do chế độ chính trị hay do đảng phái nào lãnh đạo đất nước, mà do nhiều nguyên nhân khác nhau từ hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, trình độ dân trí thấp, suy thoái đạo đức lối sống...

Ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển, trình độ quản lý và dân trí chưa cao, thì ở đó tham nhũng phức tạp hơn. Việt Nam đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập là không thể tránh khỏi. Đảng và Nhà nước đang nỗ lực từng bước làm trong sạch bộ máy nhà nước, minh bạch trong quản lý kinh tế để đẩy lùi tác động tiêu cực. Đường lối đúng, không những các đối tượng không ủng hộ mà còn cố tình đánh giá sai!
Hai là, đánh giá thiển cận về phạm vi và hiệu quả của đấu tranh chống tham nhũng. Họ cho rằng phong trào đó “chỉ dừng lại ở cấp cao”, trong khi nạn nhũng nhiễu xuất phát từ quan chức cấp thấp nên phòng, chống tham nhũng không thiết thực với nhân dân.

Thực tiễn cho thấy thời gian qua, ở Trung ương và các Bộ, ban, ngành, đối tượng xử lý tham nhũng có cả cán bộ cao cấp, có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, có cả cán bộ đã đương chức và đã nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.Ở cấp cơ sở, “tham nhũng vặt” - những nhũng nhiễu do một bộ phận cán bộ, công chức thực thi quyền lực của nhà nước gây ra cho người dân được ngăn chặn, đẩy lùi từng bước nhờ phát huy quy chế dân chủ cơ sở cùng với những chuyển biến trong công tác kiểm tra, giám sát tạo điều kiện cho người dân phát hiện, tố cáo để kịp thời xử lý vi phạm.

Nhằm tạo công cụ pháp lý chống tham nhũng, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đấu giá tài sản; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Quản lý nợ công...Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, thay thế kịp thời những công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; mới nhất là Quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đó là những biện pháp tích cực trong đấu tranh chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương một cách đồng bộ, hoàn toàn hướng đến quyền lợi sát sườn của nhân dân, trái ngược với quan điểm “không thiết thực với nhân dân”.
Ba là, các thế lực thù địch, phản động cố tình bôi xấu, đánh lạc hướng dư luận về mục đích tốt đẹp của đấu tranh chống tham nhũng. Chúng cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây còn liên quan đến chuyện “thanh trừng nội bộ”, “đấu đá chính trị”.

Đó là luận điệu hoàn toàn sai trái! Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải bây giờ mới thực hiện mà đã có từ lâu. Đây là công việc thường xuyên, trọng yếu của hệ thống chính trị.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: Trước đây, chúng ta cũng đã làm nhưng chưa thành phong trào hoặc chưa công khai ra. Còn giờ đã thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể cưỡng được, không ai có thể đứng ngoài cuộc.

Các đối tượng bị xử lý kỷ luật cho đến nay có xuất thân khác nhau, bao gồm các quan chức chính quyền địa phương và Trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh, quan chức ngân hàng, các tướng tá công an, quân đội...Thế nên mới khẳng định,công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo làkhông có vùng cấm; không vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích phe phái… màlà để làm trong sạch guồng máy điều hành đất nước, đoàn kết tốt hơn trong nội bộ, tạo ra môi trường công bằng, minh bạch cho mỗi cá nhân phấn đấu.
Như vậy, bản chất những luận điệu xuyên tạc công cuộc chống tham nhũng của các đối tượng phản động, cơ hội chính trị là làm suy giảm uy tín của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, bôi xấu chế độ XHCN.Từ đó, hướng lái dư luận, cổ súy đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; là mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam!

Thực tiễn và kết quả của đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã là câu trả lời minh bạch, rõ ràng nhất về quyết tâm và bước đi đúng hướng của Đảng và những người đứng đầu bộ máy quản lý đất nước, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của những phần tử cơ hội chính trị, phản động về cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, nhân dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không mơ hồ, không tin theo để không hiểu sai mục đích và giá trị cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang diễn ra, đồng thời, luôn tự trang bị tri thức, chủ động tham gia đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái nói trên!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét