Trong thời gian vừa qua, tình hình biển Đông và tranh
chấp chủ quyền biển đảo trên biển Đông diễn ra rất phức tạp. Hành động của các
nước, đặc biệt là Trung Quốc đã phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt
Nam trên biển Đông.
Đặc biệt, trong những ngày gần đây, tàu khảo sát Hải Dương 8
của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh
hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành
các hoạt động khảo sát trái phép. Đây là những bước đi nhằm hiện thực
hóa yêu sách Đường 9 đoạn, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế,
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố
về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các hành động của Trung Quốc đe dọa
hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, và trực tiếp “xâm phạm
nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển
Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của Việt Nam, hơn lúc nào hết đặt ra một cách cấp bách. Điều đó đòi hỏi Đảng,
Nhà nước ta phải sử dụng tổng hợp các hình thức, biện pháp trong đấu tranh bảo
vệ chủ quyền biển đảo, trong đó phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng, là nguyên tắc chiến lược trong bảo
vệ chủ quyền biển đảo.
Vận dụng đúng
đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ
chủ quyền biển, đảo Việt Nam, trước hết, chúng ta cần thấm nhuần quan điểm có
tính nguyên tắc - chủ quyền biển, đảo là chủ quyền quốc gia – là thiêng liêng,
bất khả xâm phạm, là cái “bất biến”. Điều đó có nghĩa là giữ vững chủ quyền
lãnh thổ quốc gia là “dĩ bất biến”, còn kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền
bằng các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc
tế, thậm chí bằng biện pháp quân sự là “ứng vạn biến”. Đảng và Nhà nước ta thể
hiện cho nhân dân thế giới thấy chúng ta chỉ muốn hòa bình, lên án mạnh mẽ hành
động phi pháp của các phía, đặc biệt là Trung Quốc.
Thứ hai, trong
đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phải quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà
nước về kiên trì các giải pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế,
tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và các nước trên thế giới. Kiên định
đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng giải pháp “hòa bình”, bằng sức mạnh
tổng hợp: đấu tranh chính trị, ngoại giao, chứng cứ pháp lý, lịch sử và chuẩn
bị cả phương án đưa ra tòa án quốc tế khi cần thiết. Chúng ta kiên trì, tránh
xung đột nhưng khi chủ quyền bị xâm phạm, chúng ta sẵn sàng giáng trả bằng
quyền tự vệ chính đáng. Đồng thời, xử lý thật tốt mối quan hệ toàn vẹn độc lập,
chủ quyền và duy trì hòa bình ổn định. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cố
gắng ở mức cao nhất duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Trong đó, coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác,
đối tác chiến lược toàn diện, giữ hòa hiếu, hòa khí, xây dựng tình đoàn kết hữu
nghị và thực hiện các cam kết đã ký với Trung Quốc.
Thứ ba, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải trên
cơ sở phát huy nội lực của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sức mạnh
nội lực là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong tình hình
hiện nay, muốn tạo sự đồng thuận quốc gia, quy tụ và phát huy sức mạnh toàn dân
bảo vệ chủ quyền biển, đảo, cần phải: 1) Thông tin trung thực, kịp thời để mọi
người dân hiểu biết đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ trên biển; về những mưu đồ, và
hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta; 2) Nâng cao ý thức trách nhiệm
bảo vệ biển, đảo của mỗi người dân; 3) Củng cố niềm tin của nhân dân vào sự
lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; 4) Xây dựng lực lượng vũ trang đặc biệt là hải
quân và cảnh sát biển đủ sức bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống; duy trì thường
xuyên hoạt động của các lực lượng chấp pháp để tiếp tục khẳng định chủ quyền
trên biển, nhất là ở những vùng lãnh hải của Việt Nam đang bị xâm phạm; 5) Phát
triển kinh tế biển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển, và bảo đảm an ninh,
chủ quyền biển, đảo; duy trì bình thường các hoạt động của ngư dân trên vùng biển
thuộc lãnh hải Việt Nam, nhưng phải có phương án thật tốt bảo vệ tính mạng và
tài sản của ngư dân.
Tóm lại, biển, đảo Việt Nam là một bộ
phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự
nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Bảo vệ chủ
quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn
dân, toàn quân ta. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay là lâu
dài, gian khổ, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết, nhưng phải bình tĩnh, kiên
trì, vận dụng đúng đắn phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ
Chí Minh để đi tới thắng lợi cuối cùng là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu,
nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo
Trả lờiXóa