Bao giờ cũng vậy, cứ sắp đến Đại hội Đảng, các
thế lực thù địch lại nhân danh đổi mới, dân
chủ rêu rao rằng: “Đa đảng tốt hơn một đảng vì các đảng sẽ phải cạnh tranh nhau
trong việc giành phiếu bầu của người dân. Đảng nào lạm quyền sẽ bị các đảng
khác tố cáo, người dân sẽ không bỏ phiếu ủng hộ nữa. Như vậy, người dân sẽ giám
sát được quyền lực nhà nước, đó mới thực sự là dân chủ”.
Các thế lực thù địch còn bịa đặt, vu cáo rằng,
ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử, có chăng chỉ là hình
thức; vì thực hiện cơ chế “Đảng cử, dân bầu”, hầu hết đại biểu
được đề cử đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể gọi là có dân
chủ được… Từ đó, họ quy kết rằng, nguyên nhân sâu xa là do duy
trì thể chế độc đảng toàn trị và họ tung hô, cổ súy cho ế độ dân chủ
đa nguyên, kêu gọi thực hiện đa đảng đối lập; hết lời tán dương, ca tụng rằng:
“Thể chế chính trị tiến bộ của thời đại đang được các dân tộc văn minh trên thế
giới thực hiện rất thành công trong việc gây dựng hạnh phúc, giữ gìn phẩm giá
cho nhân dân và phú cường cho đất nước chính là chế độ dân chủ đa nguyên”.
Cần khẳng định ngay rằng, những luận điệu trên là một
sự ngụy tạo, xuyên tạc trắng trợn, vu khống, hàm hồ, bóp méo sự thật của các
thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dọn
đường cho sự hình thành tư tưởng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, đưa
Việt Nam phát triển theo “khuôn mẫu” của các nước phương Tây. Đồng thời, khẳng
định một cách chắc chắn rằng, hiện nay ở Việt Nam không có cơ sở xã hội cho chế
độ đa nguyên, đa đảng và chế độ đó không phải là sự lựa chọn của Đảng và Nhân
dân ta, càng không phải là cây đũa thần để đưa Việt Nam cất cánh, mở ra một kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên dân chủ thực sự như Bùi Tín và những kẻ cơ hội chính trị
thường rêu rao trên các trang mạng xã hội. Đó chẳng qua chỉ là sự mơ hồ, ảo
tưởng, là “cái bánh vẽ” mà thôi.
Cần khẳng định dứt khoát rằng “đa nguyên, đa đảng”
không phải là yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất đảm bảo dân chủ đích thực cho
Nhân dân. Chế độ một đảng hay nhiều đảng, không phải là dấu hiệu của dân chủ
hay không dân chủ. Không phải cứ đa đảng thì dân chủ, còn một đảng thì không
dân chủ. Bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là phải bảo đảm sao cho quyền lực
thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Theo đó, thể chế chính
trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số
Nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không
phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, từ khi ra
đời đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tròn vai trò, sứ mệnh mà dân tộc,
nhân dân giao cho, đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh lật đổ chế độ thực dân,
phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong bối cảnh bị thực dân
khủng bố, đàn áp dã man, hàng vạn đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị bắn
giết, tù đầy nhưng Đảng vẫn trung thành với mục tiêu lý tưởng, với lợi ích của
Nhân dân, của dân tộc, kiên cường lãnh đạo cách mạng đến thành công, trong khi
các đảng phái chính trị khác hoặc đầu hàng, hoặc tan rã. Ngay sau khi đất nước
ta giành được độc lập, các thế lực thực dân, đế quốc quay trở lại xâm lược nước
ta một lần nữa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta anh dũng chiến
đấu, giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ xâm lược trong suốt 30 năm, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên
chủ nghĩa xã hội.
Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc
trước đây, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đảng viên của Đảng là
những người tiêu biểu về phẩm chất và năng lực, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi
phong trào, hoạt động cũng như trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách và pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tin yêu, tín nhiệm, giới
thiệu bầu làm đại biểu Quốc hội với tỷ lệ cao cũng là lẽ tự nhiên. Hơn nữa, dù
ứng cử viên là người của tổ chức Đảng giới thiệu, nhưng cũng phải qua đầy đủ
các bước hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, tiến hành
bầu cử công khai, bình đẳng theo quy định của Luật bầu cử; nghĩa là được sàng
lọc qua nhiều bước và cuối cùng Nhân dân sẽ quyết định thể hiện sự tín nhiệm
bằng chính lá phiếu của mình, đó là điều mấu chốt. Như vậy, ở đây không có chuyện
“Đảng cử, dân bầu”, mà trong bầu cử, mọi đảng viên và người dân bình thường đều
bình đẳng trước pháp luật.
Tất cả những lập luận trên để khẳng định rằng: Đa đảng
không phải là đòi hỏi của thực tiễn, của lịch sử như một số đối tượng vẫn
thường rêu rao, kêu gọi. Mà thực chất, đó chỉ là cái vỏ bọc hòng che giấu mục
đích xấu xa của chúng là: Lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm
chệch hướng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Chúng ta cần hết sức cảnh giác
với những luận điệu đó.
Trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa