Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020

ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG BIỂU HIỆN “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” NỘI BỘ TRONG THỜI GIAN TỚI



Văn Chuyền

Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội, v.v... làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.
Nhận rõ tính chất nguy hiểm của biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những năm qua, trong nhiều kỳ đại hội, hội nghị Trung ương, Đảng ta từng cảnh báo về tình trạng này. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta chỉ rõ: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. Tiếp đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khoá XI) đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện cụ thể về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc”. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Do vậy, Trung ương yêu cầu phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng một lần nữa chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Những năm tới, Đảng ta yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần tập trung nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Biểu hiện chuyển hóa chính trị ở Việt Nam xuất hiện từ hai hướng: Một mặt, đó là âm mưu và hoạt động tác động chuyển hóa chính trị của các thế lực thù địch. Mặt khác, đó là sự “tự chuyển hóa” chính trị của nội bộ ta. Hai hướng này có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau. Yếu tố bên ngoài thúc đẩy, tạo điều kiện cho yếu tố bên trong; yếu tố bên trong tạo sự chú ý và điều kiện thuận lợi cho yếu tố bên ngoài. Trong đó, “tự chuyển hóa” bên trong sẽ quyết định sự thay đổi về chính trị nên hết sức nguy hiểm. Do vậy, phương châm, nguyên tắc bảo đảm an ninh nội bộ, phòng, chống chuyển hóa chính trị phải chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là trước tiên.
 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực, làm mất dần các chuẩn mực của người cộng sản, dẫn đến xa rời những nguyên tắc, quan điểm mácxít; suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến khi những yếu tố cách mạng, tích cực bị phai nhạt, triệt tiêu, tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa tăng dần, thắng thế, lúc đó sẽ dẫn đến sự “tự chuyển hoá” cán bộ, đảng viên từ người tốt trở thành phần tử chống đối Đảng, Nhà nước. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ các cơ quan, tổ chức; một bộ phận trong đội ngũ trí thức, luật sư, báo chí, văn nghệ sĩ bộc lộ tư tưởng muốn thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ dẫn đến tổ chức bị suy thoái, tự tan rã. Khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hoá từ chế độ xã hội chủ nghĩa sang chế độ tư bản chủ nghĩa.
Bởi vậy, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác làm. Từng cán bộ, đảng viên từ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì cả tổ chức sẽ chuyển động”.
Quán triệt tinh thần đó, để đấu tranh ngăn chặn tình trạng “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị - tư tưởng, chúng ta cần phải tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và những hạn chế không thể tránh khỏi trên con đường phát triển.
Hai là, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ba là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, có tính định hướng đúng đắn nhằm cung cấp thông tin chính thống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề kinh tế, chính trị, đối ngoại… quan trọng của đất nước; chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần đến những chủ trương, giải pháp hành động mạnh mẽ, đồng bộ. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải bắt đầu “tu thân”, phải học làm người rồi mới làm cán bộ như Bác Hồ đã dạy. Tăng cường kỷ luật, pháp luật, sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí và quản lý cán bộ, bảo đảm lựa chọn đúng người có đức, có tài vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo các cấp; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học để cán bộ, công chức không có điều kiện sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức. 
Bốn là giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”. Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đồng thời tích cực đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong của các thế lực thù địch, nhất là trên mặt trận tư tưởng, lý luận; tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức, xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các lực lượng tham gia đấu tranh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận; quan tâm đầu tư những điều kiện đảm bảo cho cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng ngày càng hợp lý, có hiệu quả. 
 Năm là, nêu cao đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực ngay trong cơ quan, đơn vị mình, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Cuối cùng là sự kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng cho ta mạnh lên về mọi mặt là chính, nhất là giữ vững ổn định chính trị và định hướng XHCN; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại. Chăm lo xây dựng nhân tố con người, nâng cao khả năng “tự bảo vệ” trước những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nâng cao “sức đề kháng” của mọi cán bộ, đảng viên trước tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập. Đây là biện pháp tốt nhất, tích cực chủ động nhất để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

1 nhận xét:

  1. Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần quyết liệt, kịp thời, đem lại kết quả cụ thể.

    Trả lờiXóa