Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN QUÂN ĐỘI TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI



                                                                                               
Tệ nạn xã hội (TNXH) một hiện tượng xã hội tiêu cực, có tính chất phổ biến, biểu hiện bằng những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và gây quả nghiêm trọng trong đời sống cộng đồng. Bản chất của tệ nạn xã hội là xấu xa, trái với nếp sống văn minh, trái với đạo đức, bản chất của chế độ XHCN.

Tệ nạn xã hội là biểu hiện cụ thể của lối sống thực dụng, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật, làm sói mòn các các giá trị đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, có tính phổ biến, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Tệ nạn xã hội biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau như: mại dâm, ma tuý; cờ bạc, lô đề, cá độ, vay nặng lãi; mê tín, dị đoan… Một số loại TNXH như mại dâm, ma túy đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tập trung nhiều ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng; Đông Nam bộ; Đồng bằng Sông Cửu Long; các tội phạm liên quan đến mại dâm như: chứa chấp, môi giới mại dâm; mua dâm người chưa thành niên; đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội. Bên cạnh đó, trên cả nước có 200.134 người nghiện ma túy, xuất hiện ở mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, song chủ yếu ở lớp trẻ: 76% trong số người nghiện có độ tuổi dưới 35 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 25 tuổi, trong đó 8% sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi dưới 18 tuổi. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm soát của cơ quan chức năng.
Có thể thấy, TNXH đe dọa trực tiếp tới bản thân, gia đình và sự phát triển của xã hội; là tiền đề, là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, có thể dẫn đến mất ổn định về anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, có thể là điều kiện xấu để các thế thực thù địch phá hoại đất nước từ bên trong.
Nhận thức được tác hại tiêu cực của các TNXH cũng như ảnh hưởng của nó đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các quy định, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về phòng, chống TNXH. Những năm qua QUTW, Bộ Quốc phòng, cấp ủy chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có có nhiều chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ảnh hưởng của TNXH như cờ bạc, số đề, cá độ, vay nặng lãi và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, những nỗ lực khắc phục đó chưa đáp ứng được với yêu cầu xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Các TNXH đang thâm nhập, ảnh hưởng vào các cơ quan, đơn vị, nhà trường quân đội, mà trực tiếp là lực lượng thanh niên quân đội với nhiều thủ đoạn mới, tính chất ngày càng tinh vi hơn, hậu quả ngày càng nặng nề hơn.
Thời gian tới xu hướng diễn biến tình hình TNXH nói chung giảm nhưng chưa triệt để.Tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn, xuất hiện TNXH có yếu tố quốc tế, có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng công nghệ cao. Thủ đoạn hoạt động tinh vi, phương thức hoạt động xảo quyệt, manh động, liều lĩnh. Mức độ hậu quả gây ra cho xã hội ngày càng lớn. Thành phần tham gia TNXH đa dạng, phức tạp, có xu hướng trẻ hóa độ tuổi. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên nói chung, thanh niên quân đội nói riêng trong đấu tranh phòng chống TNXH, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; các quy định, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về phòng, chống TNXH như: Chỉ thị số 33-CT/TƯ ngày 01/03/1994 của BCHTW Đảng (khóa VII) về lãnh đạo phòng, chống các TNXH; Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Nghị định số 53/CP ngày 28/06/1994 của Chính phủ về các biện pháp xử lý đối với cán bộ, viên chức nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma túy, cờ bạc và say rượu bê tha; Quy định số 04/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về xử lý các hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... đây là những căn cứ, cơ sở pháp lý để đấu tranh khắc phục các TNXH tác động vào môi trường quân đội; đồng thời trang bị kiến thức cho đoàn viên thanh niên nắm và hiểu biết sâu sắc về pháp luật Nhà nước, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các TNXH. 
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục về ý thức, thói quen tự giác tuân thủ pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, cũng như tác hại và các biện pháp cơ bản trong phòng, chống TNXH cho thanh niên. Nhằm thống nhất nhận thức và hành động, nâng cao khả năng “tự miễn dịch” cho thanh niên trước những tác động của TNXH.
Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, thực sự là trường học trong quân đội, đội dự bị tin cậy của Đảng. Coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt và hoạt động phù hợp với tâm lý tuổi trẻ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự quản của đoàn viên, thanh niên; chủ động phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, cán bộ trẻ.
Bốn là, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Thanh niên Quân đội rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, quyết thắng” và các phong trào do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Phong trào Thi đua Quyết thắng của quân đội.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh,  bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách của thanh niên và nâng capo nhận thức về tác hại của TNXH.
Sáu là, đề cao vai trò tự tu dưỡng, tự rèn luyện của mỗi thanh niên; đồng thời phối hợp chặt chẽ với hậu phương gia đình và địa phương nơi đóng quân để ngăn chặn và khắc phục ảnh hưởng của các TNXH tác động vào thanh niên quân đội.  
Khắc phục TNXH tác động vào môi trường quân đội hiện nay là một vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cấp ủy, người chỉ huy, các cơ quan chức năng, các lực lượng tham gia phải có chủ trương đúng và những biện pháp cụ thể, phù hợp, kiên quyết nhưng cần kiên trì, đồng thời phải phát huy tốt vai trò trách nhiệm của đội ngũ đoàn viên thanh niên có như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân phải tích cực đấu tranh chống những tệ nạn xã hội

    Trả lờiXóa