Cuối năm 1947, đầu năm 1948, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển
sang một giai đoạn mới: giai đoạn đấu tranh giằng co quyết liệt giữa ta và
địch. Sau chiến thắng Việt Bắc (thu đông 1947) tương quan so sánh lực lượng giữa
ta và địch đã chuyển biến. Giặc Pháp ngày càng khó khăn và suy yếu, không thể dễ
dàng tung lực lượng ra để chiếm đất, chiếm dân. Thế và lực của ta ngày một mạnh
lên, tuy nhiên cuộc kháng chiến vẫn còn rất cam go vì thực dân Pháp điên cuồng
phản công giành quyền kiểm soát các địa bàn trọng yếu trên các chiến trường.
Trước tình hình đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Trung ương Quân ủy và Bộ
Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai để đáp ứng
yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực công tác chính trị trong Quân
đội, nâng cao chất lượng mọi mặt của Quân đội.
Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai diễn ra từ ngày 06 đến 11
tháng 3 năm 1948 tại Việt Bắc gồm các chính trị ủy viên khu, chính trị viên
trung đoàn, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung ương Quân
ủy, Tổng Chỉ huy và đồng chí Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Chính trị. Hội nghị
vinh dự được nhận Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Thư, Người chỉ ra những
vấn đề căn bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, phương pháp, tác phong công tác
của chính trị viên. Về nhiệm vụ của chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định: “Vô
luận ở cấp bậc nào, chính trị viên có ba nhiệm vụ chính: đối với bộ đội, đối
với nhân dân, đối với quân địch”(1)
Bài
viết này chỉ góp phần luận giải rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của
chính trị viên “đối với nhân dân” hay nói cách khác chính là nhiệm vụ
của chính trị viên trong tiến hành công tác dân vận. Trong Thư, Người chỉ rõ: “Đối
với nhân dân, nhân dân là nền
tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân
yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như
thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc.” (2) Phần nói về nhiệm vụ
của chính trị viên “đối với nhân dân” rất ngắn gọn (chưa đầy bốn dòng)
nhưng toát lên những tư tưởng rất quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công
tác dân vận và nhiệm vụ của chính trị viên trong tiến hành công tác dân vận, được
tập trung biểu hiện ở một số vấn đề sau:
1. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đề cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhân dân đối với sự nghiệp cách
mạng nói chung và đối với Quân đội nói riêng.
Hồ Chí Minh kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
truyền thống dân tộc về vai trò của quần chúng nhân dân: cách mạng là sự nghiệp
của quần chúng, quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính sáng tạo ra lịch sử;
“đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”... Trong suốt cuộc
đời mình, Người luôn thấu suốt quan điểm: trong mối quan hệ giữa quần chúng
nhân dân và cá nhân lãnh tụ thì quần chúng nhân dân giữ vai trò quyết định tiến
trình phát triển của lịch sử. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân khí mạnh thì
không quân lính nào, súng ống nào chống lại nổi”
(3); “Lực
lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng
kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”
(4). Trong
Thư gửi Hội nghị chính trị viên, Người nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn vai trò của
nhân dân trong mối tương quan với bộ đội: “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Như
vậy, theo Hồ Chí Minh, Quân đội ta từ nhân dân mà ra, gắn bó máu thịt với nhân
dân, mối quan hệ giữa nhân dân và bộ đội là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Do đó, Người thường xuyên nhắc nhở bộ đội phải “trung với Đảng” và phải“hiếu
với dân”.
2. Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ ra mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân vận trong Quân đội.
Trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công
tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với
nhân dân, Quân đội với nhân dân, coi đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đảm
bảo cho sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong Thư, mục tiêu, nhiệm vụ của
công tác dân vận trong Quân đội được diễn đạt khái quát, cô đọng nhưng rất đầy
đủ, toàn diện: “... phải làm cho dân tin,
dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân
yêu.” (5) Thực tiễn lịch sử chứng minh, ở đâu, khi nào quân đội
được nhân dân “tin”, “phục”, “yêu”, ủng hộ, giúp đỡ hết lòng thì ở đó, khi đó quân đội mới hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ; ngược lại ở đâu, khi nào quân đội không giữ được mối
liện hệ chặt chẽ với nhân dân, xa rời nhân dân, thiếu tôn trọng nhân dân thì ở
đó, khi đó quân đội không thể hoàn thành nhiệm vụ.
3. Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ ra yêu cầu, nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân
vận.
Để được dân tin, dân phục, dân
yêu thì Quân đội không chỉ tuyên truyền, vận động bằng lời nói đơn thuần mà
phải bằng những hành động cụ thể. Trong Thư, Hồ Chí Minh chỉ ra hai yêu cầu
đồng thời cũng là hai nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân
vận trong Quân đội: “siêng giúp dân” và
“hăng đánh giặc”. “Siêng giúp dân”
tức là bộ đội phải tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm giúp nhân dân trong sản
xuất, sinh hoạt, “cùng ăn, cùng ở, cùng
làm” với nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. “Hăng đánh giặc” tức là bộ đội phải tích
cực thi đua giết giặc lập công, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ hàng đầu của
mình; có đánh được giặc thì mới bảo vệ được dân. Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh
rất cụ thể, dễ hiểu nhưng hàm chứa những định hướng to lớn, có ý nghĩa lâu dài,
xuyên suốt.
4. Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ nhiệm vụ của chính trị viên trong công tác dân vận.
Nhiệm vụ của chính trị viên “đối với nhân dân” được đặt ngang hàng,
đồng đẳng với hai nhiệm vụ khác là “đối
với bộ đội” và “đối với quân địch”.
Trong tư duy của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của chính trị viên, của công tác chính
trị trong Quân đội phải hướng tới ba đối tượng: bộ đội (công tác chính trị
trong nội bộ), nhân dân (công tác dân vận), quân địch (địch vận). Giải quyết
thành công ba vấn đề trên sẽ là cơ sở xây dựng Quân đội vững mạnh, đánh thắng
mọi kẻ thù. Tiến hành tốt công tác dân vận, công tác “đối với nhân dân” là góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của chính trị
viên, nhiệm vụ của công tác chính trị. Chính trị viên phải coi trọng tiến hành
công tác dân vận và kết hợp chặt chẽ với các mặt công tác khác của công tác
chính trị.
Những chỉ dẫn trên của Chủ tịch
Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy
mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hiện nay.
Công tác dân vận của Quân đội
thời gian qua đã triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các
đơn vị trong toàn quân đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các ban
ngành, đoàn thể địa phương tiến hành công tác tuyên truyền vận động nhân dân
với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả. Tích cực, chủ động tham gia
xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh, trước hết tập trung xây dựng cơ sở địa
phương vững mạnh. Tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp đỡ nhân
dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống, làm
tốt vai trò nòng cốt trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ
cứu nạn. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong Quân
đội. Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội, góp phần xây
dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Hệ
thống cơ quan dân vận và đội ngũ cán bộ dân vận các cấp được quan tâm kiện toàn
một bước. (6)
Bên cạnh đó, công tác dân vận trong Quân đội
còn một số hạn chế. Sự phối hợp giữa công tác dân vận với các mặt công tác
khác, giữa các lực lượng, ban ngành trong và ngoài Quân đội ở một số nơi chưa
được thường xuyên chặt chẽ, đồng bộ. Khả năng tuyên truyền vận động, huy động lực
lượng toàn dân có nơi, có lúc chưa tốt. Kiến thức, năng lực, tác phong công
tác, trình độ hiểu biết về phong tục tập quán, tiếng dân tộc của bộ đội còn hạn
chế nên việc vận dụng các nội dung, hình thức hiệu quả cao. Chưa tạo được
chuyển biến cơ bản, vững chắc trong chấp hành kỷ luật quan hệ quân dân. (7)
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh
về công tác dân vận trong Thư gửi Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai
và Nghị quyết Trung ương 7 khóa
XI “về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo
của Đảng đối với công tác dân vận trong
tình hình mới” vào
tiến hành công tác dân vận trong Quân đội trong thời gian tới cần làm tốt các giải
pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho
cán bộ, chiến sĩ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp về quan điểm
của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc trong tình hình mới.
Giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có nhận thức
đúng đắn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, hình
thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận trong Quân đội.
Thứ
hai, đổi mới nội
dung, phương thức tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế các vùng miền, làm
cho nhân dân nhận thức đúng và chấp hành pháp luật Nhà nước, tăng cường khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân. Tích cực tuyên truyền vận động nhân
dân kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đường lối, chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước; quyền lợi, nghĩa vụ của công dân; thành tựu của
công cuộc đổi mới; chính sách hậu phương quân đội; chính sách dân tộc, tôn giáo
của Đảng; trách nhiệm của nhân dân giữ gìn an ninh chính trị và xây dựng nền
quốc phòng toàn dân...
Thứ
ba, hướng mạnh về cơ sở, đổi mới và đa dạng hoá các nội
dung, hình thức công tác dân vận của Quân đội phù hợp với chức năng của Quân
đội (đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất) và nhiệm vụ các
loại hình đơn vị trong toàn quân. Làm tốt công tác giáo dục, tổ chức, quản lý, duy trì bộ đội chấp hành
nghiêm kỷ luật quan hệ quân dân, tạo sự tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực
hiện quân với dân một ý chí. Tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững
mạnh; tham gia bảo vệ giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống;
làm tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn...
Thứ
tư, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 590-CT/ĐUQSTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tiếp
tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
trong Quân đội”. Rà soát, bổ sung các quy chế lãnh đạo của các cấp
ủy đảng; quy chế, quy định của chỉ huy các cấp theo yêu cầu phát huy dân chủ. Duy
trì hoạt động sinh hoạt đối thoại dân chủ sâu rộng ở các cấp, nhất là đơn vị cơ
sở, phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân. Chú
trọng kiểm tra những đơn vị có vụ việc phức tạp, nhiều đơn thư khiếu nại, tố
cáo, tỷ lệ vi phạm kỷ luật cao. Kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục các hiện tượng
quân phiệt, tác phong gia trưởng; chống bệnh hình thức, áp đặt ý kiến cá
nhân, bệnh quan liêu, xa rời quần chúng; chống nói nhiều, làm ít./.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
(1),
(2), (5) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr.392-393
(3)
Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H, 1995, tr.274
(4)
Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H, 1995, tr.700
(6) (7) Tổng cục Chính trị,
Thông báo nội bộ, tháng 8/2013, tr.20-21
Văn Hưởng
Tất cả những điều Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta phải học tập và làm theo
Trả lờiXóa