Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

PHẢI CHĂNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VI PHẠM QUYỀN CON NGƯỜI


                                                    Mạnh Tường
Các quyền con người - nhân quyền hiện đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của các nhà nước, thiết chế, tổ chức và cộng đồng, được giới học giả đi sâu nghiên cứu và ngày càng có vị trí nổi bật tại các diễn đàn song phương và đa phương. Song, đây cũng là vấn đề phản ánh sự khác biệt trong cách tiếp cận của các nước, nhóm nước khác nhau.
Có một thực tế là, vì bị chà đạp, bị tước các quyền cơ bản, nên đấu tranh đòi nhân quyền (quyền con người) - vốn là một giá trị văn hóa của nhân loại. Ấy vậy mà, chính những kẻ đi tước quyền người khác lại lớn tiếng lên án những người bị tước quyền là vi phạm nhân quyền. Vậy, tại sao vẫn còn tồn tại nghịch lý đó?

Trên bình diện nhân văn, quyền con người được xem là một phạm trù đạo đức mà hạt nhân của nó là sự tôn trọng nhân phẩm và tinh thần nhân đạo, khoan dung đối với con người. Trên bình diện pháp lý, quyền con người là các nhu cầu, lợi ích (về vật chất và tinh thần) của tất cả mọi người - “không phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo... hoặc các điều kiện khác” được quy định trong pháp luật - được pháp luật bảo vệ. Khác với quyền công dân, quyền con người là quyền của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại. Đây chính là cơ sở lý luận và pháp lý mà các thế lực thù địch thường lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam.
Cứ “đến hẹn lại lên”, hằng năm phương Tây và Mỹ đều đưa ra cái gọi là “nghị quyết”, “báo cáo”, “dự luật” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cụ thể: Nghị quyết ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Nghị viện châu Âu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; ngày 21 tháng 4 năm 2013, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2012, trong đó có phần đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; gần đây, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật nhân quyền Việt Nam HR 1897” do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa: Ed Royce, bang California và Chris Smith, bang New Jersey khởi xướng. Dự luật HR 1897 đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn đối với Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.
Mới đây nhất, các cuộc vận động của Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS do Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama áp lực Việt Nam phóng thích tù nhân lương tâm và cải thiện nhân quyền đang được chuẩn bị ráo riết trước chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 25 tháng 7 năm 2013. Trong đó kêu gọi Tổng thống Obama, với quyết tâm cổ vũ dân chủ trên toàn cầu, hãy đứng về phía những nhà hoạt động nhân quyền dũng cảm tại Việt Nam như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, nhạc sĩ Việt Khang, blogger Điếu Cày, nhà hoạt động chống Trung Quốc: Nguyễn Phương Uyên hay Đinh Nguyên Kha, những người bị giam cầm tùy tiện chỉ vì dám bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến; tố cáo nhà nước Việt Nam thời gian gần đây không ngừng leo thang đàn áp những tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước, bắt bớ rất nhiều blogger và những nhà hoạt động chính trị cũng như tăng cường kiểm soát internet, giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do tụ tập của công dân, v.v..
Phải chăng các cáo buộc trên là đúng sự thật? Sự thật là, ngay trong chính giới Hoa Kỳ - hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega - ngày 27 tháng 6 năm 2013 đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2013” hay còn gọi là dự luật H.R. 1897, hạ nghị sỹ này cho rằng: “Thật đáng tiếc là những nội dung trong bản Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 đã không phản ánh chính xác bức tranh Việt Nam” và nhấn mạnh dự luật nhân quyền sai trái này chịu sự tác động mạnh mẽ bởi cộng đồng người Việt ở Mỹ “Là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, tôi chia sẻ với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhưng đưa ra những thông tin không chính xác và chống lại Chính phủ Việt Nam không phải là hành động đúng đắn. Nước Mỹ có một lịch sử đáng tự hào trong việc gác lại quá khứ để nối lại và xây dựng quan hệ. Với trường hợp của Việt Nam, hãy để quá khứ là quá khứ, để quá trình hàn gắn được bắt đầu”. Thông cáo báo chí của hạ nghị sỹ cấp cao thuộc Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương viết: “Các nhà lãnh đạo của Việt Nam cam kết một cách đầy đủ trong việc thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Việt Nam và thúc đẩy nhân quyền. Việt Nam tham gia hầu hết các hiệp định về nhân quyền quốc tế. Việt Nam tham gia đàm phán về nhân quyền với Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy, Thụy Sĩ và Mỹ. Việt Nam đang cải thiện tình hình nhân quyền bằng việc củng cố hệ thống luật pháp, các quyền về văn hóa xã hội, kinh tế. Việt Nam như tôi biết chào đón sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong việc thực thi các chính sách nhân quyền”. Hơn nữa, các dự luật tương tự Dự luật HR 1897 đã nhiều lần bị Thượng viện Mỹ bác bỏ đã chứng minh cho tính sai trái trong các “nghị quyết”, “báo cáo”, “dự luật” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Nội dung và cơ chế bảo vệ quyền con người - kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam”, do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện KAS của Cộng hòa liên bang Đức tổ chức ngày 22 tháng 9 năm 2011, các nhà khoa học khẳng định: Việt Nam có cả cơ chế nhà nước và cơ chế xã hội về nhân quyền. Nhờ có cơ chế này mà Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhân quyền. Trong đó, GS.TS Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, quyền con người và bảo đảm quyền con người phải được nhìn nhận dưới góc độ tiếp cận liên ngành và đa ngành. Hiện có 3 nhóm chủ thể bảo đảm quyền con người được xác lập gồm các thiết chế, thể chế kinh tế thị trường; thiết chế, thể chế nhà nước và thiết chế, thể chế của các tổ chức xã hội dân sự. Việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực phải được đặt trong trạng thái động vì xã hội luôn phát triển nên các chuẩn mực cũng phải luôn được điều chỉnh, bổ sung, v.v..
Như chúng ta đã biết, xác định con người vừa là mục tiêu và động lực của sự nghiệp phát triển đất nước, vừa là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều nhằm phấn đấu phục vụ con người và vì con người. Những thành quả quan trọng mà Việt Nam đạt được qua hơn 30 năm đổi mới về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực quyền con người, là minh chứng rõ rệt cho chính sách bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Ðảng và Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu này đã được cộng đồng quốc tế và các nước ghi nhận.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Ðảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm rằng nhân quyền trước hết phải là quyền của mỗi người, mỗi dân tộc được thực hiện quyền tự quyết, được sống trong độc lập, tự do và được phát triển về mọi mặt; các quyền dân sự, chính trị phải đi đôi với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; quyền và tự do cá nhân phải gắn với lợi ích chung của dân tộc và trách nhiệm đối với cộng đồng. Bảo đảm và thực hiện quyền con người trước hết là trách nhiệm quốc gia, không thể có sự áp đặt từ bên ngoài.
Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ, chúng ta “sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền”. Với tư tưởng chủ đạo đó, ta chủ động tiến hành đối thoại với các nước có quan tâm để làm rõ chủ trương, chính sách và thực tiễn về quyền con người ở Việt Nam, bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết dân tộc và quyền lựa chọn con đường phát triển của mỗi dân tộc, chống việc lợi dụng vấn đề nhân quyền đề can thiệp công việc nội bộ của một nước.
Chúng ta khẳng định chính sách của Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và thúc đẩy các quyền con người, coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam đã chú trọng thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời coi trọng việc phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy công bằng và an sinh xã hội... Những nỗ lực này được sự ủng hộ, tham gia rộng rãi của nhân dân đã đem đến nhiều đổi thay tích cực trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Thực tiễn đã phản bác những điểm sai trái trên từng lĩnh vực mà một số nước đã nêu thông qua việc cung cấp thông tin về tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có việc xây dựng, sửa đổi bổ sung và ban hành các văn bản luật quan trong liên quan đến quyền con người và các cơ chế thực hiện, nêu đậm thành tựu và sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam trên mọi mặt. Ðó là cơ sở để chúng ta bác bỏ nhận định cho rằng thời gian gần đây việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị tại Việt Nam có chiều hướng “đi xuống”, và phê phán nội dung tiêu cực, thiếu khách quan của các dự luật, nghị quyết và báo cáo của chính giới các nước phương Tây về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ðối với những cáo buộc tiêu cực về việc Việt Nam vi phạm quyền con người, thì thực tế sinh động của hoạt động báo chí, tốc độ phát triển của mạng internet, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng của người dân và các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, cũng như sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực của người dân trong các cơ chế giám sát hoạt động của Nhà nước chính là câu trả lời rõ ràng và hiệu quả nhất.
Trong phiên họp cấp cao khóa họp lần thứ 22 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 3013 tại Giơnevơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh chính sách nhất quán bảo đảm quyền con người của Nhà nước Việt Nam xuất phát từ nhận thức coi quyền con người là giá trị chung của nhân loại, có gốc rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, từ nguyện vọng thiết tha của người dân Việt Nam từng bị tước bỏ những quyền và tự do cơ bản nhất khi làm người dân của một nước thuộc địa. Bộ trưởng cũng nêu bật chính sách, luật pháp, thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và các quyền cơ bản của người dân trên mọi lĩnh vực, đồng thời khẳng định chính sách tăng cường đóng góp và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt đối thoại nhân quyền với nhiều nước, tham gia hầu hết các công ước quốc tế về nhân quyền, thực hiện tốt Cơ chế Kiểm điểm định kỳ (UPR)… Bộ trưởng cũng đã tái khẳng định việc Chính phủ Việt Nam quyết định ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ quyền con người.
Việt Nam cũng tiến hành nhiều bước đi tích cực và chủ động trong hợp tác quốc tế và đối thoại: mở cơ chế đối thoại kênh hai giữa các tổ chức quần chúng nhân dân, học giả để tăng cường trao đổi và thông tin về vấn đề nhân quyền, tôn giáo; chủ động soạn thảo và ban hành cẩm nang về nhân quyền, sách trắng về thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người tại Việt Nam; sách trắng về tôn giáo; đăng cai tổ chức một số hội thảo quốc tế và phối hợp với các nước đối thoại tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế như Hội thảo về Công ước chống tra tấn, Hội thảo về án tử hình; Hội thảo quốc tế về nhân quyền do Trung Quốc, Na Uy và Canađa bảo trợ, Hội thảo về vấn đề tư pháp hình sự và buôn bán người... Việt Nam cũng tổ chức các lớp tập huấn về các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia, chủ động đón các đoàn nước ngoài vào Việt Nam để thảo luận về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, tôn giáo, tạo điều kiện cho các đoàn và các cơ quan đại diện của các nước và nhà báo nước ngoài đi thăm các địa phương; cử nhiều đoàn chức sắc tôn giáo, nghị sĩ, các đoàn liên ngành sang các nước để trao đổi, vận động, trực tiếp đối thoại... Việc chúng ta chủ động mời và chuẩn bị đón một số báo cáo viên đặc biệt và chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc về nhân quyền vào thăm Việt Nam cũng là một động thái tích cực được các nước ghi nhận và đánh giá cao.
Cộng đồng quốc tế thêm tin yêu Việt Nam, không chỉ vì Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người (trong đó, Việt Nam là một trong những nước phê chuẩn sớm nhất Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về quyền trẻ em), mà còn được nhắc đến như một tấm gương sáng về xóa đói, giảm nghèo. Đó là lý do tại sao Liên hợp quốc lại lấy Việt Nam làm mô hình để thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, Việt Nam đang ở trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thời kỳ mà chúng ta vừa phải cải tạo xã hội cũ, vừa tiến hành xây dựng xã hội mới. Trong quá trình ấy, chúng ta không tránh khỏi có những vấp váp ở nơi này, nơi khác trong thực hiện quyền con người. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh rõ: Đảng và nhà nước Việt Nam luôn nghiêm túc khắc phục những thiếu sót và có nhiều chủ trương, biện pháp để phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền con người của người dân Việt Nam. Vì vậy, không chỉ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà với thái độ đầy thiện chí của mình, Chính phủ Việt Nam còn sẵn sàng mời những ai quan tâm và chia sẻ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đến Việt Nam.
Với những bước đi chủ động, tích cực và đa dạng nêu trên trong hợp tác quốc tế và đối thoại trên lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan, tác động tốt tới dư luận quốc tế, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; mặt khác, giảm thiểu đến mức tối đa sức ép từ bên ngoài chống Việt Nam và vô hiệu hoá các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch. Chúng ta luôn biết ơn và trân trọng tình cảm của các chính phủ, các cá nhân và tổ chức quốc tế đã và đang dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả thiên tai và nhiều lĩnh vực khác - thực chất là để giúp Việt Nam bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người cho công dân của mình. Song chúng ta cũng quyết không chấp nhận những ai còn mang “cái ô nhân quyền” để chống Việt Nam. Trong xu thế hiện nay, việc làm đó chỉ là khúc điệp tấu lạc điệu./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét