Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến
thắng của quân đội ta. Từ những đội vũ trang đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định
nguyên tắc Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang để nắm chắc lực lượng này. Theo đó,
“Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương
Quân ủy của Đảng Cộng sản”, “luôn giữ vững quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng
trong tự vệ thường trực”. Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của
quân đội ta cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đảm bảo cho
quân đội ta giữ vững bản chất giai cấp và sức mạnh chiến đấu để hoàn thành mọi
nhiệm vụ.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc, là quy luật xây
dựng quân đội kiểu mới, là nhân tố cơ bản quyết định sự trưởng thành và chiến
thắng của quân đội ta. Do đó, kẻ thù luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ định sự
lãnh đạo của Đảng với quân đội, đối lập quân đội với Đảng, Nhà nước. Từ lâu,
các thế lực thù địch đã ngấm ngầm đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị
hóa” quân đội, hòng làm cho quân đội ta biến chất về chính trị, phai nhạt mục
tiêu, lý tưởng cách mạng.
Vì sao vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội ta là mục tiêu
hàng đầu của các thế lực thù địch trong thực hiện âm mưu, thủ đoạn “phi chính
trị hóa” quân đội. Cả lý luận và thực tiễn lịch sử đã cho thấy trong xã hội có
giai cấp, giai cấp cầm quyền đều trực tiếp nắm quân đội và sử dụng nó làm công
cụ để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình, giữa quân đội và chính trị có mối quan
hệ không thể tách rời. V.I.Lênin chỉ rõ: “Cả Đảng dân chủ - lập hiến lẫn chính
phủ đều theo đuổi những lợi ích riêng trong vấn đề quân đội. Bọn sát nhân cần
đến quân đội làm công cụ tàn sát. Bọn tư sản tự do chủ nghĩa cần đến quân đội
để bảo vệ nền quân chủ tư sản…”, nên luận điệu cho rằng “quân đội phải đứng
ngoài chính trị” chỉ là sự “che giấu những nguyện vọng thật sự của giai cấp tư
sản”. V.I.Lênin khẳng định, “trong cách mạng bạo lực phải có quân đội cách mạng
để tiến hành khởi nghĩa. Không có quân đội cách mạng thì không thể giành thắng
lợi trong cách mạng”, mặt khác, “Nói đến khởi nghĩa, nói đến lực lượng khởi
nghĩa, mà không nói tới quân đội cách mạng là lố bịch và lẩm cẩm, nhất là trong
lúc quân đội phản cách mạng đã được huy động và chống lại các lực lượng cách
mạng”. Vì vậy, quân đội “phi chính trị” hay quân đội đứng ngoài chính trị,
trung lập về chính trị chỉ là sự lừa dối với đúng nghĩa của từ này. Với ý nghĩa
đó, quân đội không thể đứng ngoài giai cấp, bởi trên thực tế sẽ không có và
không thể có quân đội phi giai cấp.
Từ khi thành lập đến nay, quân đội ta
luôn khẳng định là công cụ bạo lực không chỉ trong giành và giữ chính quyền, mà
còn là lực lượng đặc biệt để trấn áp “bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động
chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”. Vì
vậy, để “phi chính trị hóa” quân đội ta thì mục tiêu hàng đầu, trọng tâm, xuyên
suốt của các thế lực thù địch là vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng.
Hằn học trước những thành tựu to lớn,
có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, các thế lực thù địch
càng ra sức chống phá ta bằng mọi thủ đoạn. Chúng sử dụng các biện pháp, kết
hợp nhiều thủ đoạn, triệt để lợi dụng mọi cơ hội để thực hiện “tiến công ngầm”
một cách tổng hợp, toàn diện trên mọi lĩnh vực theo phương châm “lấy chính trị
làm đột phá; kinh tế là mũi nhọn; dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền làm
ngòi nổ; quân sự giữ vị trí răn đe; ngoại giao là áp lực hỗ trợ”, trong đó tiến
công về chính trị tư tưởng là then chốt nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng
đối với quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, làm mất lòng tin giữa dân
với Đảng, với quân đội, từ vô hiệu hóa sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội để thay đổi chế độ
chính trị.
Các thế lực thù địch ý thức rằng, phải
sớm xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng thì mới xóa bỏ được vai trò lãnh đạo của
Đảng, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội. Vì thế, chúng tiến công quyết liệt vào nền tảng
tư tưởng bằng cách đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc
phủ nhận, xuyên tạc với luận điệu “Chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý
tưởng…” nên việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là không tưởng, không hiện thực, không
thức thời... Chúng còn cho rằng, sứ mệnh giải phóng dân tộc của Đảng đã hết,
cần thực hiện đa nguyên, đa đảng, “Từ bỏ độc quyền lãnh đạo là vấn đề căn bản
vì đó là then chốt của chế độ dân chủ”. Hiện nay chúng tập trung xuyên tạc
đường lối đổi mới của Đảng ta, chia rẽ quân đội với Đảng.
Ngoài ra, chúng còn lợi dụng việc mở rộng quan
đối ngoại, cũng như những yếu kém trong quản lý kinh tế, xã hội và đời sống khó
khăn để nói xấu Đảng hòng gây mơ hồ, ảo tưởng, làm mất phương hướng, khủng
hoảng niềm tin trong cán bộ, chiến sĩ. Thậm chí chúng còn sử dụng hoạt động
gián điệp để cài cắm, móc nối, mua chuộc để đưa người của chúng vào Đảng và
quân đội để thực hiện phá hoại từ bên trong với hy vọng tạo ra “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ để thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội ta.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang
tìm mọi cách để thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội ta., nhằm vô hiệu hóa sự
lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội tự biến chất, mất đi tính
cách mạng, không còn là công cụ bạo lực của Đảng và Nhà nước ta. Thực tế đó cho
thấy, cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nguyên tắc Đảng lãnh đạo
tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội, tiếp tục vận dụng và phát
triển sáng tạo nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới, phù hợp với đặc điểm và
điều kiện nước ta trong tình mới. Đó là bài học kinh nghiệm từ quá trình tổ
chức và xây dựng quân đội dưới sự lãng đạo của Đảng cần tiếp tục phát huy để
xây dựng quân đội ta thực sự là quân đội cách mạng theo hướng chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới.
Các thế lực thù địch có âm mưu "phi chính trị hóa Quân đội" nhằm tách Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng CSVN, làm cho Quân đội biến chất. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Trả lờiXóa