Dựa trên những thông tin sai
lệch, thiếu khách quan, những năm qua, Hạ viện Mỹ đã định kỳ hàng năm thông qua
cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam” (H.R.1410) và “Nghị quyết H.Res.484”
liên quan tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Việc thông qua những văn bản này
đã thể hiện cách nhìn xưa cũ cũng như thái độ mang nặng định kiến của số ít
giới chức Mỹ về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Không khác nhiều so với các nhận định về tình hình nhân
quyền ở Việt Nam mà Mỹ đã thông qua trong
những năm trước, Dự luật nhân quyền Việt Nam và Nghị quyết H.Res.484 đã nhìn
nhận một cách thiếu khách quan, không chính xác về thực trạng tình hình nhân
quyền tại Việt Nam, từ đó yêu cầu giới hạn các khoản hỗ trợ trừ phi Chính phủ
Việt Nam có “tiến bộ đáng kể” trong việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tự do
ngôn luận! Xét về bản chất, đây là hành động can thiệp thô bạo vào công việc
nội bộ của nước khác trên danh nghĩa của cái gọi là “nhân quyền”.
Công bằng mà nói, Dự luật H.R.1410 của Hạ viện Mỹ đã ít
nhiều thừa nhận những tiến bộ nhất định về tình hình thực thi nhân quyền tại
Việt Nam trong thời gian qua. Song đáng tiếc đó không phải là nội dung cơ bản
của dự luật này. Bám vào những thông tin lỗi thời, lạc hậu và dựa trên cách
nhìn xưa cũ, H.R.1410 tiếp tục xuyên tạc việc thực thi quyền con người ở Việt
Nam, thổi phồng những cái mà họ cho là “vi phạm nhân quyền”. Như Tạp chí Quốc
phòng toàn dân đã trích lời của một Hạ nghị sĩ Mỹ - Ông E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga
cho rằng, H.R.1410 là “thiển cận”, bởi nó chỉ dựa trên những dữ liệu “cũ rích”,
có từ cách đây 10 - 15 năm, được nhắc đi nhắc lại bởi những người chưa bao giờ
đặt chân tới Việt Nam và một nhóm người Việt lưu vong tại Mỹ luôn có tư tưởng
thù địch với Việt Nam.
Cần nhấn mạnh là bên cạnh những giá trị, những chuẩn mực
phổ quát chung thì khái niệm nhân quyền bao giờ cũng gắn với tính đặc thù về
lịch sử, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Và vì thế, nhân quyền không
thể tách rời chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết dân tộc. Với cách tiếp cận đó,
trong thời gian qua cộng đồng quốc tế đã và đang đánh giá cao những tiến bộ
mang tính đột phá của Việt Nam trong việc thực hiện các quyền con người.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định quan điểm: “Con
người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước
và quyền làm chủ của nhân dân” và “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng
xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”.
Không chỉ dừng lại ở các văn bản, nghị quyết, quan điểm này đã thực sự đi vào
cuộc sống với hàng loạt những chính sách, những chương trình xã hội cụ thể, có
ý nghĩa to lớn trong chăm lo, cải thiện và phát triển đời sống nhân dân. Trong
bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi tác động của cuộc khủng hoảng nợ
công trên thế giới nhưng những năm gần đây, Việt Nam vẫn ưu tiên bố trí tăng
thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu
quốc gia. Năm 2016, ngân sách nhà nước chi cho bảo đảm an sinh xã hội đã tăng
20% so với năm 2015; trong đó hỗ trợ mua Bảo hiểm Y tế cho hộ nghèo và cận
nghèo 3.500 tỷ đồng (14 triệu người nghèo được cấp thẻ), dư nợ tín dụng cho vay
hộ nghèo đạt 37,6 ngàn tỷ đồng, tạo được 1,54 triệu việc làm mới …
Những nỗ lực nói trên của chúng ta đã được thế giới ghi
nhận và đánh giá rất cao. Tại kỳ họp lần thứ 17 của Hội đồng Nhân quyền Liên
hợp quốc (tháng 6-2011), trong báo cáo về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam
cuối năm 2010, bà M. Ca-mô-ra (chuyên gia độc lập về nhân quyền và chống đói
nghèo) đã nhấn mạnh và đề cao những bước tiến ấn tượng của Việt Nam trong công
tác xóa đói giảm nghèo: “Việt Nam đã bảo đảm tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội
và văn hóa cho người dân”. Cuối năm 2011, sau chuyến thăm Việt Nam kéo dài 10
ngày (từ ngày 25-11 đến ngày 5-12-2011), ông A-nan Grâu-vơ (Báo cáo viên đặc
biệt của Liên hợp quốc) đã phát biểu hoan nghênh những thành tựu trong sự
nghiệp xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm thực hiện công
bằng xã hội mà Việt Nam đạt được.
Rõ ràng, những tiếng nói trên đây hoàn toàn khác với những
gì mà Dự luật H.R.1410 nêu ra. Nguyên nhân chính bởi đó là lời nhận xét chân
thực, khách quan, là ý kiến của những người đã “đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe
tận tai” những gì đã diễn ra ở Việt Nam; trong khi đó Dự luật H.R.1410 không
những dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, mà còn xuất phát từ
cách nhìn xưa cũ, sự định kiến và sở thích áp đặt người khác của một số vị dân
biểu Mỹ.
Tự cho mình cái quyền phán xét nước khác nhưng có lẽ Hạ
viện Mỹ đang quên đi (hoặc cố tình quên) bức tranh không mấy tốt đẹp về tình
hình nhân quyền ở ngay chính đất nước mình. Cộng đồng người Hồi giáo và dư luận
quốc tế vẫn chưa hết phẫn nộ với sự kiện lính Mỹ đốt kinh Cô-ran và xúc phạm
thi thể các chiến binh Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan (đái vào thi thể và chụp ảnh
làm dáng với thi thể của các chiến binh). Đầu năm nay, trong phong trào “Chiếm
phố Uôn”, cảnh sát Mỹ đã dùng hơi cay và súng điện đàn áp những người biểu tình
hòa bình và bắt giữ hơn 400 người. Trước đó, gần 1.000 người bị bắt giữ trong 2
tuần đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình này vào tháng 9-2011. Và mới đây, một “sự
thật nhân quyền” ở Mỹ cũng đã bị báo giới nước này phanh phui: Thay vì được an
táng bình thường thì phần thi thể của nhiều nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 lại
bị tiêu hủy ở một bãi rác! Phải chăng đây chính là cái gọi là nhân quyền của
Mỹ?
Trở lại với cái gọi là Dự luật nhân quyền Việt Nam và Nghị
quyết H.Res.484 liên quan tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam mà Hạ viện Mỹ vừa
thông qua. Có thể thấy, tự ý đưa ra những dự luật đánh giá về tình hình nhân
quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền, mượn danh
nghĩa hỗ trợ kinh tế để tạo áp lực về chính trị … là những hành động đi ngược
lại xu thế hợp tác quốc tế cũng như nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai
nước Việt Nam và Mỹ. Vì vậy, cũng giống như số phận của hàng loạt những dự luật
tương tự trước đây, chính những thông tin sai lệch, lối tư duy định kiến và
nhất là cách nhìn xưa cũ của những người soạn thảo sẽ làm cho Dự luật nhân
quyền Việt Nam và Nghị quyết H.Res.484 nhanh chóng bị dư luận lãng quên./.
NXT
Nước Mỹ nên quan tâm đến vấn đề nhân quyền của nước Mỹ trước khi can thiệp vào công việc nội bộ của các nước
Trả lờiXóa