Quyết tâm làm trong
sạch Đảng không chỉ thể hiện bằng lời nói, bằng những câu khẩu hiệu chung chung
mà phải được hiện thực hóa.
Tại phiên bế mạc Hội
nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thật buồn khi
nhắc đến con số hơn 70 cán bộ cao cấp diện Trung ương quản lý và 7 tổ chức Đảng
bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay. Trong đó, có cả Ủy viên Bộ
Chính trị, Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương. Có nguyên Phó Thủ
tướng, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy,
tướng lĩnh trong Công an, Quân đội…
Đây không phải lần đầu,
người lãnh đạo cao nhất của Đảng đau xót khi đề cập việc xử lý cán bộ dưới
quyền bởi đó là việc “không thể không làm”, giống như Hồ Chủ tịch đã từng có
những “đêm trắng” khi phải xử tử một ông “quan cách mạng” trong thời chiến.
Hơn 70 cán bộ diện
Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật khiến người ta nhớ đến những gương mặt mà
hôm qua còn đứng trên bục diễn thuyết về đạo đức cách mạng, về sự tha hóa-biến
chất từ bên trong, về sự liêm chính cần phải có của người cộng sản… nhưng nay,
họ bẽ bàng nhận các hình thức kỷ luật, thậm chí phải ngồi gặm nhấm nỗi ân hận
trong các nhà giam tăm tối.
Việc xử lý một số lượng
lớn cán bộ cao cấp trong thời gian qua nói lên điều gì? Câu trả lời chắc chắn
là: nhiệm kỳ này quyết tâm hơn nhiệm kỳ trước. Không quyết tâm thì không thể xử
lý được bởi đó không chỉ là những người “đồng chí” mà còn là những người từng
có quá trình phấn đấu, từng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của đất nước
hôm nay. Sự quyết tâm ấy bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất đất nước, như nhân
dân từng ví: “người đốt lò” vĩ đại.
Nhìn lại số cán bộ bị
xử lý kỷ luật, dù có nhiều sai phạm khác nhau nhưng tựu chung cũng chỉ xoay
quanh hai chữ “Quyền” và “Tiền”. Lạm quyền, lộng quyền trong các quyết định
liên quan đến tài sản của nhà nước, của nhân dân. Lạm quyền, lộng quyền trong
công tác cán bộ, đưa những người thân quen, cánh hẩu vào những vị trí không
xứng đáng. Thế mới có tình trạng hàng trăm, hàng ngàn tỷ của nhân dân bị thất
thoát chỉ bằng một chữ ký, bút phê. Thế mới có tình trạng chỉ một mình Vũ
“nhôm” mà kéo cả “dây” cán bộ sai phạm hay Trịnh Xuân Thanh, từ một cán bộ bị
kỷ luật lại đươc quy hoạch đến thứ trưởng…
Nếu quyền quá lớn, lại
không có khả năng “miễn dịch” với những “viên đạn bọc đường” thì sự tha hóa, hư
hỏng của cán bộ là không thể tránh khỏi.
Phòng bệnh hơn chữa
bệnh. Xử lý cán bộ là khâu cuối cùng. Cái quan trọng hơn là ngăn ngừa được sai
phạm để cán bộ muốn “hư hỏng”, muốn tha hóa cũng không được.
Muốn vậy, quyết tâm làm
trong sạch Đảng không chỉ thể hiện bằng lời nói, bằng những câu khẩu hiệu chung
chung mà phải hiện thực hóa bằng các quy định của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước, bằng các điều luật được sửa đổi tại Quốc hội hay những Chỉ thị,
nghị quyết của Chính phủ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Quy định của Đảng nêu rõ
những biểu hiện “hư hỏng” để nhân dân dễ nhận diện, dễ phát hiện. Chẳng hạn như
27 biểu hiện suy thoái, Quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là những cán bộ
thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay Ban chấp hành Trung ương... Gần đây nhất là
Quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền và Kết luận của Bộ
Chính trị về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng…
Đặc biệt, với công tác
phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều
lần yêu cầu, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể
chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, phấn đấu đến hết
nhiệm kỳ này, cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ
để “không thể tham nhũng”.
Hơn 70 cán bộ cao cấp
dù chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong tổng số khoảng 53.000 đảng viên bị xử lý kỷ
luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhưng đó là đội ngũ tinh hoa, là những người đã
được lựa chọn kỹ. Bởi vậy, như người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã nói: “đó là
bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.
50
năm trước, trong bản Di chúc vẻn vẹn hơn 1000 từ mà lãnh tụ kính yêu Hồ Chí
Minh để lại, điều đầu tiên, trước hết mà Người canh cánh là công tác xây dựng
và chỉnh đốn Đảng, giữ gìn sự trong sạch của một đảng cầm quyền. Việc chỉnh đốn
Đảng, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm chắc chắn sẽ không làm
“chậm lại” sự phát triển của Đảng bởi đó là một yêu cầu khách quan.
Xử lý những cán bộ tha hoá rất đau xót, nhưng vẫn phải làm để giữ vững Đảng ta thật trong sạch
Trả lờiXóa