Duy Pham
“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” là câu nói bất hủ
của cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Có thể nói, mối quan hệ của Việt Nam - Cuba
là mối quan hệ gắn bó trên cả hình thức ngoại giao mà đó là tình cảm sâu sắc đã
được vun đắp qua nhiều giai đoạn lịch sử. trải qua bao thăng trầm, mối quan hệ
thủy chung gắn bó giữa hai người anh em ở hai bán cầu trái đất ngày càng bền
chặt, sâu sắc và nồng ấm hơn.
Đồng hành trong những chặng đường lịch sử, cùng nhau chia
ngọt sẻ bùi
Việt Nam
và Cu-ba đã cùng gắn bó với nhau trong những chặng đường gian khó nhất. Giai
đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cũng là thời kỳ giữ
gìn và từng bước củng cố độc lập dân tộc của nhân dân Cu-ba (1959-1975). Trong
hoàn cảnh lịch sử đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn ý thức được rằng, Cách mạng
Việt Nam càng giành được thắng lợi, càng tạo hậu thuẫn cho quá trình cách mạng
thế giới và Cu-ba. Ngược lại, cách mạng Cuba càng vững, Cuba càng có điều kiện
ủng hộ một cách hiệu quả cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Chính vì
vậy, Việt Nam trước sau như một triệt để ủng hộ những cải cách kinh tế-xã hội
sâu sắc, nhất trí với quan điểm của Cuba trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ, nhất trí với Cuba trong những vấn đề quốc tế.
Nhận thức
được vai trò, vị trí của cách mạng Việt Nam và cách mạng Cuba trong cách mạng
giải phóng dân tộc, Cuba đã thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ của mình đối
với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam một cách triệt để
và kịp thời nhất. Tháng 9-1973, Chủ tịch Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài
đầu tiên thăm Việt Nam và vùng giải phóng miền Nam kể từ sau khi ký Hiệp định
Paris về Việt Nam. Câu nói nổi tiếng của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Cuba
Fidel Castro “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” trở thành
mệnh lệnh đối với mỗi người dân Cuba và làm rung động trái tim mỗi người dân
Việt Nam.
Với tinh
thần "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" đã được
thể hiện cụ thể trong từng cử chỉ, việc làm của Chủ tịch Fidel Castro. Đúng
ngày 19-5-1974, kỷ niệm 84 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hơn
100 chuyên gia, kỹ sư, công nhân Cuba trong đội quân xây dựng quốc tế Nguyễn
Viết Xuân cùng với công nhân Việt Nam đã khởi công xây dựng bệnh viện. Trong
quá trình thực hiện công trình, toàn bộ thiết bị, vật tư máy móc, lương thực
thực phẩm… đều được vận chuyển từ Cuba sang Đồng Hới và là những thứ tốt nhất,
chất lượng, hiện đại nhất. Các kỹ sư, cán bộ và công nhân Cuba đều là những
người tài giỏi, có năng lực sang trực tiếp hướng dẫn và tham gia thực hiện công
trình.
Ông Đặng
Đức Dục nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình nhớ lại: “Hồi ấy, chiến tranh
vẫn ác liệt, lương thực gạo cơm thiếu thốn, chế độ ăn uống của anh em cán bộ,
công nhân còn kham khổ, nhiều bữa cơm phải độn khoai, sắn mới ấm bụng. Các bạn
Cuba chân tình, sẵn sàng san sẻ phần ăn của mình, chia đôi mỗi hộp sữa, từng
mẩu bánh mì cho cán bộ, công nhân của ta. Họ rất thương quý và dành tặng quà,
bánh kẹo cho các cháu nhỏ tại các trường mầm non gần công trường. Tình cảm ấy
thương và quý lắm!” Trải qua 7 năm miệt mài lao động với bao công sức, trí tuệ,
mồ hôi, công trình đã được khánh thành vào ngày 9-9-1981. Bệnh viện Hữu nghị
Việt Nam - Cuba Đồng Hới khi đưa vào sử dụng có quy mô 462 giường bệnh và trang
thiết bị đồng bộ, hiện đại bậc nhất thời bấy giờ; có 19 khoa lâm sàng, cận lâm
sàng; 7 phòng chức năng với đủ số lượng cán bộ để tiếp quản bệnh viện. Sự kiện này đã mở ra một chặng đường mới trong sự
nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của cán bộ, viên chức ngành Y tế Quảng Bình.
Đây còn là biểu tượng tuyệt đẹp của tình hữu nghị anh em, tình đoàn kết giữa
nhân dân hai nước.
Tình cảm anh em, tình hữu nghị đặc biệt
Trải qua
hơn nửa thế kỷ tình cảm anh em, tình bạn bè, tình đồng chí đã gắn kết hai đất
nước ở hai bán cầu xích lại gần nhau. Đồng hành cùng nhau trong những năm tháng
khó khăn nhất, chia sẻ cùng nhau từ những vật dụng nhỏ nhất đã khiến cho tình
cảm ấy càng trở nên keo sơn, gắn bó như anh em một nhà. “Mối quan hệ đặc biệt,
không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế”. Trải qua bao thăng trầm,
thời gian trôi đi thế sự thêm nhiều biến thiên, nhưng với đạo lý “uống nước nhớ
nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm sâu
đậm và những sự giúp đỡ vô giá mà nhân dân Cuba đã dành cho mình.
Đảng, Nhà
nước và nhân dân Việt Nam từ lâu đã coi việc đoàn kết, ủng hộ và hợp tác với
Cuba là một nguyên tắc, một mệnh lệnh của trái tim. Khi Liên Xô và các nước
XHCN Ðông Âu sụp đổ, Mỹ siết chặt cấm vận, lại bị thiên tai tàn phá liên tiếp,
Cuba đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn của thời kỳ đặc biệt, thời kỳ khó
khăn nhất kể từ khi cách mạng thành công, Việt Nam đã dành cho đất nước anh em
sự ủng hộ hết lòng: tổ chức các đợt quyên góp gạo, quần áo, đồ dùng học tập cho
học sinh, máy tính, một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết khác, gửi sang giúp
Cuba. Tới thời điểm này, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu
vực châu Á và châu Đại Dương của Cuba, là nhà cung cấp gạo chính cho Cuba.
Giờ đây, khi hai nước nói riêng và thế giới nói chung bước vào giai đoạn
phát triển mới, Đảng và Nhà nước hai nước Việt Nam - Cuba đều nhận thức rõ mối
quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần phải
được nâng lên tầm cao mới. Nói về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba, có ai
đó đã viết rằng: mối quan hệ gắn bó, thủy chung giữa Việt Nam và Cuba là thứ
tình cảm hết sức “vi diệu” đã nảy sinh giữa hai dân tộc mà lý thuyết nào về
quan hệ quốc tế cũng không giải thích nổi. Và mối quan hệ ân tình đặc biệt ấy, sẽ
còn mãi không phai, bất chấp thời gian và không gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét