Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG ĐỊCH LỢI DỤNG CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM



Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội ra đời từ rất sớm trong lịch sử nhân loại và còn tồn tại lâu dài trong đời sống xã hội. Trong xã hội có giai cấp và đấu tranh giai cấp, các thế lực thống trị phản động luôn sử dụng tôn giáo nhằm thiết lập, duy trì và thực hiện quyền thống trị của chúng đối với nhân dân lao động. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhất là từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và trong giai đoạn hiện nay đều cho thấy: kẻ thù luôn tìm mọi cách lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện ý đồ chống phá cách mạng của nhân dân ta.

Hiện nay, các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, đáng chú ý là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận để chống phá, với những thủ đoạn mới, cách thức mới tinh vi, xảo quyệt hơn. Chuyển mạnh từ các biện pháp “cứng rắn” sang “mềm dẻo”; từ “công khai” sang “bán công khai”, “bí mật”; kết hợp đẩy mạnh hợp tác với thúc đẩy cạnh tranh; đầu tư và viện trợ kinh tế với ra điều kiện về chính trị, ngoại giao… Trong đó các thế lực thù địch vẫn coi “dân tộc”, “tôn giáo” là “ngòi nổ” trong hệ thống các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta.
Hiện nay, số người theo tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta tiếp tục có chiều hướng gia tăng, chiếm khoảng trên 30% dân số. Đặc biệt là xuất hiện nhiều “đạo lạ”, “tà đạo” như: Đạo Hà Mòn, Hội Thánh đức chúa trời, Dương Văn Mình,… Điểm đáng chú ý là trong vài năm gần đây, các thế lực thù địch một mặt tăng cường tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo nhân dân tham gia các tôn giáo thông qua các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, truyền đơn, chúng còn đẩy mạnh việc đưa người về tới tận bản làng, ngõ xóm, khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, trường học, nhà máy, để lôi kéo quần chúng. Chúng sử dụng nhiều chiêu bài lôi kéo, tập hợp lực lượng, trong đó có thủ đoan mua chuộc bằng vật chất, sử dụng các chất kích thích nhất là chất tiền ma túy để mê hoặc, dụ dỗ về cả vật chất và tinh thần. Do vậy, tình hình tôn giáo và đấu tranh phòng, chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tôn giáo, trong tình hình hiện nay cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... Kết hợp nhiều lực lượng, phương tiện, sử dụng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho người dân về bản chất của tôn giáo, nguồn gốc tôn giáo, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng “nông thôn mới” gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc. Đấu tranh kiên quyết và xử lý triệt để với mọi nhận thức mơ hồ, lệch lạc, hành vi sai trái, phần tử thù địch, phản động đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai là, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là sự thống nhất giữa đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
Tiếp tục và quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (2003) về công tác tôn giáo: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”, “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia...”.
Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, “điện-đường-trường-trạm” cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa, biê giới, hải đảo, nâng cao đời sống vật chất đi đôi với thực hiện tốt việc chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục và nâng cao tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” trong cộng đồng các dân tộc, trong các tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Ba là, quan tâm chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách hoạt động trong lĩnh vực quản lý tôn giáo.
Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý hoạt động tôn giáo, xung kích đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” lợi dụng vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Trong xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt phải hết sức chặt chẽ, khoa học, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm. Chú ý coi trọng bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng trung thành, kiến thức toàn diện, kiến thức chuyên sâu về tôn giáo, quản lý hoạt động tôn giáo, kinh nghiệm, phương pháp tác phong công tác. Cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, các ngành cần quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa để phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo ở từng địa phương.
Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ và phát huy vai trò, trọng trách của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong cộng đồng dân cư.
Để tuyên truyền, vận động quần chúng chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo rất cần sự ủng hộ,chung tay vào cuộc của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Đây là lực lượng khá đông đảo, gần gũi và có vị thế trong cộng đồng dân cư, nhất là trong vùng đồng bào có đạo. Do vậy, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương phải nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của họ, quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt, giúp đỡ họ trong cuộc sống, định hướng, tuyên truyền, vận động họ tin theo, nghe theo, làm theo đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tích cực tham gia vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động phòng ngừa, phát hiện và tố giác kịp thời những phần tử có âm mưu, thủ đoạn chống đối, phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo ở Việt Nam.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ các hoạt động và phần tử lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay để không bị động, bất ngờ, có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động và phần tử chống đối, nhất là đối tượng cầm đầu, chủ mưu, đối tượng có chức sắc. Đồng thời có các biện pháp tuyên truyền, tranh thủ đối tượng tốt, đối tượng trung gian, từng bước cô lập phần tử xấu, nguy hại và vô hiệu, xử lý chúng vừa triệt để, vừa khéo léo, không để bị kích động, lan rộng trong xã hội. Đồng thời phải kiên quyết phòng, chống tư tưởng và hành động nóng vội, chủ quan, hoặc “tả khuynh”, hoặc “hữu khuynh” trong thực hiện chính sách tôn giáo, xử lý các vấn đề liên quan tới tôn giáo./.
Hồng Tư

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của họ là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.

    Trả lờiXóa