Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

"Diễn biến hoà bình" và "tự diễn biến" trong bối cảnh hiện nay


"Diễn biến hoà bình" và "tự diễn biến" trong bối cảnh hiện nay
                                                                                 Tuấn Anh
Hiện nay, nhân loại đang đứng trước ba nguy cơ lớn: chiến tranh công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành, với bộ mặt "chiến tranh sạch" nhưng đằng sau là hiểm hoạ hơn tất cả các hiểm hoạ trước; "diễn biến hoà bình" cũng của chủ nghĩa đế quốc, cái công cụ đã làm tan rã những cường quốc từng là thành trì của hoà bình và cách mạng thế giới, điều mà mọi cuộc chiến tàn khốc trước đó của chủ nghĩa phát-xít không thể làm nổi; "cách mạng sắc màu" - sự cộng sinh giữa "diễn biến hoà bình" và bạo loạn chính trị - mà tác giả một lần nữa không ai khác chính là chủ nghĩa đế quốc, một công cụ khác giải quyết nốt phần còn lại của chiến tranh công nghệ cao và "diễn biến hoà bình".

Có thể thấy rõ ràng là, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ không phải do chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc mà chính do sự trì trệ về kinh tế - xã hội cùng sai lầm của Đảng và Nhà nước, và đó chính là thất bại trước "diễn biến hoà bình". Tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô là sự tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, rồi các cuộc "cách mạng sắc màu" - một dị bản của "diễn biến hoà bình" có kết hợp với yếu tố bạo loạn lật đổ - cũng được chủ nghĩa đế quốc thực hiện thành công ở một loạt nước. Nhìn nhậnkhái quát về cuộc bạo loạn lật đổ ở một số nước, có thể thấy mặc dù có những điểm không giống nhau, nhưng "cách mạng đường phố", "cách mạng nhung", "cách mạng da cam"... chỉ là những tên gọi khác nhau để chỉ một sản phẩm "sáng tạo" của chủ nghĩa đế quốc: công nghệ giành chính quyền thông qua biểu tình. Thực chất, đây là những cuộc đảo chính lật đổ chính quyền theo kiểu dùng "bạo lực đường phố", đặc biệt nguy hiểm khi quần chúng bị kích động bởi những trung tâm quyền lực từ bên ngoài luôn rắp tâm "đục nước béo cò".
Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa đế quốc cùng các thế lực phản động quốc tế sẽ dùng mọi thủ đoạn, kể cả màn kịch "cách mạng nhung" để chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy chúng ta cần hết sức cảnh giác nhằm chống lại âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm này của các thế lực thù địch, đặc biệt là giải quyết những mặt trái chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình Việt Nam hội nhập nền kinh tế thế giới. "Diễn biến hoà bình" dù là một kế hoạch rất công phu của các thế lực thù địch nhưng cũng sẽ không có đất diễn nếu trong nội bộ đất nước ta không xuất hiện những điểm tựa thuận lợi cho chúng. Nói cách khác, "diễn biến hoà bình" chỉ làm công việc nhấn nút kết thúc khi quá trình "tự diễn biến" đã chuẩn bị tiền đề đầy đủ.
Để phòng, chống "diễn biến hoà bình" một cách có hiệu quả, nhất là phá vỡ các mầm mống của "tự diễn biến", thì trước hết phải có sự nhận diện thoả đáng về phương diện lý luận. Rõ ràng, không phải bất cứ sự yếu kém nào trong đời sống xã hội, thậm chí trong hệ thống chính trị và chế độ nhà nước, cũng đều thuộc về phạm trù "diễn biến hoà bình". Đối với nước ta, nói đến "diễn biến hoà bình" là nói đến âm mưu, thủ đoạn tổng thể của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch hòng làm chuyển hoá chế độ chính trị của ta từ bên trong mà không cần phải sử dụng đến bạo lực vũ trang để can thiệp. Về thực chất, nếu chiến tranh là kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực vũ trang mang tính nhà nước thì "diễn biến hoà bình" cũng chính là kế tục của chính trị, nhưng bằng thủ đoạn phi bạo lực vũ trang. Chưa thể coi cái tính trạng thoái hoá, biến chất song chưa đụng đến chế độ chính trị và nhà nước là "diễn biến hoà bình". Tuy nhiên, chính sự thoái hoá, biến chất của đội ngũ lại là tiền đề, mầm mống của sự biến chất chế độ chính trị, và nó thuộc về phạm trù "tự diễn biến". Thành thử, "tự diễn biến" luôn chứa đựng nội hàm rộng hơn, và khi được đẩy lên đến mức phổ biến thì chắc chắn sẽ trực tiếp dẫn thẳng đến làm biến chất chế độ chính trị. Nhìn tổng thể thì có thể thấy âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòngchuyển hoá chế độ ta bằng "diễn biến hoà bình" là hết sức nguy hiểm, trong đó nguy hiểm nhất là khai thác những mầm mống và khả năng "tự diễn biến" để chuyển hoá ta cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đạo đức, lối sống...
Lợi dụng sự kiện các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam. Hướng triển khai của chúng trong thời gian qua là đẩy mạnh hậu thuẫn cho các đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước, trong đó có một số đối tượng ở địa bàn Hà Nội liên kết tập hợp lực lượng, ý đồ kích động biểu tình, bạo loạn gây mất ổn định để lợi dụng can thiệp. Để khuyến khích cho các đối tượng cực đoan liên kết phối hợp hoạt động chống đối, thời gian qua các thế lực thù địch liên tiếp đưa ra các dự luật để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy Việt Nam nới lỏng chính sách mở rộng "dân chủ", "nhân quyền" và "tự do báo chí". Từ 1998 đến nay, Mỹ đã đưa ra 23 luật và nghị quyết về Việt Nam; riêng năm 2005 Mỹ đưa ra 4 dự luật, nghị quyết, trong đó có Dự luật nhân quyền Việt Nam 2005, tiếp tục xếp Việt Nam trong "Danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”.
Được sự hậu thuẫn của Mỹ và các thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong người Việt đẩy mạnh móc nối, liên kết với số chống đối ở trong nước nhằm tạo dựng cơ sở đứng chân nội địa, nhất là cơ sở ở địa bàn Hà Nội để phối hợp trong ngoài phá hoại. Hoạt động của bọn phản động lưu vong tác động vào địa bàn Hà Nội tập trung là gây áp lực đòi Việt Nam cải thiện vấn đề nhân quyền; đưa tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận những thành quả cách mạng Việt Nam; yêu cầu Mỹ trừng phạt Việt Nam, đòi gắn tiến trình hội nhập với vấn đề tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Chúng đã mở các chiến dịch tuyên truyền kích động, đồng thời đưa ra "lộ trình" thực hiện dân chủ ở Việt Nam, và có ý đồ tổ chức biểu tình ở Hà Nội nhằm gây áp lực đòi bầu cử Quốc hội "tự do" có sự giám sát quốc tế. Chúng cử người về nước xây dựng cơ sở móc nối số chống đối và tầng lớp trẻ trong nước, tìm cách phát triển lực lượng; tán phát tài liệu phản động qua mạng bưu chính viễn thông vào địa bàn Thủ đô. Mỗi năm Hà Nội đều phát hiện và ngăn chặn được hàng trăm tài liệu có nội dung phản động, trong đó chủ yếu là tài liệu được tán phát từ Mỹ, Úc, Pháp, Đức... xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kêu gọi "đa nguyên", "tự do tôn giáo"; xuyên tạc, lồng ghép những bài viết của các đồng chí lãnh đạo cách mạng góp ý cho Đảng, Chính phủ để kích động các đối tượng trong nước. Chúng đã tuyên truyền, móc nối được cơ sở ở nội địa và tại địa bàn Hà Nội, đồng thời lôi kéo số kẻ cơ hội chính trị trong nội bộ ta để tạo dựng "ngọn cờ", tập hợp lực lượng chính trị đối lập. Có nhóm đã tìm cách cướp sóng Đài tiếng nói Việt Nam để gây biến động về chính trị.
Một trong những thủ đoạn nguy hiểm của địch là lợi dụng tình trạng tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều vụ gây bức xúc trở thành khiếu kiện đông người để gây rối an ninh trật tự, nhất là vào thời điểm diễn ra các kỳ họp của Quốc hội. Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, vấn đề tham nhũng, tiêu cực đã trở thành nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế độ. Tình trạng tham nhũng, buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp đe doạ nhiều ngành sản xuất kinh doanh nội địa, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng xấu đến bình ổn vật giá, đời sống nhân dân và tác động nhiều mặt đến nội bộ ta. Nhiều vụ tham nhũng, buôn lậu gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước hàng triệu đôla Mỹ như trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng... Quy mô của các vụ tham nhũng ngày càng lớn, có tổ chức, phạm vi rộng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khai thác triệt để cơ chế thị trường, luật pháp thông thoáng, chính sách đa sở hữu. Sai phạm của cán bộ, đảng viên có chức quyền tiếp tục diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lợi dụng chức vụ và những sơ hở trong quản lý kinh tế, nhất là chủ trương cổ phần hoá để trục lợi…
Tình trạng đó đã tác động xấu, tạo xung đột xã hội, gây khiếu nại tố cáo ngày càng phức tạp. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương với thái độ gay gắt, phức tạp tại trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng và phòng tiếp dân của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày một tăng. Hàng năm tại đây tiếp nhận khoảng 6.000 đơn của hàng chục ngàn lượt người khiếu nại, tố cáo. Nhiều đoàn khiếu kiện đeo bám dài ngày ở Hà Nội. Tình trạng các đoàn mang theo cờ, khẩu hiệu gây áp lực với Trung ương rất gay gắt. Gần đây, các thế lực thù địch chú ý lợi dụng tình trạng này để chống phá ta. Số đối tượng cầm đầu, quá khích tìm cách kích động, tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật, mỗi năm có hàng chục vụ, trong số này có một số trường hợp do bức xúc, có trường hợp viết đơn xin xuống đường biểu tình, một số trường hợp doạ tự thiêu.
Một trong những âm mưu, thủ đoạn "ưa thích" của địch là lợi dụng và thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố tiêu cực xuất hiện trong một số cán bộ do động cơ cá nhân dẫn tới bất mãn, thoái hoá biến chất trở thành cơ hội chính trị phản động. Số cán bộ này vốn có khuynh hướng tư tưởng xã hội dân chủ, từng đưa ra những quan điểm đối lập với chủ nghĩa xã hội, với Đảng, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, công khai chống Đảng và chống chế độ xã hội chủ nghĩa, ủng hộ xu hướng tư tưởng dân chủ tư sản. Họ tích cực móc nối với bên ngoài, tìm cách tập hợp lực lượng hình thành tổ chức chính trị đối lập ở trong nước như vận động phục hồi Đảng xã hội, Đảng dân chủ, kêu gọi tổ chức hội nghị "Tiểu Diên Hồng", đấu tranh đòi xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ chính trị, đòi đa nguyên đa đảng. Tại địa bàn Hà Nội, ta đã phát hiện số cán bộ này tuy chưa đến 10 người, nhưng về hoạt động chống phá thì rất công khai, liên kết với bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch thách thức chính quyền, một số đã bộc lộ mục tiêu lật đổ chế độ. Họ cho rằng đã được bên ngoài hậu thuẫn về kinh phí, ủng hộ về tinh thần nên đã liên tiếp dấy lên các hoạt động chống phá, tập trung là đòi "tự do" ngôn luận, đòi tự do tôn giáo và tiến tới đòi "tự do" bầu cử có sự giám sát quốc tế để lật đổ chế độ ta.
Việc lợi dụng sự phân hoá các giai tầng xã hội, giới trẻ, học sinh, sinh viên để tạo sự mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức tư tưởng cũng được các thế lực thù địch đẩy mạnh. Trên thực tế, có nhiều thanh niên, sinh viên không quan tâm đến chính trị, không quan tâm đến mục tiêu lý tưởng, chỉ nghĩ tới học gì để dễ kiếm việc làm, kiếm nhiều tiền. Theo thông tin khảo sát xã hội học gần đây cho biết, có tới 92% số thanh niên được hỏi ý kiến chọn địa vị xã hội, 87% chọn giàu có, 77% số thanh niên chọn nghề có thu nhập cao... làm định hướng cuộc sống. Nhiều học sinh, sinh viên không muốn vào Đoàn thanh niên, vào Đảng. Do không được giáo dục, rèn luyện về ý thức chính trị, lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh nên dẫn đến mơ hồ về chính trị, không ít sinh viên cho rằng cần có đảng đối lập... Thậm chí, một số học sinh, sinh viên tham gia các nhóm, hội đoàn tôn giáo. Trong sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội cũng đã nảy sinh hiện tượng tụ tập sinh viên tổ chức mít -tinh, biểu tình quá khích, không những gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn mà còn có liên quan đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị - xã hội.
Cùng với các cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên, các cuộc biểu tình, đình công trong các xí nghiệp, nhà máy đòi tăng lương, đòi giải quyết những chính sách đối với người lao động phát triển ngày càng nhiều. Mặt tốt của các cuộc biểu tình này là đòi công bằng, đòi thực hiện tốt các chính sách đối với người lao động. Song, mặt trái của nó cũng không ít, và khi bị kẻ thù lợi dụng rất có thể sẽ chuyển hoá thành các cuộc bạo loạn chính trị. Đặc biệt, các thế lực thù địch thường lợi dụng những mâu thuẫn xã hộiđểkích động khiếu kiện, làm bùng nổ những "điểm nóng” trong các vùng dân cư, gây biến động, phá vỡ nền tảng chính trị -xã hội của ta. Những năm gần đây, một vấn đề nổi cộm lên là “an ninh nông thôn và các điểm nóng”. Mỹ và các thế lực thù địch đánh giá “nông thôn Việt Nam là một địa bàn trọng yếu”, từ đó xác định “phải triển khai một hướng chiến lược nhằm vào nông thôn, tập hợp lực lượng nông dân, mất nông dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa chủ yếu”.
Sự yếu kém, quan liêu, xa dân, có sai phạm của tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở ở một số nơi, nhất là trong giải quyết những mâu thuẫn xã hội nảy sinh không kịp thời, để kéo dài… đã tạo cơ hội để các thế lực thù địch tìm cách nhân rộng "điểm nóng". Được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Mỹ, các thế lực thù địch trong nước ráo riết đẩy mạnh hoạt động móc nối với bọn phản động trong các tôn giáo, tuyên truyền phổ biến “kinh nghiệm Thái Bình”, nhằm nhân rộng “phong trào Thái Bình” ra nhiều địa phương khác; tạo ra nhiều “điểm nóng”, hình thành một “mặt trận” ở nông thôn, làm vô hiệu hoá tổ chức đảng và chính quyền ở cơ sở. Tiếp tục, từ nông thôn chúng mở rộng địa bàn lan sang thành thị, mở rộng sang các lĩnh vực khác, thúc đẩy gây biến động chính trị, kinh tế - xã hội; tăng cường áp lực đòi chuyển hoá đường lối, chế độ xã hội của ta, tạo cớ cho sự can thiệp bằng sức mạnh quân sự từ bên ngoài.
"Tự diễn biến" về chính trị là quá trình mà chế độ chính trị tự “đổi màu” do Đảng bị suy yếu từ tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng và tiêu cực…, đặc biệt là tổ chức bị tự phân hoá, Đảng mất vai trò lãnh đạo chính quyền nhà nước, dẫn đến quần chúng mất lòng tin, ngả theo "phe đối lập" với chiêu bài "xã hội dân chủ", đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; chủ nghĩa xã hội sẽ biến dạng, chuyển hoá thành chủ nghĩa tư bản. Kể cả trong trường hợp Đảng và Nhà nước ta kiên định chủ nghĩa xã hội, nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên bất mãn, thì các thế lực thù địch sẽ hậu thuẫn, giúp đỡ để họ tranh thủ quần chúng, hình thành "phe đối lập", tạo dựng "ngọn cờ" thông qua đấu tranh nghị tr­ường, gây sức ép từng bước buộc ta nhượng bộ, và cuối cùng dẫn đến mất chế độ. Các hình thức chuyển hoá này là trực tiếp, nhưng khó xảy ra nếu đội ngũ cán bộ chủ trì của Đảng và Nhà nước vững mạnh, đoàn kết, luôn cảnh giác đấu tranh với các thủ đoạn chia rẽ của kẻ thù. Điều đó càng cho thấy, chống "diễn biến hoà bình" phụ thuộc rất lớn vào chống "tự diễn biến".
"Tự diễn biến" về kinh tế là cơ sở hạ tầng kinh tế do những trì trệ, yếu kém hoặc sự dễ dãi chấp nhận "giúp đỡ" một cách vô nguyên tắc mà chuyển hoá thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, từ đó chế độ chính trị tự “đổi màu”. Sự chuyển hoá này sẽ diễn ra nếu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm phát huy tác dụng, nền kinh tế gặp khó khăn lớn, thành phần kinh tế nhà nước không giữ được vai trò chủ đạo, sự quản lý kinh tế của Nhà nước không hiệu quả. Các thế lực thù địch sẽ thúc đẩy kinh tế thị trường tự do phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, đến một giai đoạn nào đó, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa giữ vai trò chi phối cơ sở hạ tầng kinh tế, về thực chất đã chuyển hoá thành kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì kiến trúc thư­ợng tầng xã hội chủ nghĩa chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và thực sự đã “đổi màu”. Tính chất "tự diễn biến" nổi rõ ở chỗ ta mắc những sai lầm, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, hoặc kinh tế có tăng trưởng nhưng lệ thuộc vào kinh tế tư bản; công bằng xã hội bị chà đạp, phân cực xã hội gay gắt, quần chúng nhân dân bất mãn, chống đối. Quá trình "tự diễn biến" này càng nguy hiểm trong điều kiện các thế lực thù địch có tiềm lực kinh tế mạnh hơn ta nhiều lần.
"Tự diễn biến" về xã hội là quá trình mà những tác động của mặt trái kinh tế thị trường làm cho sự phân hoá giàu nghèo gia tăng, giữa các giai cấp và tầng lớp xã hội, nhất là nhân dân lao động nói chung, thiếu sự gắn bó mật thiết về phương diện ý thức và tổ chức cộng đồng. Điều đó sẽ làm nảy sinh những mâu thuẫn xã hội mới rất phức tạp, nếu Đảng và Nhà nước chậm có những giải pháp thiết thực, đồng bộ thì rất có thể làm chuyển hoá những mâu thuẫn xã hội thành mâu thuẫn chính trị, xảy ra những biến động bất ổn về chính trị ngay trong các quan hệ xã hội. Các cuộc khiếu kiện đông người đòi giải quyết sách xã hội đơn thuần là bình thường, song khi bị kẻ thù lợi dụng rất có thể sẽ chuyển hoá thành các cuộc bạo loạn chính trị khi các thế lực thù địch lợi dụng làm bùng nổ "điểm nóng” gây biến động, phá vỡ nền tảng chính trị của chế độ ta.
"Tự diễn biến" về văn hoá - giáo dục - đào tạo thể hiện ở sự du nhập quan điểm, tư tưởng, văn hoá, lối sống, giá trị phương Tây. Một mặt, các thế thế lực thù địch thông qua các chương trình đưa cán bộ ta ra nước ngoài học tập, nghiên cứu bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhất là nguồn tài trợ nước ngoài, hòng tạo ra một “thế hệ cán bộ thân phương Tây”, sau này nắm dần các cương vị trọng yếu trong nền kinh tế - xã hội và thậm chí trong hệ thống chính trị. Mặt khác, thông qua việc hợp tác đào tạo tại Việt Nam, chúng ra sức truyền bá các quan điểm xa lạ hòng gạt bỏ hệ tư tưởng cách mạng trong lập trường của giai cấp công nhân ta. Về lĩnh vực văn hoá cũng vậy, sự đề cao quá đáng chuẩn mực giá trị tư sản, hạ thấp giá trị của chủ nghĩa xã hội, đổ lỗi hoàn toàn cho chế độ chính trị về những tiêu cực trong đời sống văn hoá xã hội, hiện tượng xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, gieo rắc sự hoài nghi, hoang mang trong nhân dân, thậm chí lợi dụng các phương tiện truyền thông để truyền bá đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập... cũng chính là "tự diễn biến".
Để đẩy mạnh sự nghiệp đấu tranh phòng, chống "diễn biến hoà bình", rõ ràng trước hết cần có cơ thể xã hội lành mạnh, trong đó đặc biệt quan trọng là xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên vững mạnh về mọi mặt, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước hết, cần tập trungxây dựng các cơ sở chính trị vững mạnh để đủ sức phòng, chống "diễn biến hoà bình" của địch, nhất là chống lại nguy cơ tự diễn biến. Thứ hai, cần có các giải pháp hiệu quả để tăng cường công tác giáo dục cho nhân dân, trong đó giáo dục chính trị chiếm vị trí cực kỳ quan trọng. Để chống lại thủ đoạn tuyên truyền kích động "diễn biến hoà bình" của địch, dứt khoát phải có những biện pháp mạnh trong quản lý và phát huy hiệu quả hệ thống truyền thông. Thứ ba, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của bản thân các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống "tự diễn biến". Để thực hiện phòng, chống "diễn biến hoà bình” cũng như phòng, chống "tự diễn biến", cần thấy rằng phương châm quan trọng nhất là phòng hơn chống, giải quyết các bức xúc, tiêu cực xã hội từ nội bộ, không để dẫn đến “điểm nóng” lan rộng trong xã hội mà kẻ thù có thể lợi dụng gây tình hình phức tạp. Các tổ chức xã hội cần góp phần tích cực kịp thời phát hiện và dập tắt những luận điệu chiến tranh tâm lý, tuyên truyền xuyên tạc của địch. Đặc biệt, tổ chức đảng cần nắm chắc tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân, phát hiện những thiếu sót trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để giải quyết kịp thời./.





1 nhận xét:

  1. Hiện nay “Diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là âm mưu, thủ đoạn đặc biệt nguy hiểm của các thế lực thù địch. Do đó cần phải nâng cao cảnh giác, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn này của chúng.

    Trả lờiXóa