Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

QUAN HỆ MỸ - TRUNG THỜI COVID


Đại dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Cho dù diễn ra với kịch bản nào thì hậu quả mà kẻ thù vô hình Covid-19 gây ra cho các quốc gia, cho quan hệ quốc tế thì lại vô cùng nặng nề, tác động đến hàng thập kỷ sau đó.
Hậu Covid-19 sẽ rút ngắn thời gian tiến tới cuộc "Chiến tranh lạnh mới 2.0" giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự phân chia thế giới thành hai chiến tuyến đối đầu nhau.
Cách đây 2.400 năm, nhà sử học và khoa học chính trị Hy lạp cổ đại Thucydides đã quan sát và phát hiện ra sự đối đầu khó tránh khỏi giữa một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một cường quốc đã định hình khi ông nghiên cứu về cuộc chiến Peloponnsus giữa Athens và Sparta.

Dường như lịch sử đang lặp lại và "đẩy" Trung Quốc và Mỹ - hai thế lực hùng mạnh nhất của thời đại, một bên thì đang trỗi dậy như "Thánh Gióng", còn một bên thì đã xác lập vị trí thống trị vững chắc của mình trên bàn cờ chính trị thế giới - vào một cuộc "đối đầu định mệnh". Mối quan hệ này đang rơi vào "cái bẫy Thucydides" không ai mong muốn, kể cả lãnh đạo và người dân Trung Quốc và Mỹ, nhưng lại không thể tìm cách thoát ra được.
Nhìn từ góc độ toàn cầu, sự tốt lên hay xấu đi trong quan hệ giữa các quốc gia ra trong hệ thống quan hệ quốc tế là điều bình thường. Nhưng khi sự chuyển trạng thái quan hệ liên quan đến các nước lớn, đặc biệt là những nước ở vị trí số 1 và số 2 trên thế giới, đại diện cho các các hình thái kinh tế, ý thức hệ, tập hợp lực lượng... mang bản chất đối kháng như Mỹ và Trung Quốc thì nó không còn là điều bình thường nữa, mà tác động ngay lập tức đến tập hợp lực lượng chính trị ở các khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế đó đã được kiểm chứng đối với quan hệ đối đầu Mỹ - Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và quan hệ Trung - Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Nhìn từ góc độ đó, sự xấu đi của quan hệ Trung - Mỹ cũng như sự manh nha hình thành một thế giới hai cực mới trong cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 là một xu hướng khó đảo chiều. Còn các cố gắng như thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một ký ngày 15/1/2020 cách đây hơn 3 tháng cũng chỉ giúp hai bên trì hoãn, câu giờ thêm mà thôi. Và đương nhiên, đại dịch Covid-19 đã "giúp" tăng tốc tiến trình đối đầu này. Hãng thăm dò dư luận Pew ngày 21/4/2020 đã công bố kết quả giật mình: Có tới 66%, tức 2/3 số người Mỹ được hỏi ý kiến có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, trong khi chỉ có 26% là có thái độ tích cực.
Để so sánh, khi Tổng thống Trump mới lên cầm quyền năm 2017, 47% người Mỹ có thái độ tiêu cực với Trung Quốc, trong khi vẫn còn tới 44% có thái độ tích cực. Cũng trong cuộc thăm dò dư luận ngày 21/4, 91% (tức 9/10) người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới là mối đe dọa đối với Mỹ. Còn ở phía đối diện, tình hình cũng chẳng khác mấy. Lãnh đạo cũng như rất nhiều người Trung Quốc tin rằng nước Mỹ đang "không từ một thủ đoạn nào", tìm mọi cách cách để kìm chân, ngăn cản Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc thế giới. Điều trớ trêu là đại dịch càng kéo dài, thiệt hại về người và của đối với nước Mỹ càng lớn thì sự "thiếu thiện cảm" của chính quyền ông Trump, và dư luận Mỹ đối với Trung Quốc - nơi họ tin rằng xuất phát Covid-19 và từ đó lan ra khắp thế giới lại càng có chiều hướng tăng lên. Thậm chí, họ cũng chẳng quan tâm đến lời giải thích của Trung Quốc rằng đại dịch là quy luật tự nhiên và có thể bùng phát ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ thời điểm nào trên thế giới, còn việc bắt nguồn từ Trung Quốc chỉ là một sự trùng hợp "ngẫu nhiên" mà thôi.Nhưng ẩn sâu xa là nỗi lo lắng tột cùng của giới tính hoa nước Mỹ về việc Mỹ thì đang "ngã bệnh", còn Trung Quốc lại đang trên đà phục hồi nhanh chóng và có thể nhân cơ hội này vượt lên, "bỏ lại" Mỹ phía sau.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell đã đưa ra cảnh báo lạnh người rằng đại dịch Covid-19 có thể là "Thời khắc Suez" đánh dấu sự sụp đổ của Đế chế Mỹ, tương tự như sự sụp đổ của Đế quốc Anh sau sự kiện khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956. Trong lúc chính quyền Trump đang tính kế thì một số chính khách của cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ và học giả "diều hâu" đã bắt đầu hiến kế các kịch bản "ăn miếng trả miếng" theo kiểu "Trạng chết Chúa cũng băng hà" để làm cho Trung Quốc khốn đốn nhất có thể. Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, Chủ tịch ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, gợi ý một loại thuế (Pandemic Tariffs) đánh vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để "bù đắp" những thiệt hại tại do đại dịch gây ra đối với nước Mỹ. Đi xa hơn, học giả Harry Kazianis đề ra kế hoạch với 5 bước khởi đầu: (i) Tẩy chay Olympic Mùa đông tổ chức năm 2022 ở Bắc Kinh tương tự như việc Mỹ và Phương Tây đã từng tẩy chay Olympic Mùa hè Moscow năm 1980; (ii) Công nhận ngoại giao Đài Loan; (iii) Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ phải in chữ "Made in China" thật to ở phía trước để người Mỹ "tránh xa"; (iv) Tìm cách thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc; và (v) Thay đổi nội luật để người dân và các công ty Mỹ bị ảnh hưởng có thể kiện, đòi bồi thường để làm cho Trung Quốc khánh kiệt về mặt tài chính.
Một học giả khác là giáo sư Gavin Clarkson thậm chí còn đề nghị chính quyền Trump "tịch thu" 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu để chi trả cho các tổn thất do Covid-19 gây ra mà Mỹ đang phải gánh chịu.
Ở bên ngoài, các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Đức, Pháp... cũng bắt đầu "rục rịch" các tiến trình tham vấn, phối hợp hành động chung, trước mắt là mở các cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân phát tán, ngay sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
Về phần mình, Trung Quốc đang xem các diễn biến trên như những "trò hề". Với tinh thần dân tộc nước lớn, họ chắc sẽ không "ngồi yên" chịu trận, để mặc cho Mỹ và phương tây "bắt nạt" như trong thời kỳ "thế kỷ ô nhục" trước đây. Sự nghi kỵ, thù địch, thậm chí đối đầu Trung - Mỹ chắc chắn sẽ không còn giới hạn trong phạm vi địa chính trị, địa chiến lược, hay "câu chuyện nội bộ" giữa các nước lớn nữa, mà sẽ nhanh chóng lan tỏa, tác động đến lĩnh vực kinh tế, các cân nhắc, lựa chọn chiến lược của các nước vừa và nhỏ - những quốc gia không sớm thì muộn, không trực tiếp thì cũng gián tiếp bị "kéo" vào "trò chơi quyền lực" hao người, tốn của giữa hai siêu cường này.
Văn Duy




1 nhận xét:

  1. Sự cạnh tranh ngôi vị số 1 thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất căng thẳng và không thể không xảy ra; liệu Mỹ còn giữ vững được vị trí này được bao lâu nữa? Chúng ta hãy chờ nhé

    Trả lờiXóa