Đưc Đao
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội
nhập quốc tế hiện nay, một quốc gia muốn ổn định, phát triển nhanh và bền vững
thì nhất định văn hóa cần phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt
là phải thấm vào từng con người đang nắm giữ vai trò quản lý, điều hành, sáng tạo
trong các lĩnh vực, nhất là chính trị với tư cách là văn hóa chính trị. Và do
đó, tạo dựng nền chính trị dựa trên nền tảng văn hóa thực sự là nhân tố quan trọng
hàng đầu làm nên sức mạnh của một đảng cầm quyền.
1- Văn hóa là sự tổng hợp của
tất cả các phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản
sinh ra nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của đời sống con người và xã hội
loài người. Văn hóa cũng chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của
con người biểu hiện trong các hình thức, cách thức tổ chức đời sống và cách
hành động của con người, trong các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con
người sáng tạo ra, được lưu giữ lại và tích lũy lại, được làm phong phú thêm
trong quá trình con người tiến hành cải biến và tương tác với thiên nhiên, đặc
biệt là trong quan hệ giữa người với người. Trong số các giá trị mà loài người
đã sáng tạo ra và tích lũy được ấy có văn hóa chính trị.
Nội hàm của văn hóa chính trị có
thể được hiểu rộng hẹp khác nhau nhưng tựu trung không thể thiếu những yếu tố
tiêu biểu là tri thức chính trị, ý thức chính trị, niềm tin chính trị,
tình cảm chính trị, năng lực hành động chính trị và kinh nghiệm chính trị.
Các yếu tố này gắn bó chặt chẽ với nhau; bổ sung cho nhau để hiện thực hóa mục
đích chính trị. Nếu có tri thức mà không có ý thức, không có niềm tin, không có
tình cảm thì chẳng thể có động lực nào để một cá nhân hoặc một đảng phái chính
trị hành động một cách quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết và hiệu quả nhằm đạt được
mục đích chính trị. Và khi đã không có hành động quyết liệt, mạnh mẽ, kiên quyết
để thực thi hay hiện thực hóa niềm tin và tri thức thì cũng chẳng có kinh nghiệm
chính trị nào được rút ra. Tuy nhiên, bên cạnh tri thức văn hóa - chính trị thì
tri thức khoa học nói chung về lịch sử xã hội và về giới tự nhiên cũng là những
tri thức không thể thiếu của những người làm chính trị. Chẳng hạn, nếu không am
hiểu tường tận lịch sử dân tộc Việt Nam, không hiểu biết sâu sắc tính cách dân
tộc của mình thì người làm chính trị sẽ khó xác định thái độ đúng đắn với vận mệnh
dân tộc khi đất nước gặp khó khăn và thử thách để vượt qua.
Người làm chính trị dựa trên nền
tảng văn hóa còn rất cần một tầm hiểu biết sâu sắc về đất nước trên các mặt,
như vị trí địa lý có tính chiến lược, truyền thống lịch sử văn hóa lâu
đời, đến cả mặt mạnh và điểm yếu của từng lớp người và các tộc người
trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Về mặt đối ngoại, tất cả những tri thức
này sẽ giúp cán bộ trong hệ thống chính trị luôn luôn giữ vững được bản lĩnh,
trách nhiệm quốc dân, khi hội nhập quốc tế với tâm thế chủ động, tích cực, tự
tôn và tự cường dân tộc trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như tạo khả
năng đề kháng, miễn nhiễm với các hành vi mua chuộc, lôi kéo, tranh thủ cán bộ
gây tổn hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Nói cách khác, vốn tri thức rộng là
chỗ dựa vững chắc cho tri thức chính trị.
Trong điều kiện thế giới toàn cầu
hóa và cạnh tranh khốc liệt về rất nhiều mặt hiện nay thì một dân tộc, một đất
nước muốn tồn tại, hơn nữa muốn phát triển nhanh và bền vững thì nhất định văn
hóa phải thấm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt, văn hóa phải thấm
vào từng con người đang nắm giữ vai trò sáng tạo, quản lý, điều hành trong các
lĩnh vực, như khoa học, văn học và nghệ thuật, nhất là vào lĩnh vực chính trị với
tư cách là văn hóa chính trị. Do vậy mà chính trị cần phải
dựa trên nền tảng văn hóa.
2- Lịch sử chính trị thế giới
thế kỷ XX và hiện trạng vô cùng phức tạp, khó lường hiện nay cho thấy rõ rằng,
nếu không thực hành chính trị một cách thông minh; nếu thiếu sự hướng dẫn và sự
soi đường, mở lối của văn hóa chính trị thì sẽ không có được thành công; không
thể ổn định xã hội vì mục đích phát triển mọi mặt nhanh và bền vững đất nước. Bởi
vậy, cần nhớ lại điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định về vị trí và
vai trò của văn hóa: “Văn hóa... không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế
và chính trị”(1), hoặc như C. Mác nói về sự gắn bó hữu cơ giữa tư
duy của con người, của tầm nhìn triết học với văn hóa, rằng triết học phải “trở
thành linh hồn sống của văn hóa...”(2). Chính vì thế mà nền tảng
văn hóa của các cán bộ chính trị, của mọi công chức, viên chức ở tất cả các cấp
quản lý nhà nước thuộc mọi lĩnh vực xã hội là điều kiện không thể thiếu để họ
có thể đảm đương những trọng trách được giao.
Đã từ rất lâu, khi nói đến chính
trị trước hết là nói đến quan hệ giữa các giai cấp, giữa các giai tầng và các tộc
người trong một quốc gia. Điều đó là hoàn toàn đúng. Song, khi nói đến chính trị
thì không thể không nói đến việc giành chính quyền, giữ chính quyền, nhất là củng
cố và xây dựng chính quyền; làm cho chính quyền ngày một vững mạnh hơn, để
chính quyền thật sự là của nhân dân trong quá trình lãnh đạo xây dựng và quản
trị đất nước. Bởi vì, chính trị không bao giờ tách rời việc sử dụng quyền lực
nhà nước, cũng không thể xem nhẹ việc huy động sức mạnh và sự đồng thuận, sự đồng
lòng tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội vào mọi công việc
chung của đất nước. Một nền chính trị lành mạnh và tiến bộ phải là một nền
chính trị ổn định, vì nhân dân, vì nước, vì sự phát triển không ngừng
và sự trường tồn của dân tộc, của đất nước. Trái lại, một nền chính trị
thoái hóa, một chính phủ bị dân oán thán, bị nhân dân quay lưng hoặc nặng nề
hơn là chống đối thì chắc chắn sớm hay muộn chế độ chính trị ấy cũng sẽ bị tiêu
vong.
Những trụ cột rất quan trọng của
nền chính trị hiện đại là quyền lãnh đạo, quyền cầm quyền của đảng
chính trị và hiệu lực quản lý của nhà nước. Các quyền này
sẽ được thực thi một cách hiệu quả khi và chỉ khi có văn hóa chính trị dẫn đường.
Sự hiện diện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay chính
là để thực hiện đường lối của đảng chính trị lãnh đạo và cầm quyền là Đảng Cộng
sản Việt Nam. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, mọi quyền lực
đều thuộc về nhân dân; nhân dân phải thực sự là chủ và thực sự làm chủ; do vậy,
văn hóa và trình độ văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn
hóa lãnh đạo và văn hóa quản trị, văn hóa tổ chức, văn hóa công sở, văn hóa ứng
xử, văn hóa giao tiếp,... của chính quyền các cấp với người dân đều giữ vai trò
rất quan trọng.
Cần nhận thức rõ rằng, những người
được trao trọng trách trong hệ thống chính quyền các cấp không bỗng dưng hay tự
nhiên mà có được tất cả các mặt trên đây của văn hóa. Về điều này Chủ tịch Hồ
Chí Minh từng viết: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có
mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có”(3), vì vậy, “vô luận
ở quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, tổ chức, tuyên truyền, công an,... cán
bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”(4), nghĩa
là họ phải được đào tạo, rèn luyện và được thử thách thật sự trong thực tiễn
trước khi được giao một công việc hoặc một chức trách cụ thể nào đó. Đồng thời,
họ phải được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng chuyên môn trước
khi Đảng và Nhà nước các cấp có trách nhiệm và đủ thẩm quyền bổ nhiệm
họ. Khi mà mọi công chức trong bộ máy chính quyền các cấp đều đáp ứng tốt những
đòi hỏi về văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức cũng như các tri thức khoa học cần
thiết khác thì mới thu phục được nhân tâm, thì sự quản lý của nhà nước và sự cầm
quyền của đảng chính trị mới bền vững, xã hội và đất nước mới ổn định để phát
triển.
Khi mà mọi công chức và quan chức
nhà nước các cấp thấm nhuần được tư tưởng của người xưa rằng, “công bình chính
trực giá trị gấp bội vàng bạc”(5); rằng “công lý vốn là thứ ngàn lần
quý hơn tất cả vàng bạc trên thế gian này”, đặc biệt hiểu được rằng “không có lợi
ích hay phần thưởng nào đạt được nhờ sự bất công”(6) hoặc nhờ
tham nhũng thì sức mạnh của chính quyền sẽ là sự bảo đảm tuyệt đối cho sự phát
triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Về điều này, vào đầu những năm
60 thế kỷ XIX, nhà triết học và kinh tế học người Anh là S. Min (S. Mill) (1806
- 1873) đã từng đúc kết một câu nổi tiếng rằng: “quy luật chung là bất cứ ai
có quyền lực mạnh nhất đều bị cám dỗ trong việc lạm dụng quyền lực ngày càng
nhiều hơn”(7). Câu đúc kết này không những chỉ nói lên sự gắn bó
chặt chẽ giữa văn hóa đạo đức và văn hóa chính trị mà còn được coi là lời cảnh
báo về các nguy cơ và hậu quả xấu có thể gặp phải đối với tất cả những ai đang
và sẽ nắm quyền lực ở các cấp độ khác nhau. Điều cảnh báo ấy có cơ sở thực tiễn
từ lịch sử xã hội là xưa nay những quan chức nhà nước các cấp khi nắm quyền lực
trong tay nếu đạo đức kém thì dễ dẫn đến lạm dụng quyền lực, đồng
thời từ đó sẽ sinh ra những thói hư, tật xấu, như lộng quyền, cửa quyền
và cậy quyền nhằm thu lợi bất chính cho bản thân, cho gia đình, cho những
người cùng chí hướng. Những quan chức kém văn hóa này thường vô tư mà ngộ nhận
rằng, quyền lực trong tay họ là đương nhiên, là vô hạn nên cách hành xử ra sao
là tùy thuộc vào ý muốn của bản thân họ. Bởi vậy, sự lộng quyền, cửa quyền và cậy
quyền dẫn họ đến suy nghĩ và hành động một cách tùy tiện bất chấp hậu quả.
Trong lịch sử xã hội loài người,
văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của một
chế độ xã hội nhưng cũng có thể kìm hãm, thậm chí có thể dẫn đến xóa bỏ cả
một chế độ xã hội, một đất nước.
3- Từ những bài học kinh
nghiệm của lịch sử có thể rút ra nhận định, trong thời đại hiện nay, văn
hóa chính trị sẽ là động lực thúc đẩy việc xây dựng một xã hội ổn định, dân chủ,
tự do, công bằng, nhân văn và phát triển bền vững.
Khi văn hóa chính trị suy đốn,
khi mà những quan chức và công chức trong các cơ quan công quyền nhận hối lộ,
tham nhũng, vơ vét, sa đọa, thoái hóa, cung cách lãnh đạo và quản lý mất dân chủ,...
thì không những không bao giờ có được sự ủng hộ của nhân dân, không tạo được sự
đồng lòng, sự đoàn kết nhất trí của toàn thể dân tộc mà trái lại, còn làm mất
niềm tin của nhân dân, thì đến khi đó “lật thuyền” sẽ là dân, chế độ chính trị
sẽ không còn bất kỳ lý do nào để tồn tại chứ chưa nói đến quốc gia phát triển bền
vững.
Trong lịch sử hiện đại, bài học
về sự sụp đổ dây chuyền quá nhanh của Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ
nghĩa Đông Âu rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Những nguyên nhân bên trong, những
sai lầm về đường lối, sự mất dân chủ nghiêm trọng trong xã hội, sự suy thoái về
các mặt chính trị, tư tưởng, về đạo đức và lối sống trong nội bộ Đảng Cộng sản,
trước hết là trong giới lãnh đạo các cấp, là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
sự sụp đổ đó. Đây là bài học cực kỳ đắt giá cho bất cứ một đảng chính trị cầm
quyền nào. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo cách đây hơn 70 năm:
“Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ
trong phá ra”(8).
Bởi vậy, trong hệ thống chính trị
của chúng ta hiện nay, những người được thu hút vào các cơ quan Đảng và chính
quyền các cấp chính là và phải là những cán bộ
ngang tầm yêu cầu về nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Nghị quyết số
26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về tập
trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” đánh giá cán bộ các cấp,
nhất là cấp chiến lược, phải là những người phải “có bản lĩnh chính trị,
kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy mới, có khả năng hoạch định đường lối,
chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện”. Mỗi người trong số họ
trước hết cần “phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(9).
Đó chính là những phẩm chất mà những người cán bộ trong hệ thống chính trị của
nước ta trong giai đoạn hiện nay và nhất là trong thời đại chuyển đổi công nghệ
số và trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ phải có.
Tiếc rằng, như Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001) nhận định: “Tình trạng tham nhũng,
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của
hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự
sống còn của chế độ ta”(10). Năm năm sau Đại hội IX, Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ X (năm 2006) tiếp tục nhận định: “Tình trạng suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng
chưa được ngăn chặn có hiệu quả”(11). Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI (năm 2011) tiếp tục chỉ ra rằng, “tình trạng suy thoái về chính trị, tư
tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan
liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”(12).
Hội nghị Trung ương 4 khóa XI
đánh giá cụ thể và chi tiết hơn: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên,
trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ
cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện
khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực
dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng
phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(13).
Năm năm sau, Đại hội lần thứ XII
(năm 2016) một lần nữa công khai đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ
quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”(14).
Từ những nhận định trên đây của
các kỳ đại hội Đảng và hội nghị Trung ương có thể thấy sự suy thoái các mặt
trong nội bộ Đảng từ chỗ rất nghiêm trọng, còn nghiêm
trọng, đến chỗ chưa bị đẩy lùi, nghĩa là vẫn chưa được khắc
phục, chưa tìm được đúng thuốc chữa.
Cần thẳng thắn mà thừa nhận rằng,
bên cạnh tình trạng tham nhũng thì tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ luân
chuyển cán bộ ở nước ta hiện nay cũng đang rất phức tạp và đã kéo dài trong nhiều
năm chính là sự bắt đầu của quá trình suy thoái, của sự “phá hoại từ bên trong”
mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ lâu. Trước tình hình này, ngày
23-9-2019, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số
205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống
chạy chức, chạy quyền” là một bước quan trọng để khôi phục lại văn hóa
chính trị không chỉ đối với các cán bộ là đảng viên của Đảng mà còn đối với tất
cả các công chức, viên chức trong bộ máy công quyền của đất nước.
Thực tiễn cho thấy, người nắm
quyền càng to và lại nắm khâu quan trọng mà đạo đức kém thì tham nhũng càng dễ,
càng lớn. Một con đường không chất lượng, thậm chí hư hỏng ngay sau khi vừa được
nghiệm thu; một con tàu cũ nát được tân trang; một khu đất vàng được sang nhượng
với giá cực kỳ rẻ mạt để xây chung cư rồi bán với giá “cắt cổ”... là những hậu
quả mà đất nước và người dân hoàn toàn có thể phải nhận khi sử dụng đội ngũ cán
bộ yếu về năng lực và kém về ý thức đạo đức. Đã có lúc, nhiều nhà đầu tư cả
trong và ngoài nước chán nản, ngán ngẩm, đôi khi ngậm ngùi rút lui, cũng vì tệ
nạn vòi vĩnh, “ra giá” không cần úp mở. Không phải ngẫu nhiên mà Hội
nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam những năm gần đây đề nghị
phải có những biện pháp ngăn chặn nạn tham nhũng để cho những đồng tiền do họ
tài trợ được sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích.
Ai cũng biết sức mạnh kinh tế một
khi liên kết với quyền lực để hình thành lợi ích nhóm có thể dẫn
đến tham nhũng trong chính trị, trong việc chi phối các
chính sách. Đây mới là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn
vong của chế độ, của đất nước. Nói quốc nạn tham nhũng là nội
xâm thì quá đúng. Nội xâm khó đề phòng và khó chống lại hơn là ngoại
xâm vì nó làm mọt ruỗng “cơ thể xã hội” từ bên trong một cách từ từ, êm thấm,
thường khó nhận biết mức độ nguy hiểm hơn do nó khéo ngụy trang, khéo che giấu
và che chắn hơn, thậm chí nó còn có thể nguy hiểm hơn nếu được một thế lực vô
hình nào đó chống lưng, kể cả khi nó thật sự nguy cấp.
Ban đầu quốc nạn tham
nhũng hay là nội xâm sẽ làm cho dân chúng nghi ngờ
vào tính nghiêm minh của pháp luật, vào sự trong sạch của cán bộ chính quyền, của
các cơ quan công quyền. Còn khi tham nhũng đã được phát hiện mà không bị trừng
trị đích đáng thì sẽ khuyến khích sự táo bạo của những kẻ đang có ý định tham
nhũng chứ không phải mang tính răn đe. Nguy hại hơn, nếu tham nhũng tiếp tục
lan tràn trong khi các cơ quan thi hành pháp luật tỏ ra bất lực, nếu mọi cái vẫn
được giấu kín theo kiểu “bảo vệ cán bộ” hay “nếu cách chức đi thì lấy ai mà làm
việc” thì đó là lúc niềm tin vào Chính phủ, vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản sẽ suy giảm vô cùng nặng nề. Một khi niềm tin đã suy giảm, chứ chưa
nói đã mất đi, thì không bao giờ có thể lấy lại được dù chỉ là lấy lại phần nhiều
chứ không phải tất cả. Cần nhìn thẳng vào tình hình đất nước những năm vừa qua
để có một sự đánh giá tỉnh táo về những nguy cơ khó lường do nạn tham nhũng, do
nạn nội xâm gây nên để đánh giá một cách khách quan sự sa sút về văn hóa chính
trị và văn hóa đạo đức.
Là sản phẩm của văn hóa chính trị,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật,
nói rõ sự thật”(15), không che giấu, không dung thứ cho những kẻ
lợi dụng chức vụ và quyền lực được giao để làm hại dân, hại nước dưới các hình
thức khác nhau. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã xử
lý nghiêm khắc nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy chính trị, bất kể là ủy viên Bộ
Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, phó thủ tướng, bộ trưởng hay thứ trưởng...
Bên cạnh đó, những vụ, việc bị
phanh phui thời gian vừa qua trong công tác cán bộ ở Bộ Công Thương, ở Ban Chỉ
đạo Tây Nam Bộ, ở thành phố Đà Nẵng, ở các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh
Phúc, Đồng Nai, gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh,... đã lộ ra lỗ hổng quá lớn
trong nhiều năm nhưng không được xử lý kịp thời để ngăn chặn tình trạng tham
nhũng quyền lực trong hệ thống chính trị. Tham nhũng quyền lực, tha hóa quyền lực
ở các tập đoàn kinh tế lớn, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Hóa chất, Tổng
Công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
(Vinalines) và ở các tập đoàn kinh tế khác thuộc Bộ Công Thương, ở các ngân
hàng lớn... đã làm cho đất nước mất đi hàng trăm nghìn tỷ đồng. Sự mất mát về vật
chất quá lớn nhưng sự mất mát về cán bộ và nhất là sự giảm sút niềm tin của dân
đối với Đảng và Nhà nước mới thật ghê gớm, mới thật đáng ngại, bởi vì nó liên
quan đến sự tồn vong của chế độ. Tất cả những kẻ tham nhũng và tha hóa ấy sa
vào vòng lao lý chắc không phải là kém tri thức chính trị, song rõ ràng là họ
đã sai lầm về mục đích chính trị, không có lương tâm, không vì dân, vì nước.
Có thể nói, từ xưa đến nay, văn
hóa chính trị cùng với văn hóa đạo đức và nền tảng văn hóa cho chính trị nói
chung, xét trong tổng thể, bao giờ cũng tạo nên sức mạnh, sự chính danh
của một đảng chính trị đang lãnh đạo và cầm quyền, của một chế
độ do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm sự vững bền cho chế độ đó. Bởi vậy, việc
trang bị, giáo dục văn hóa chính trị cho mọi cán bộ, công chức, viên chức trong
hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách của chúng ta để có
được một xã hội đề cao các giá trị dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn;
xây dựng quốc gia hùng cường, văn minh, phát triển; nhân dân có cuộc sống ấm
no, tự do, hạnh phúc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét