Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

CẢNH GIÁC NHỮNG KẺ GIẢ DANH CÁN BỘ QUÂN ĐỘI, CÔNG AN ĐỂ LỪA GẠT LÒNG TIN CỦA NHÂN DÂN



                                                

Tình trạng những kẻ giả danh công an, quân đội ở các địa phương trong cả nước không phải thời gian gần đây mới có mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Trong những năm vừa qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh công an, quân đội để lừa gạt lòng tin nhân dân. Với ý đồ và mục đích xấu, những kẻ giả danh đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bằng thủ đoạn những thủ đoạn, các đối tượng đã trực tiếp gây hại cho người dân và cho xã hội. Thực tế, có những người giả danh cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang để thực hiện mưu đồ chính trị, chống phá chế độ, đây là những người trực tiếp tham gia chống phá hoặc bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng cho hoạt động chống phá, gây mất an ninh trật tự cho xã hội. Có những người giả danh lợi dụng chức vụ trong công an, quan đội để có hành vi trái pháp luật nhằm lừa gạt quần chúng nhẹ dạ cả tin, vun vén cho động cơ cá nhân làm ảnh hưởng tới vai trò, uy tín và danh dự lực lượng vũ trang.
Biểu hiện: với mác giả danh cán bộ quân đội, làm việc trong các phòng ban của tỉnh, đối tượng Nguyễn Đại Dương (sinh năm 1954, trú tại thôn 5, xã Tam Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thông tin cho biết, cuối năm 2018, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Anh Sơn nhận được 7 lá đơn của công dân tố cáo đối tượng Nguyễn Đại Dương lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của người dân, Công an huyện Anh Sơn đã vào cuộc điều tra, thu thập thông tin, xác minh chứng cứ.
Ngày 4/11/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Anh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với đối tượng Nguyễn Đại Dương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Được biết, với cái mác giả danh cán bộ quân đội, làm việc trong các phòng ban của tỉnh, có mối quan hệ rộng, chạy được việc làm nên mỗi khi Dương đi đến đâu đều được người dân đón tiếp và tin tưởng. Với chiêu trò đó, các bị hại tin tưởng đưa tiền cho Dương chạy việc. Khi nhận tiền, Dương hứa sẽ xin vào làm việc cơ quan này, cơ quan kia, lương cao
Tuy nhiên, những lời hứa đường mật của Dương khiến người dân dần rơi vào tuyệt vọng. Chỉ đến khi vỡ lẽ, thì người dân mới biết mình bị lừa. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Đại Dương khai nhận lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 7 người. Những nạn nhân của Dương chủ yếu nhắm vào người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các huyện miền núi cao, vùng sâu vùng xa, biên giới như: huyện Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương và Anh Sơn. Với 5 trong 7 nạn nhân bị Dương lừa vẫn lưu giữ lại các giấy tờ, chứng cứ đầy đủ với số tiền khoảng 390 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Anh Sơn qua khám xét nơi ở của đối tượng Dương đã thu giữ tang vật là 01 bộ quần áo, mũ quân đội, quân hàm trung tá mà đối tượng này dùng để lừa đảo người dân.
Sáng 2/4/2019, Cục Bảo vệ An ninh quân đội phối hợp với Tổng cục 2 và lực lượng Kiểm soát quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức kiểm tra một phụ nữ mặc quân phục với quân hàm đại tá, không có biển tên. Qua xác minh, đối tượng khai tên là Đào Thị Uyên (SN 1974), quê quán ở thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, hiện đang là nhân viên một công ty luật. "Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phối hợp với Công an thành phố Hà Nội phát hiện một đối tượng giả danh nữ sĩ quan. Qua kiểm tra, đối tượng mặc bộ quân phục sĩ quan hàm đại tá. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến quân đội" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức thông tin. Lực lượng chức năng sau đó đưa đối tượng đến công an phường Láng Hạ kiểm tra, làm rõ. Qua xác minh ban đầu, đối tượng khai là Đào Thi Uyên khai đã mua bộ quân phục với hàm đại tá và thường xuyên mặc vào với mục đích khoe mẽ.
Không chỉ giả danh người trong quân đội, các đối tượng lừa đảo còn mạo nhận là người có chức vụ cao trong ngành công an để thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí những "phi vụ" lừa đảo khi bị phanh phui còn khiến nhiều người bất ngờ vì đối tượng "qua mặt" được cả một Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện.
Trong tháng 2 năm 2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ðắk Lắk cho biết, đơn vị ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Ðào Thanh Tâm (SN 1976, trú tại 31 Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5, TP Hồ Chí Minh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, vào ngày 2/2/2020, Ðại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk cùng đoàn công tác của Công an tỉnh đến kiểm tra công tác tại Công an huyện Lắk. Trong quá trình làm việc tại đây, Ðại tá Tuyến phát hiện một phụ nữ đi cùng với Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện đến chào hỏi và giới thiệu là Ðại tá Hà Phương Tường Vân, là "quyền Cục trưởng tình báo Bộ Công an".
Tuy nhiên, qua vài câu chuyện xã giao, Ðại tá Lê Văn Tuyến nhận thấy người phụ nữ này có dấu hiệu giả mạo cấp bậc, chức vụ nên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an huyện Lắk vào cuộc xác minh. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, người phụ nữ này có hộ khẩu thường trú tại TP Hồ Chí Minh với nghề nghiệp kinh doanh, xây dựng. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận, qua các mối quan hệ giới thiệu, Tâm tìm đến gặp Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện Lắk, tự giới thiệu mình là Ðại tá Hà Phương Tường Vân là "quyền Cục trưởng tình báo của Bộ Công an" để xin được làm dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng tại huyện Lắk…
Có thể thấy, việc giả danh cán bộ công an, quân đội để thực hiện các hành vi sai trái (tạo uy tín giả, khoe mẽ để xin cho con, cháu quần chúng nhân dân vào làm việc ở cơ quan này, cơ quan kia, lương cao…) là hành động vi phạm pháp luật. Mỗi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, cần nêu cao cảnh giác, đồng thời cùng nhân dân địa phương vạch trần những vỏ bọc không đúng, lừa đảo với các mưu toan cá nhân thực dụng. Những vụ việc và nhân sự cụ thể trên là biểu hiện của vấn nạn giả danh cán bộ trong lực lượng vũ trang cần đáng lên án và các cấp, ngành cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong tuyên truyền, chấn chỉnh để giải quyết triệt để nhằm kiểm soát tình trạng gia tăng tội phạm nói chung và làm giảm uy tín, lòng tin của người dân đối với ngành công an, quân đội nói riêng, vì người dân không biết đâu là “Công an thật hay Công an giả, Bộ đội thật hay Bộ đội giả”. Vấn đề quan trọng là mỗi người dân cần tỉnh táo, không để bị lừa gạt với các chiêu bài cũ và có cách nhận diện chủ động để cùng toàn xã hội vạch rõ chân tướng, loại bỏ thủ đoạn, hành vi của những đối tượng xấu, các thế lực thù địch. Đồng thời, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sỹ quân đội và công an thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Nhà nước, nhân dân tin tưởng.
                                                                         Ngô Giang
  


1 nhận xét:

  1. Tất cả những kẻ giả danh công an, bộ đội để lừa lọc cần phải bị xử lý nghiêm khắc

    Trả lờiXóa