Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

NHẬN BIẾT QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET, MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH, PHÒNG, CHỐNG


Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet, các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật, bóp méo, xuyên tạc, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch; bôi nhọ, vu khống lãnh tụ, những người nổi tiếng; kích động đồi trụy, bạo lực, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin… Đặc biệt, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, kêu gọi biểu tình trái phép, tụ tập tạo điểm nóng… đe dọa an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


 Các thế lực thù địch lợi dụng 2 trang mạng xã hội là facebook và youtube để đăng, chia sẻ những thông tin sai trái, thù địch, cơ hội chính trị lên không gian mạng internet. Thủ đoạn thường được chúng sử dụng đó là dùng những tin, bài, những hình ảnh trên các báo chí chính thống ở trong nước, sau đó viết lại, chỉnh sửa thành những nội dung bịa đặt hoặc định hướng sai lệch để đăng tải. Điều này thu hút sự quan tâm của người xem, người đọc trước những thông tin có nội dung giống với các thông tin chính thống, tạo cảm giác nửa tin, nửa ngờ và nếu không tìm hiểu, nghiên cứu kỹ sẽ bị tác động xấu bởi những thông tin xuyên tạc này. Trên trang facebook, các thế lực thù địch lập ra các tài khoản giả mạo đưa tin đan cài các thông tin với dụng ý xấu độc, đánh lừa, kích động người xem, người đọc, gây phân tâm lớn trong xã hội. Chúng lập ra rất nhiều trang, tài khoản, fanpage… để đăng tải những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình chính trị ở Việt Nam, nhưng núp dưới những tên gọi nghiêm túc, chính thống. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, thâm độc khiến người đọc, người xem lầm tưởng là trang của những người yêu nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước, vì vậy mức độ tuyên truyền, thẩm thấu vào suy nghĩ của mỗi người thường rất nhanh, mất đi sự phản xạ đề phòng. Ngoài ra, các đối tượng đang sử dụng trang blog để nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước, khi nó kết hợp với mạng xã hội, các bài viết trên blog được chia sẻ lên mạng xã hội tạo sức lan truyền lớn.
 Các đối tượng thù địch tập trung xuyên tạc và đăng lên mạng xã hội là vấn đề “Chia bè, chia phái”, lợi dụng một số sự kiện chính trị, vấn đề phức tạp, nhạy cảm để chống phá nội bộ ta và mối quan hệ Việt Nam với các nước; chống phá quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng; chúng đăng những tin, bài tập trung xuyên tạc, chống phá vào một sự kiện nhất định, những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Thường xuyên chia sẻ để người sử dụng facebook dễ dàng tiếp cận những thông tin phản động, đồng thời chúng tạo ra “làn sóng” bình luận ủng hộ các thông tin này. Bên cạnh đó, lực lượng phản động tập trung chống phá những bài viết tích cực trên báo chí, những bài viết chính luận, sắc sảo, có giá trị khi được chia sẻ trên facebook.
 Để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội hiện nay đạt hiệu quả cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất, phải xây dựng được nhận thức đúng đắn, người dùng phải được cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và đầy đủ. Thực tiễn cho thấy, khi nhu cầu thông tin của mỗi cá nhân được nguồn thông tin chính thống đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái, thù địch sẽ được hạn chế rất nhiều. Hiện nay, nhiều báo lớn đều có trang điện tử, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử để đăng tải, cập nhật những thông tin chính thống. Tuy nhiên, việc người sử dụng internet chưa hình thành thói quen khai thác thông tin trên những kênh chính thống và chia sẻ, đăng tải trên các trang mạng xã hội nên tác dụng tuyên truyền, định hướng còn chưa hiệu quả. Để khắc phục điều này, đòi hỏi người sử dụng internet cần phải xây dựng thói quen tiếp cận, khai thác thông tin trên internet, mạng xã hội. Thường xuyên tiếp cận trực tiếp, kịp thời với các thông tin chính thống, có sự so sánh, phân tích đối chiếu để chỉ ra, vạch trần luận điệu xuyên tạc, chống phá. Bên cạnh đó cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin chính thống, đảm bảo phong phú, đa dạng, nhiều cấp độ, tùy theo đối tượng để cung cấp, phổ biến, truyền tải.
 Thứ hai, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước và các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhận thức đúng đắn, có sự suy xét khi tiếp cận những thông tin nhạy cảm, ở những thời điểm diễn ra các sự kiện mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để xuyên tạc, chống phá.
 Thứ ba, có những thông tin chính thống để loại bỏ những thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch ra khỏi không gian mạng bằng cách tạo môi trường trong sạch về thông tin. Trước những thông tin có dấu hiệu xuyên tạc, trái chiều, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng công bố thông tin chính thống để phản bác lại thông tin bịa đặt, góp phần định hướng dư luận. Đặc biệt, các cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân cần phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp chỉ rõ các quan điểm sai trái, vạch trần các âm mưu “Diễn biến hòa bình”. Chủ động chia sẻ, lan tỏa những tin, bài, ảnh có nội dung tích cực, gương người tốt việc tốt trong học tập, công tác, lao động sản xuất, trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày, ... “Lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”. Không chia sẻ những tin, bài, ảnh phản cảm, xuyên tạc, có nội dung phản động, sai trái mà chỉ tham gia bình luận, góp phần đấu tranh làm rõ sự xuyên tạc, sai trái, phản động đó.
 Thứ tư, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân cần khắc phục các biểu hiện lười học tập rèn luyện, nhất là học tập lý luận chính trị; lười đọc báo và các trang tin chính thống, thích khai thác các loại thông tin đa chiều trên mạng internet nhưng thiếu bản lĩnh để phân tích, xử lý thông tin; bình luận, cổ xúy những sự kiện, vấn đề nhưng không hiểu được nội dung, bản chất.
 Thứ năm, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra, xử lý các đối tượng tung tin bịa đặt và cả các đối tượng tiếp tay cho sự bịa đặt ấy lan truyền trong xã hội theo quy định của pháp luật. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những người chuyên xuyên tạc thông tin, từ đó có sự cảnh giác, đề phòng. Cần phân loại đối tượng chống phá để có phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp với từng loại đối tượng, từng thời điểm cụ thể, tránh chung chung dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không hiệu quả.
 Xây dựng nhận thức đúng đắn, nhận diện đầy đủ, khoa học, khách quan về âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động chống phá trên không gian mạng của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó trang bị kiến thức cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, tự “miễn dịch” với những thông tin xấu độc, đồng thời xây dựng cho mỗi người có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, không tin theo, không truy cập và tán phát, chia sẻ những thông tin xấu độc. Nhận diện đúng chính là cơ sở, tiền đề vững chắc để tích cực đấu tranh, chủ động tiến công với các quan điểm sai trái, phản động trên không gian mạng, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Xuân Diệu



1 nhận xét:

  1. Giữa mớ hỗn độn thông tin trên các trang MXH, chúng ta cần tỉnh táo để không bị lôi kéo, biến mình thành con rối của kẻ xấu, gây nguy hại đến an ninh quốc gia và vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa