Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

CẦN NHẬN THỨC RÕ VỀ DỰ LUẬT ĐẶC KHU KINH TẾ NHẰM CHỐNG LẠI SỰ XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


                                                                     Giang Thái
Thời gian gần đây, một số trang mạng phản động khác đã tán phát trên trang mạng xã hội facebook một số tài liệu xuyên tạc và kêu gọi người dân tiếp tục “phản đối quyết liệt” Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vậy, có chuyện “bán đất” khi Việt Nam thực hiện dự luật này hay không?
Đặc khu kinh tế là gì?
Đặc khu kinh tế, còn gọi là khu kinh tế tự do, khu kinh tế đặc biệt, khu kinh tế mở, khu thương mại tự do, hay thậm chí đơn giản chỉ là khu kinh tế, khu tự do, là tên gọi chung cho các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.Trong một khu kinh tế tự do có thể gồm nhiều khu chức năng như khu vực phi thuế quan (khu vực bảo thuế), khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các tiểu khu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ, v.v…

Đặc khu kinh tế đem lại lợi ích gì?
Việc hình thành các đặc khu kinh tế có lợi ích là:
 Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, linh hoạt về thuế phí, các quy chế kinh doanh tối giản tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển, chính sách về lao động linh hoạt giúp người lao động đặc biệt là lao động trình độ cao được tiếp cận môi trường làm việc hiện đại, thu nhập cao. Phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và hiện đại, cùng với sự ra đời của đặc khu kinh tế thì cơ sở hạ tầng theo đó cũng được nâng cấp, đặc biệt là về các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, khoa học, vui chơi giải trí sẽ được đầu tư mang đẳng cấp quốc tế.
 Nguồn thu dự kiến từ các đặc khu kinh tế đem lại: Vân Đồn: 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ sử dụng đất; gần 10 tỷ USD do các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng; Bắc Vân Phong: 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD từ sử dụng đất và 10 tỷ USD do các doanh nghiệp đầu tư khởi tạo; Phú Quốc: Thu từ các khoản thuế, phí và tiền sử dụng đất là hơn 3,3 tỷ USD; giá trị gia tăng do các doanh nghiệp khởi tạo là gần 20 tỷ USD.
Tổng thu từ 3 đặc khu vào khoảng 50 tỷ USD. Tổng GDP Việt Nam năm 2017 là 220 tỷ USD.
Ai “nắm” Đặc khu kinh tế trong tay?
Theo quy định tại dự luật, tại Điều 57, 58 thì chính quyền đặc khu được tổ chức theo mô hình Chính quyền địa phương, cụ thể là cấp huyện bao gồm UBND và HĐND, 3 đặc khu sẽ trực thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang. Như vậy, 3 đặc khu này sẽ hoàn toàn do người Việt Nam quản lý, do Nhân dân bầu chọn ra chính quyền theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời 3 đặc khu cũng có đầy đủ công an, quân đội được tổ chức chặt chẽ và tinh nhuệ theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, trật tự, chủ quyền quốc gia.
Đối với những người nước ngoài ở các đặc khu này, họ được cấp và gia hạn visa theo quy định của pháp luật và KHÔNG có đầy đủ quyền công dân như công dân Việt Nam, chẳng hạn như bầu cử, ứng cử, tham gia vào chính quyền địa phương, tham gia cảnh sát, quân đội. Việc của họ là ở đó và phát triển kinh tế đặc khu, tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.
Vậy có hay không chuyện “Bán đất” cho Trung Quốc 99 năm?
Trả lời: KHÔNG
Theo Dự luật Đặc khu, nhà đầu tư của tất cả các quốc gia đều có quyền đầu tư vào các đặc khu kinh tế, không riêng gì Trung Quốc mà Mỹ, Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Đức… đều có quyền đầu tư, miễn là có tiền, có năng lực phát triển và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Theo quy định của dự luật, người nước ngoài không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng đất tại các đặc khu kinh tế, và quyền sử dụng này cũng được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 về Quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở đặc khu, thì Căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm; trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, thời gian “99 năm” mà bè lũ chống phá đang ngày đêm rêu rao không phải là thời hạn mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng được quyền hưởng, kể cả Trung Quốc, việc này phải do Thủ tướng quyết định. Thông thường, thời hạn cho thuê đất của Việt Nam tương tự các quốc gia khác trên thế giới, rơi vào từ 50 đến 70 năm. Đây, là một khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp có thể đầu tư, phát triển và thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, theo Khoản 5 Điều 32 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu có quyền quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, không phải cho thuê rồi là xong, mà khi “có việc cần” vì lợi ích quốc gia, công cộng thì UBND đặc khu hoàn toàn có quyền thu hồi đất. Như vậy, là không có chuyện “Bán đất, bán nước” như các thế lực phản động đang rêu rao.
Mỗi công dân cần thấy, việc thành lập đặc khu kinh tế là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và xuất phát từ chính yêu cầu tạo tiền đề tăng trưởng, những đòn bẩy để thu hút đầu tư, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để triển khai thành lập các đặc khu kinh tế cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan, trong đó trọng tâm là Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt không có một chữ, một ý nào liên quan đến Trung Quốc, thế nhưng các thế lực thù địch đã xuyên tạc, bịa đặt thông tin vu khống Đảng, Nhà nước ta bán nước cho Trung Quốc.
Mục tiêu của bọn chúng là kích động thù địch trong nhân dân, kích động người dân thiếu hiểu biết biểu tình trái pháp luật, bạo động gây mất an toàn trật tự xã hội. Đáng tiếc rằng, một bộ phận công nhân, người dân ở một số địa phương đã mất cảnh giác, không nhận ra dã tâm, mưu đồ thâm hiểm của kẻ xấu, bị kích động, xúi dục có những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống, lao động sản xuất, đến trật tự, an ninh và xã hội.
Là công dân Việt Nam hãy bình tĩnh, tỉnh táo và sáng suốt, đừng để các thông tin không chính thống trên mạng xã hội do các đối tượng chống phá lập nên, nhằm chia rẽ lòng người, tạo bất ổn về an ninh trật tự. Chúng ta cần bình tĩnh sử dụng các cách thức, biện pháp đúng quy định pháp luật để trình bày ý kiến của mình, không mắc mưu các thế lực phản động, thù địch; đồng thời, với lòng yêu nước chân chính, chúng ta phải biết nhận định đúng sai, luôn có lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, Quốc hội có những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn vì lợi ích quốc gia – dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét