Linh Long
Từ những năm 90
của thế kỷ trước, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu không còn tồn tại trên bản
đồ chính trị thế giới, đó là một tổn thất to lớn, đồng thời là bài học xương
máu, là lời cảnh tỉnh để các nước XHCN còn lại tự điều chỉnh, vạch ra chiến
lược phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Lợi dụng sự thoái trào của CNXH,
xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chủ nghĩa đế quốc ráo
riết đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” chống phá các nước XHCN.
Sự nghiệp đổi
mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành
tựu to lớn, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thế giới. Tuy
nhiên, nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn, đan xen, tác động tổng
hợp và diễn biến phức tạp không thể coi thường: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu
vực và trên thế giới vẫn tồn tại, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham
nhũng, lãng phí vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; những biểu hiện xa rời mục
tiêu, lý tưởng của CNXH chưa được khắc phục… Đó là những điểm yếu mà các thể
lực thù địch đang triệt để lợi dụng để chống phá.
Hiện nay, Đảng đang phải đối mặt với hai nguy cơ: nguy cơ từ bên trong
nội bộ là sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nguy cơ từ bên ngoài là
sự chống phá của các thế lực thù địch. Hai nguy cơ này tuy xuất phát từ hai
hướng khác nhau, nhưng nếu không cảnh giác và chủ động đấu tranh, ngăn chặn kịp
thời thì sẽ dẫn đến một hậu quả chung, đó là làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; làm cho Đảng từng bước suy yếu, mất
lòng tin của nhân dân và cuối cùng là tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình đối
với đất nước và xã hội. Vì vậy, cuộc ĐTLL ở nước ta hiện nay bao hàm vừa đấu
tranh chống lại tác động bên ngoài của các thế lực thù địch, vừa đấu tranh
chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý
tưởng của một bộ phận cán bộ Đảng viên.
1. Sự chống phá của các thế lực từ bên ngoài đối với
các quan điểm, lý luận của Đảng
Mục tiêu cơ bản
và lâu dài của các thế lực thù địch là xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, làm suy yếu và thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa. Các thế
lực thù địch đã và đang tấn công vào Việt Nam từ nhiều phía, trong đó chủ yếu
theo các hướng chính sau:
Một là, ra sức phủ nhận, xuyên tạc lý luận CNXH
khoa học, cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lênin không còn phù hợp với con đường phát
triển của Việt Nam vì học thuyết này đã thất bại ở Đông Âu và Liên Xô; giữ vai
trò độc tôn chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ đưa tới sự trì trệ về trí tuệ; họ cho
rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng và việc truyền bá
chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là
một sự sai lầm.
Hai là, tấn công trực diện, phê phán, bác bỏ
đường lối, chính sách của Đảng, tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng, hạ thấp
uy tín của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân. Họ phủ nhận những thành tựu của
cách mạng, thành tựu của công cuộc đổi mới, bôi đen hiện thực, rồi quy kết đó
là do đường lối sai lầm, do sự lãnh đạo và quản lý yếu kém của Đảng. Họ cho
rằng, sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay là “Đảng trị”, sự lãnh đạo độc quyền của
Đảng là nguồn gốc của sự lạm quyền, tham nhũng. Họ bác bỏ nguyên tắc tập trung
dân chủ trong Đảng, cho rằng, nguyên tắc này chỉ có tác dụng trang trí cho tập
trung quyền lực. Họ bác bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, cho rằng,
kinh tế quốc doanh là nguồn gốc của tham ô, lãng phí, làm triệt tiêu hoặc làm
suy yếu các thành phần kinh tế khác, nhất là kinh tế tư nhân. Hô hào dân chủ tư
sản, đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng
đối lập.
Ba là, phủ nhận con đường XHCN, cho rằng đi
lên CNXH là không tưởng; kinh tế thị trường không tương dung với CNXH; muốn
phát triển đất nước thì phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa,
Bốn là, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân
quyền, đàn áp tôn giáo, kỳ thị, phân biệt, đối xử với các dân tộc thiểu số, đưa
vấn đề này ra diễn đàn quốc tế, trong các cuộc trao đổi đa phương, song phương
Năm là, kích động, chia rẽ nội bộ, dựng chuyện
có phe này, phe kia trong các cơ quan đảng, nhà nước nhằm tạo ra nghi ngờ, gây
mất đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân. Bịa chuyện, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ
thần tượng, vu cáo, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, v.v..
Để đạt được mục
tiêu và làm cho đại bộ phận nhân dân mất lòng tin vào con đường đi lên CNXH, bất bình với sự lãnh đạo của
Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, các thế lực thù địch đã sử dụng các
hình thức chống phá rất đa dạng:
Một là, lợi dụng các phương tiện thông tin đại
chúng như: báo chí, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mạng mạng internet để
tuyên truyền những quan điểm sai trái, thù địch. Đây là những công cụ đặc biệt
lợi hại để làm cho tư tưởng dễ dàng thâm nhập, lan tỏa trong quần chúng nhân
dân.
Hai là,
lợi dụng xu thế hợp tác thông qua quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội… hoặc
lấy danh nghĩa vào Việt Nam dự hội thảo, du lịch… để truyền bá các quan điểm
sai trái, thù địch; reo rắc tư tưởng hoài nghi con đường CNXH vào một số cán
bộ, công nhân viên, trí thức, văn nghệ sĩ ra nước ngoài công tác, học tập, tham
gia hội thảo, tham quan, du lịch.
Ba là, sử dụng đội quân người bản xứ làm công
cụ thực hiện “diễn biến hòa bình”. Đội ngũ này gồm những người: những phần tử
cơ hội chính trị, chống đối ở Việt Nam; một số người trong hàng ngũ lãnh đạo
của Đảng, mặc dù đã thoái hóa, biến chất về chính trị nhưng vẫn giữ được địa vị
do che đậy được bản chất của mình; những “chiến sĩ dân chủ” đủ loại, trong đó
có một số người trước đây là những nhà hoạt động cách mạng có công lao, nay “sám
hối”, “trở cờ” (Mỹ và các nước phương Tây tìm cách “phong thánh” cho các chiến
sĩ dũng cảm đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền).
Bốn là, sử dụng các tổ chức phản động người
Việt lưu vong tại nước ngoài tiến hành các hoạt động bạo loạn hòng gây mất ổn
định tại Việt Nam.
Toàn bộ những
hoạt động nói trên của các thế lực thù địch đều hướng vào mục đích làm cho đại
đa số nhân dân Việt Nam nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn vào
thực tại xã hội chỉ thấy tiêu cực, bất ổn, bế tắc, nhìn vào tương lai thì thấy
mù mịt; cho rằng mọi tồn tại, yếu kém, tiêu cực đều do Đảng và việc định hướng
XHCN là sai lầm; từ đó suy giảm, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản
lý của Nhà nước, reo rắc tâm lý hoài nghi, bất bình âm ỷ trong xã hội.
2. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, phai nhạt lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên
Hiện nay, tình
trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có
quyền, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, phai nhạt lý tưởng. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển
khai Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ
những biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, thể
hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN; dao
động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai
không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không
còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được
giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng... Sự suy
thoái về đạo đức, lối sống gắn liền với tư tưởng thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám
danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan
liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng
lạc… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà
nước.
Quá trình diễn
ra tình trạng suy thoái đó cũng là quá trình diễn ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong
một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho họ ngày càng xa rời mục
tiêu, lý tưởng cách mạng; ngày càng quan liêu, xa dân, làm suy giảm dần lòng
tin của nhân dân đối với Đảng và cuối cùng dẫn đến hậu quả là: Đảng tự đánh mất
vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước và xã hội.
3. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng
và hiệu quả đấu tranh lý luận ở nước ta hiện nay
Trước tình hình
trên đây, một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong công tác lý luận hiện nay là
phải tăng cường tính thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã
hội, ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ
Đảng ta, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng
của Đảng, vào mục tiêu, con đường đi lên CNXH của đất nước trong tình hình mới.
Thứ nhất, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết
thực tiễn đáp ứng yêu cầu cuộc ĐTLL hiện nay.
Việc đẩy mạnh
nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chính là trực tiếp làm sáng tỏ hơn những
vấn đề lý luận cơ bản, tạo sự thống nhất về nhận thức lý luận và tư tưởng xã
hội; đồng thời làm phá sản những luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực
thù địch đối với quan điểm, lý luận của Đảng ta.
Quá trình tổng
kết thực tiễn phải bảo đảm tính khách quan, khoa học và có định hướng chính
trị. Tổng kết thực tiễn việc triển khai thực hiện quan điểm, lý luận của Đảng
để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, phải làm rõ kết quả đấu tranh chống
các quan điểm, luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phải
chỉ rõ những hạn chế, xác định nguyên nhân, rút ra bài học. Trong tổng kết thực
tiễn cần bám sát vào quá trình đổi mới đất nước để phát hiện, tìm tòi, khái
quát những vấn đề có tính quy luật, xây dựng nền tảng tư tưởng, lý luận cho sự
nghiệp đổi mới.
Tổng kết thực
tiễn để phát triển lý luận, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, thúc đẩy
thực tiễn tiến lên. Phải lấy thực tiễn để đối chiếu, kiểm nghiệm, bổ sung và
phát triển lý luận cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận
và sử dụng những kết quả nghiên cứu vào việc cung cấp những luận cứ khoa học
phục vụ cho hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở đó mà nâng cao hiệu quả của cuộc
ĐTLL chống các tư tưởng sai trái, các quan điểm, luận điệu phản động, xuyên tạc
của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp đổi mới của đất nước do Đảng ta
khởi xướng và lãnh đạo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng ĐTLL.
Chất lượng ĐTLL
được phản ánh thông qua: hình thức đấu tranh, lực lượng đấu tranh, phương tiện
đấu tranh để sản phẩm đấu tranh phải có nội dung tốt, cập nhật thông tin, có
lập luận chặt chẽ, vững chắc, sắc bén, thuyết phục, tránh tình trạng cứng nhắc,
một chiều, áp đặt về lý luận.
Hình thức ĐTLL
rất phong phú, đa dạng: hội thảo, tọa đàm khoa học, viết các chuyên luận phản
bác lại những quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thong…
Mỗi hình thức có những ưu, nhược điểm riêng, cần được cần được nghiên cứu vận
dụng, phối hợp chặt chẽ.
Lực lượng đấu
tranh, cần tổ chức thống nhất, rộng khắp, nhiều cấp, nhiều tầng, đặt dưới sự
chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cần coi trọng xây dựng lực
lượng nòng cốt trong đó cần quan tâm đầu tư, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học,
nhà lý luận, cán bộ nghiên cứu khoa học và nhân văn thực sự tâm huyết, có dũng
khí đấu tranh, bản lĩnh chính trị vững vàng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng,
lý luận. Phải coi trọng phát huy vai trò của các viện nghiên cứu, các học viện,
nhà trường, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, các cơ quan văn hóa
trong ĐTLL.
Bên cạnh các
phương tiện thông tin đại chúng được huy động cao nhất vào cuộc ĐTLL, Đảng, Nhà
nước cần coi trọng đầu tư, hiện đại hóa các công cụ, phương tiện thông tin để
ngăn chặn, hạn chế tối đa sự tuyên truyền chống phá của kẻ thù.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận
thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để đẩy mạnh ĐTLL.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta phải tăng cường
tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, lý luận đổi mới của Đảng.
Đó là cơ sở để củng cố lập trường chính trị - giai cấp, niềm tin và sự kiên
định vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vào con đường đi lên CNXH của đất nước,
tạo thế đứng vững chắc cho cuộc ĐTLL. Tăng cường giáo dục, nâng cao cảnh giác cách
mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các
thế lực thù địch đối với quan điểm, lý luận của Đảng. Bồi dưỡng tri thức lý
luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên để có cơ sở đấu tranh làm thất bại mọi
quan điểm, luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự
điều hành, quản lý của cán bộ chủ chốt các cấp và các cơ quan chức năng.
Để nâng cao hiệu
quả của ĐTLL, sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, của cán bộ chủ chốt các cấp và các
cơ quan chức năng đòi hỏi phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công
trách nhiệm rõ rang cho từng tổ chức cá nhân theo chuyên môn, nghiệp vụ ở từng
lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, …
Phải luôn tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chỉ thị của Ban Bí
thư. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục theo chiều sâu, giúp cho
cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần
cảnh giác cách mạng, không mơ hồ, chủ quan, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”.
Các cấp ủy đảng,
cán bộ chủ chốt và các cơ quan chức năng phải luôn coi trọng, phát huy vai trò
chủ thể của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học nhằm tạo nên một lực lượng
mạnh mẽ để vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của những quan
điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đối với
quan điểm, lý luận của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét