Le Tuan
ĐTLL là bộ phận trọng yếu trong đấu tranh trên lĩnh vực chính trị - tư
tưởng nhằm bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của
Đảng, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa văn hóa của
nhân loại, phê phán các quan điểm lý luận sai trái, góp phần rất quan trọng
nâng cao tầm trí tuệ của Đảng và của dân tộc, củng cố và tăng cường sự đoàn kết
thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Để nâng cao chất lượng và
hiệu quả ĐTLL, điều có ý nghĩa quyết định là xây dựng được lực lượng hùng hậu,
có cơ cấu hợp lý và chất lượng cao, tổ chức phối hợp chặt chẽ, thống nhất và
đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ĐTLL trong thời kỳ mới. Trong đó cần tập
trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản và đang đặt ra cấp thiết sau đây:
1. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng
nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân
trong đấu tranh lý luận
Trong chiến lược
“diễn biến hòa bình” nhằm chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam, các thế
lực thù địch ra sức lợi dụng quá trình nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu
rộng để tăng cường truyền bá các quan điểm, tư tưởng, lý luận, các quan niệm
giá trị của Mỹ và phương Tây TBCN. “Mũi đột phá” đó không chỉ diễn ra trên diện
rộng mà ngày càng tập trung vào chiều sâu, công kích thẳng vào những vấn đề tư
tưởng mang tính lý luận - những vấn đề cốt lõi làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ
nam cho hành động của Đảng ta và chế độ XHCN, lôi kéo con người và xã hội Việt
Nam xa rời định hướng XHCN và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Ở trong nước, đã
và đang xuất hiện lực lượng chống đối quyết liệt cơ sở lý luận, nền tảng tư
tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng, trong đó có một số người từng là cán
bộ, đảng viên có công lao với đất nước. Không thể chủ quan khi ngay trong Đảng
tồn tại các ý kiến khác nhau về một số vấn đề có ý nghĩa chiến lược liên quan
đến định hướng phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến sự thống nhất trong Đảng
và sự đồng thuận trong xã hội.
Trong điều kiện
mạng thông tin toàn cầu phát triển mạnh mẽ, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân
có thể cập nhật nhanh các luồng thông tin đa chiều, có những thông tin nhạy cảm
về tư tưởng, lý luận, có thông tin “rác” và mang nội dung xấu độc, rất khó kiểm
soát và ngăn chặn. Lợi dụng ưu thế về hệ thống truyền thông và phương tiện
thông tin hiện đại, các thế lực thù địch đẩy mạnh “chiến tranh thông tin trên
mạng”, tác động rất trực tiếp đến nhận thức, tình cảm, tư duy lý luận của cán
bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Từ thực tế đó,
trong ĐTLL trước hết cần tích cực bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và
năng lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy dân chủ và mọi tiềm năng
sáng tạo trong Đảng và trong xã hội, tạo nên phong trào ĐTLL sâu rộng.
Cần tăng cường
công tác chính trị - tư tưởng, trọng tâm là bồi dưỡng và phát huy chủ nghĩa yêu
nước Việt Nam, lòng tự tôn dân tộc và giác ngộ XHCN của cán bộ, đảng viên và nhân
dân. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu,
tuyên truyền và giáo dục lý luận, làm rõ bản chất khoa học và cách mạng, tính
nhân văn và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong nền tảng tư tưởng, quan điểm đường
lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm cho thế giới quan và phương pháp luận khoa
học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của
Đảng và những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc giữ vai trò chủ đạo trong đời
sống tinh thần của con người và xã hội. Tăng cường giáo dục về lịch sử và
truyền thống, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân am hiểu những quy luật phát
triển và những giá trị tiêu biểu trong lịch sử văn minh nhân loại, truyền thống
dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa Việt
Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo và tuyên truyền, giáo dục về tình hình và nhiệm
vụ, nhất là tư duy mới về đối tượng và đối tác, về hợp tác và đấu tranh theo Nghị
quyết Trung ương tám khóa IX của Đảng; làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
nhận thức sâu sắc về chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch;
về tính chất gay go, quyết liệt và phức tạp của cuộc ĐTLL; về đấu tranh phòng,
chống nguy cơ “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’ trong nội
bộ trở thành nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên và cấp bách hàng đầu trong bảo vệ
Tổ quốc.
Hoạt động nghiên
cứu, tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL cần tích cực góp phần bổ sung, phát triển
và bảo vệ nền tảng tư tưởng, quan điểm đường lối của Đảng; kiên quyết đấu tranh
làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế
lực thù địch, phê phán những quan điểm tư tưởng, lý luận sai trái của những
phần tử cơ hội, thực dụng về chính trị; uốn nắn những lệch lạc về nhận thức và
dao động về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời
phát hiện và ngăn chặn những thông tin sai lệch, những tài liệu và dư luận có
nội dung xấu độc, không để xâm nhập và lây lan trong hệ thống chính trị và xã
hội.
Hiệu quả của công
tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL góp phần rất quan trọng tạo nên
bản lĩnh và trí tuệ của con người và xã hội Việt Nam đương đại, bồi dưỡng tư
duy lý luận khoa học, xây dựng trạng thái chính trị - tư tưởng và nền tảng tinh
thần lành mạnh của xã hội, tăng cường sức đề kháng của con người và xã hội để
làm thất bại mọi hoạt động chống phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù
địch, tạo nên hình thái “thế trận lòng dân” vững chắc trong ĐTLL.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của các
cấp ủy đảng đối với đấu tranh lý luận
Đây là nhân tố chủ
yếu quyết định chất lượng và hiệu quả ĐTLL. Cần làm cho các tổ chức đảng và mọi
cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc công
tác tư tưởng, lý luận là hoạt động lãnh đạo quan trọng hàng đầu của Đảng,
có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho Đảng có nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính
trị và chiến lược phát triển được xây dựng trên cơ sở khoa học, có quan điểm
đường lối và chính sách đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội và
hợp lòng dân, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị,
tăng cường lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân; đồng thời bồi đắp nền tảng chính
trị - tinh thần của xã hội, định hướng và quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong nâng cao
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, cần tập trung nâng cao
năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao
tính chiến đấu và sức thuyết phục trong ĐTLL. Tích cực đổi mới, nâng cao chất
lượng và hiệu quả nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL, gắn với truyền
thụ kinh nghiệm thực tiễn, đẩy mạnh phong trào tự học tập, nghiên cứu lý luận
của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ trung ương đến cơ sở nhằm
nâng cao bản lĩnh và trí tuệ, năng lực tư duy lý luận đáp ứng yêu cầu ĐTLL
trong thời kỳ mới.
Sự lãnh đạo của
cấp ủy đảng đối với ĐTLL thể hiện trước hết ở việc nắm bắt tình hình, phân tích
- tổng hợp xử lý thông tin và chủ động định hướng đấu tranh. Điều này đòi hỏi
các cấp ủy phải tăng cường chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu dự
báo, thực hiện nghiêm túc các chế độ thông tin, chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra
giám sát, chế độ bám nắm cơ sở, chế độ sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt tự phê
bình và phê bình…trong Đảng và trong cơ quan, đơn vị. Bí thư và ban thường vụ
cấp ủy phải định kỳ hoặc đột xuất trực tiếp nghe cơ quan chức năng, cấp ủy cấp
dưới báo cáo tình hình liên quan đến công tác tư tưởng, lý luận, trao đổi thống
nhất nhận định đánh giá tình hình, định hướng và chỉ đạo xử trí các tình huống
trong ĐTLL.
Để chủ động tiến
công toàn diện, thống nhất và đồng bộ làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống
phá về tư tưởng, lý luận của các thế lực thù địch, các cấp ủy cần xây dựng và
tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo và chương trình hành
động thực hiện nghị quyết; trong đó xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, phương thức, chủ trương và giải pháp ĐTLL. Trong các nghị
quyết lãnh đạo thường kỳ cũng cần đánh giá nghiêm túc kết quả ĐTLL và bổ sung,
điều chỉnh các chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Cần
xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm chỉ đạo và trực
tiếp làm công tác tư tưởng, lý luận nói chung và ĐTLL nói riêng của cấp ủy,
người đứng đầu và mọi cán bộ, đảng viên; bổ sung hoàn thiện và thực hiện có
hiệu quả các chế độ công tác tư tưởng, lý luận, quy chế phối hợp trong ĐTLL.
ĐTLL phụ thuộc rất
lớn vào nhận thức, trách nhiệm và năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
các cấp. Chỉ khi nào người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền quan tâm sâu
sắc, dành nhiều tâm huyết và trí tuệ đối với công tác tư tưởng, lý luận, vừa
tăng cường chỉ đạo, vừa trực tiếp làm công tác tư tưởng, lý luận thì ĐTLL mới
thực sự có hiệu quả. Cần nghiêm khắc
phê phán các cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền có thái độ sao
lãng, yếu kém trách nhiệm đối với ĐTLL.
3. Tích cực xây dựng và tổ chức sử dụng có hiệu quả
các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận, phát
huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh lý luận
ĐTLL tác động rất sâu sắc đến sự vận động, phát triển của con người và
xã hội. Đây là vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm, mang tính khoa học và nghệ
thuật cao, phải tuân theo những quy luật đặc thù của lĩnh vực tư tưởng, lý luận
và phù hợp với thực tiễn. Do đó, cần coi trọng xây dựng và tổ chức sử dụng có hiệu
quả, phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách
làm công tác tư tưởng, lý luận, bảo đảm chiều sâu và độ vững chắc trong ĐTLL.
Các cơ quan và đội
ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận được tổ chức mang tính
hệ thống, đồng bộ, gắn liền với cơ cấu tổ chức của Đảng, Nhà nước, đoàn thể
chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở và các hình thái của công tác tư
tưởng, lý luận, bao gồm: các cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, giáo
dục lý luận (tập trung ở các nhà trường, viện nghiên cứu, trung tâm thông tin khoa
học, cơ quan tuyên giáo…); các cơ quan thông tin đại chúng (báo chí, xuất bản…)
và đội ngũ phóng viên, biên tập viên; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên;
các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, bảo vệ an ninh tư tưởng -
văn hóa; các đơn vị văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ; các thiết chế
văn hóa (bảo tàng, phòng truyền thống, thư viện, nhà hát, rạp chiếu phim…).
Các hình thái của
công tác tư tưởng, lý luận vừa có tính đặc thù, vừa thống nhất biện chứng trong một chỉnh thể. Do
đó, trong xây dựng và tổ chức sử dụng các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên
trách làm công tác tư tưởng, lý luận cần thấu hiểu và bám sát những nét đặc thù
về chức năng, nhiệm vụ, cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của từng cơ
quan, từng đội ngũ và sở trường của từng người để động viên được mọi tiềm năng
sáng tạo, đồng thời tổ chức hiệp đồng chặt chẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp
của các binh chủng hợp thành công tác tư tưởng, lý luận.
Cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các cơ quan
và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận để xây dựng lực lượng này có số lượng và cơ cấu hợp
lý, đồng bộ, chất lượng ngày càng cao đáp ứng những yêu cầu mới của công tác tư
tưởng, lý luận nói chung và ĐTLL nói riêng. Trong
đó vấn đề quan trọng nhất, đang đặt ra cấp thiết nhất là đầu tư phát triển các
cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giáo dục lý luận. Đây là lực lượng
chủ chốt trong nghiên cứu lý luận và truyền bá hệ tư tưởng, quan điểm đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời là lực lượng chủ chốt trong
ĐTLL, nhất là những vấn đề tư tưởng mang tính lý luận.
Hiện nay và những năm tới, chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt
trầm trọng về đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giáo dục lý luận, nhất là những
chuyên gia giỏi có trình độ cao, thực sự có bản lĩnh chính trị vững vàng và
năng lực trí tuệ sâu rộng, có tư duy lý luận khoa học và trải nghiệm thực tiễn
phong phú; đáng chú ý là những yêu cầu mới ngày càng cao về xây dựng tiềm lực
của đội ngũ này cho sự phát triển trong tương lai. Để có những cán bộ chuyên
trách làm công tác tư tưởng, lý luận có chất lượng cao, công tác tuyển chọn,
quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phải rất công phu, không thể gấp gáp
bằng những giải pháp tình thế. Trong đó cần
thực hiện tốt những chủ trương, giải pháp và bước đi tích cực, mang tính đột
phá, tập trung vào các khâu trọng điểm sau đây:
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp
của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp ủy để chủ động định
hướng phát triển, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan và
đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận.
- Kiện toàn tổ
chức biên chế hợp lý và đồng bộ; điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ chế lãnh
đạo, quản lý điều hành và quy chế hoạt động nhằm phát huy cao sức sáng tạo của
các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận; tạo
nên sự phối hợp hoạt động chặt chẽ.
- Thực hiện nghiêm
túc quy trình tuyển chọn cán bộ, tăng cường điều động, bổ sung những cán bộ có
phẩn chất và năng lực tốt từ các nguồn cho các cơ quan và đội ngũ cán bộ chuyên
trách làm công tác tư tưởng, lý luận. Tích cực và khẩn trương đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ này một cách cơ bản, hệ thống và đồng bộ, đồng thời tạo
điều kiện hỗ trợ và động viên cán bộ tích cực tự học tập, nghiên cứu để nâng
cao trình độ.
- Điều chỉnh, bổ
sung, xây dựng mới và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để thu hút
và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận, phát
huy trách nhiệm và tâm huyết, sức sáng tạo và nhiệt tình vươn lên của mỗi
người; không để xảy ra tình trạng sử dụng lãng phí chất xám của đội ngũ cán bộ
này.
- Tăng cường đầu
tư ngân sách, đổi mới công nghệ và trang thiết bị vật chất - kỹ thuật cho công
tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL.
Yêu cầu quan trọng
nhất đối với cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận là có bản lĩnh
chính trị vững vàng, nhận thức sâu sắc, niềm tin vững chắc và luôn kiên định
nền tảng tư tưởng, quan điểm đường lối của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn
liền với CNXH. Có như vậy quá trình nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL
mới có định hướng đúng đắn, giàu chất lý tưởng, mang tính chiến đấu cao. Cán bộ
chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận phải có trí tuệ sâu rộng, có tư duy
lý luận khoa học và trải nghiệm thực tiễn cần thiết, có tâm huyết và đạo đức
trong sáng. Đây là những yếu tố rất quan trọng bảo đảm cho việc nghiên cứu,
tuyên truyền, giáo dục và ĐTLL có chiều sâu và độ vững chắc, có sức cảm hóa và
tính thuyết phục. Ngoài ra, cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận
còn phải nâng cao những kỹ năng nghiệp vụ cần thiết, nhất là khả năng sử dụng
các công nghệ và phương tiện kỹ thuật hiện đại trong quá trình tiến hành công tác
tư tưởng, lý luận.
4. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và đầu tư
phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật cho đấu tranh lý luận
ĐTLL ở nước ta diễn ra trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển
mạnh mẽ, có những đột phá mới, đáng chú ý là sự phát triển của công nghệ thông tin.
Mạng thông tin toàn cầu/Internet ra đời năm 1969 là một trong những phát minh
lớn và rất quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của thế kỷ XX, nhanh
chóng được sử dụng phổ biến khắp thế giới. Năm 1993 Việt Nam bắt đầu nghiên cứu
sử dụng Internet, đến 19/11/1997 chính thức tham gia mạng thông tin toàn
cầu.Với các phương tiện hiện đại chuyển tải khối lượng thông tin lớn (đáng chú
ý là báo điện tử - một loại hình báo chí mới xuất hiện từ sự ra đời của Internet;
những trang Web cá nhân/Weblog…), việc truyền bá và tiếp cận các khuynh hướng
tư tưởng, các trào lưu lý luận diễn ra nhanh chóng, rất phong phú và phức tạp,
có không ít thông tin “rác” và mang nội dung xấu độc, rất khó kiểm soát và ngăn
chặn. (Trên 80% thông tin trên thế giới hiện do các hãng thông tin của các nước
tư bản nắm và chi phối; nước Mỹ hiện đang khống chế 75% thị trường truyền hình,
trên 60% chương trình phát thanh, 80% thị trường điện ảnh toàn cầu và có số
lượng ấn phẩm xuất bản lớn nhất thế giới…). Do đó, để nâng cao chất lượng và
hiệu quả ĐTLL cần tích cực đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư phát triển cơ
sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động ĐTLL, tập trung vào những vấn đề sau đây:
- Trước hết cần trang bị các phương tiện hiện đại, có khả năng tiếp nhận
và cung cấp thông tin tốt nhất cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư
tưởng, lý luận để thực hiện các chế độ xử lý thông tin tối ưu, đáp ứng yêu cẩu
ĐTLL trong điều kiện bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ
thông tin; khắc phục tình trạng “thiếu đói thông tin” của đội ngũ cán bộ này.
- Chủ động quy
hoạch xây dựng và phát triển lĩnh vực truyền thông mạng một cách hợp lý, đồng
bộ trong tương quan với các lĩnh vực truyền thông khác theo phương châm gắn
phát triển với tăng cường quản lý chặt chẽ và bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền trên mạng, chú trọng đáp ứng yêu cầu
của ĐTLL.
- Tăng cường đầu tư phát triển, khai thác và sử dụng tối ưu các tiềm lực
kỹ thuật - công nghệ thông tin ở các học viện, nhà trường, các trung tâm thông
tin khoa học, các viện nghiên cứu, các cơ quan tham mưu cấp chiến dịch - chiến
lược…, nhất là các mạng chủ lực, chính thống trong hệ thống các cơ quan làm
công tác tư tưởng, lý luận, vừa bảo đảm cung cấp thông tin, vừa đối phó có hiệu
quả với nạn “tin tặc”, đồng thời vận hành tốt “hàng rào lửa” khi cần thiết.
- Tích cực đầu tư
phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật của các cơ quan thông tin và truyền thông,
các đơn vị văn hóa nghệ thuật và các thiết chế văn hóa ngang tầm khu vực và quốc
tế.
ĐTLL có ý nghĩa
rất hệ trọng và nhạy cảm, là trách nhiệm của tất cả các tổ chức đảng, chính
quyền, đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở và của mọi cán bộ,
đảng viên và nhân dân. Do đó, cần phối kết hợp chặt chẽ hoạt động của các lực
lượng gắn với các hình thái công tác tư tưởng, lý luận, tạo thành sức mạnh tổng
hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả ĐTLL./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét