Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM



          Gần đây, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và không ít trang web trong và ngoài nước rêu rao rằng: ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; Hà Nội “bắt bớ nhiều blogger”...
Điển hình như: Báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện EU; Báo cáo thường niên, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế; Báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), của tổ chức Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ)... Trong báo cáo năm nay, mặc dù không thể không thừa nhận Việt Nam đã có “tiến bộ về dân chủ, nhân quyền”, nhưng vẫn xuyên tạc tình hình, vu cáo Nhà nước vi phạm “tự do báo chí”, “đàn áp, bắt giữ trái phép các blogger”... Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.
          Những thủ đoạn, mưu đồ chống phá của chúng, trước hết là xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát qua internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các đối tượng còn tác động đến Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên,... với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Một số phần tử còn tác động vào các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ, Anh, Canađa,… tổ chức điều trần, hội thảo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam nhằm tác động Liên hợp quốc ra nghị quyết bất lợi đối với nước ta. Trên lĩnh vực báo chí, một số đối tượng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
          Về khái niệm tự do báo chí, xin được khẳng định lại quan điểm của cộng đồng Quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966. Điều 19 quy định như sau:
          1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
          2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
          3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:
          a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
          b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng.”
          Như vậy, bên cạnh quyền tự do báo chí, ngôn luận, còn bị hạn chế bởi quy định là: không được vi phạm “quyền, uy tín cá nhân” (người khác); không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng. Chẳng hạn, một kẻ đưa tin một ai đó có hành vi tham nhũng nhưng không có bằng chứng là vi phạm quyền và uy tín cá nhân; một kẻ đưa tin về một lực lượng quân sự nào đó vi phạm chủ quyền quốc gia, nhưng không có sự thật, làm tổn thương đến quan hệ quốc tế, là vi phạm an ninh quốc gia đó; hoặc có kẻ đưa những hình ảnh về tệ nạn xã hội có thể làm hại đến môi trường văn hóa của một đất nước... Như vậy, cần phải hiểu đầy đủ khái niệm tự do ngôn luận, tự do báo chí cả về nội dung tư tưởng, chính trị và văn hóa.
          Cho đến nay, hành lang pháp luật về báo chí của Nhà nước ta đã đầy đủ với tư duy mới về quyền con người, bảo đảm đầy đủ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bao gồm cả tự do internet, mạng xã hội.
          Luật Báo chí của Việt Nam (2016) quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; có nhiệm vụ, quyền hạn: tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Luật báo chí cũng có những quy định cấm báo chí không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, v.v.
          Nghị định số 13/2118/NĐ-CP, ngày 23-01-2018 của Chính phủ quy định về chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin; trong đó, Điều 4 quy định như sau: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm "Cung cấp thông tin theo yêu cầu cho công dân thông qua tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục nhất định. Trong điều kiện internet, mạng điện tử như hiện nay, Nghị định yêu cầu bảo đảm đảm quyền tiếp cận thông tin qua các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trừ những thông tin mật, người dân có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin cho mình, không có bất cứ điều kiện nào.
          Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hệ thống các cơ quan báo chí (bao gồm báo viết, báo nói, báo hình) của Việt Nam đến nay phát triển khá đồng bộ. Theo thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 857 cơ quan báo chí, gồm: 199 cơ quan báo chí in, 658 tạp chí (trong đó có 105 báo, tạp chí điện tử); 01 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; một kênh thông tin quan trọng tạo ra sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hơn thế nữa, báo chí còn là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đó là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt” quyền tự do báo chí của nhân dân. Trong khi đó, quyền tự do ngôn luận báo chí ở các nước nói chung, ở Hoa Kỳ nói riêng cũng bị hạn chế, báo chí không được “vu cáo, nhục mạ, tục tằn và vô đạo đức”; “không được  tuyên truyền và xúi giục bạo động gây xáo trộn sự an bình xã hội, nhất là những ngôn ngữ đó có phương hại đến nền an ninh quốc gia”.
          Ở Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Nhà nước Việt Nam đã tập trung xử lý các đối tượng lợi dụng phương tiện này để phục vụ cho mưu đồ chống phá, vi phạm quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân theo pháp luật Việt Nam, điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đối với nhiệm vụ chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta luôn xem báo chí là một lực lượng chính trị quan trọng. Thông qua báo chí, đấu tranh với tệ tham nhũng, đưa ra công luận những vụ việc, cán bộ có hành vi tham nhũng. Đồng thời, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, những nguyên nhân từ các quy định trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần diệt trừ tận gốc tệ nạn này.
          Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, chúng ta cần:
          Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí, truyền thông và công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí chống phá Việt Nam. Đồng thời, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan báo chí, truyền thông, ở cả bốn khâu: Định hướng phát triển; định hướng nội dung; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt coi trọng công tác rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý báo chí; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền thông.
          Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí, truyền thông, quản lý internet, mạng xã hội; tăng cường cơ chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trong công tác chỉ đạo, quản lý trên lĩnh vực này. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp; các chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe những biểu hiện vi phạm. Hiện nay, mạng xã hội đang có tác động lớn đến xã hội, nhất là mạng YouTube (của Google). Được biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhiều lần làm việc với đại diện của Google, yêu cầu bóc những tin bài sai sự thật, nhưng hiệu quả vẫn còn thấp, còn nhiều tin bài xấu, không phản ánh trung thực tình hình Việt Nam. Biện pháp căn bản là quán triệt, tuyên truyền từ người xem, người nghe, người đọc, nhẹ dạ cả tin, không nghe, không tin những tin bài đó.
          Ba là, cán bộ làm công tác báo chí phải làm tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Do đó, mỗi nhà báo cần không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt Luật Báo chí và các quy định của pháp luật trên lĩnh vực báo chí; hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, đã và đang xuất hiện tình trạng báo chí viết bài không để chuyển tải nội dung tư tưởng, chính trị, văn hóa chính thống, mà vì “câu view” “câu like” và mong muốn có nhiều người đọc,  nhiều like, được nhiều view. Bởi vậy, báo chí không chỉ phòng ngừa xu hướng này mà còn đưa ra những giải pháp kỹ thuật ngăn chặn.
          Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Qua đó, chủ động phát hiện những hành vi sai phạm, xu hướng lệch lạc ở các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên, nhà báo để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đặc biệt, qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiên quyết đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý đối với những người không đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền đối nội và đối ngoại, qua nhiều kênh và nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú làm cho cộng đồng quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Qua đó, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, góp phần đấu tranh hiệu quả các luận điệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
          Tự do ngôn luận báo chí đối với các chế độ xã hội và nhà nước là một điều kiện bảo đảm quyền con người. Hơn thế nữa còn là một điều kiện quan trọng để phát triển xã hội về các mặt, từ tư tưởng, chính trị đến kinh tế, xã hội và văn hóa. Một xã hội không có tự do ngôn luận, báo chí, như có người nói - đó là “một xã hội đã chết lâm sàng”. Tự do ngôn luận, báo chí của người dân Việt Nam đã được hiến định bảo đảm bằng một hệ thống pháp luật minh bạch. Mọi luận điệu xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam cần phải bị bác bỏ, lên án./.


1 nhận xét:

  1. Mỗi chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng

    Trả lờiXóa