Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

“LÀM VIỆC CẦM CHỪNG” - BIỂU HIỆN CỦA TƯ TƯỞNG “TRUNG BÌNH CHỦ NGHĨA” CẦN PHẢI LOẠI BỎ TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Trong số rất nhiều những biểu hiện của tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” thì “làm việc cầm chừng” đã và đang xuất hiện với tính chất, mức độ, diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi ở cơ quan công quyền nước ta hiện nay.

Những người làm việc cầm chừng ở các cơ quan công quyền hiện nay luôn mang trong mình tư tưởng đứng trong “biên chế Nhà nước” nên dựa dẫm, ỷ lại, an phận thủ thường, không có động lực cống hiến, không có động cơ phấn đấu làm việc hết mình, không nỗ lực để hoàn thành tốt hơn công việc do mình đảm nhiệm, nếu có làm thì chỉ làm cho xong. Họ làm việc cầm chừng hết ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Họ không biết rằng, mình không những đang “giậm chân tại chỗ” mà còn đang dần tụt dốc so với ngay chính bản thân do không hết mình trong công việc và tụt hậu ngày càng xa trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc và sự phát triển của cơ quan, đơn vị.
Đối với mỗi tổ chức đảng, nếu cán bộ, đảng viên có tư tưởng “làm việc cầm chừng” càng nhiều thì tính tiền phong, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng chắc chắn sẽ không cao. Ở một số tổ chức đảng hiện nay, có thể dễ dàng nhận ra có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thể hiện được tính tiền phong, tinh thần nhiệt huyết cách mạng trong công việc, chỉ thích làm việc dễ, nhàn hạ, mang lại nhiều quyền lợi, lảng tránh việc khó, né tránh những nơi khó khăn, gian khổ; chỉ nghĩ tới công việc, quyền lợi của cá nhân mình, không quan tâm đếm xỉa tới công việc, lợi ích của tập thể; làm việc theo giờ hành chính, không tận dụng thời gian ngoài giờ để học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ…. Có không ít cá nhân vào Đảng chỉ với mục đích rất thực dụng là kiếm một chỗ đứng trong “biên chế Nhà nước” đến khi nghỉ hưu… Đó là những biểu hiện rất đáng lên án, nếu không được khắc phục triệt để thì sẽ làm suy giảm sức mạnh của Đảng, giảm niềm tin của người dân vào cán bộ, đảng viên.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh phê phán tư tưởng “trung bình chủ nghĩa”, “làm việc cầm chừng” của cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, những biểu hiện này cho đến nay vẫn tồn tại khá dai dẳng với mức độ ngày càng nguy hại hơn. Để góp phần loại bỏ biểu hiện này trong các tổ chức công quyền hiện nay cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, mà quan trọng nhất phải từ ý thức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Do đó, đối với cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên cần xác định lại tư tưởng, động cơ, thái độ, trách nhiệm của mình, sống có hoài bão, lý tưởng, nuôi dưỡng khát vọng hướng tới từng bước hoàn thiện bản thân ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ. Đối với tổ chức, cần xây dựng được hệ tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá trúng, đúng trình độ, năng lực của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh luân chuyển cán bộ; mạnh dạn thay thế những cá nhân yếu kém, trung bình bằng những cá nhân mới tốt hơn; lựa chọn được những người đứng đầu có đức, có tài, có năng lực quản lý, lãnh đạo, chuyên môn tốt, giàu tinh thần nhiệt huyết vì sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

1 nhận xét: