Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT NAM – CAMPUCHIA VÀ ÂM MƯU XUYÊN TẠC, CHIA RẼ CỦA KẺ THÙ



                                                                                  Nguyễn Phương
                                                                                  
Vương quốc Campuchia và Việt Nam là hai nước có mối quan hệ lâu đời. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tình đoàn kết, hữu nghị bền vững được hun đúc. Hiện nay, Việt Nam và Vương quốc Campuchia đều là thành viên của ASEAN, WTO, ASEM… Quan hệ giữa hai nước được tiến hành trên tất cả các lĩnh vực, hướng tới xây dựng “quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả trong tình hình mới. Vậy nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện những âm mưu, thủ đoạn kích động, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết hữu nghị trong sáng giữa hai quốc gia. Những luận điệu đó không mới, nhưng chúng không dừng ở phá hoại quan hệ hai nước mà còn ẩn chứa nhiều âm mưu phá hoại đen tối khác.

Nhận diện về những âm mưu nguy hiểm, đi ngược thực tế lịch sử và đạo lý cho thấy một dẫn chứng điển hình là trường hợp ông Xam Rên-xi, lãnh đạo cái gọi là đảng Cứu nguy Dân tộc Cam-pu-chia (CNRP), hiện lưu vong ở Pháp cùng hai trợ lý. Ngày 27/12/2016, họ vừa bị tòa án Phnôm Pênh tuyên 5 năm tù do dùng mạng xã hội đăng tải nội dung xuyên tạc quan hệ hai nước. Họ từng đưa ra thông tin xuyên tạc hết sức nguy hiểm rằng hai nước đã "nhất trí xóa bỏ biên giới chung" khi diễn giải hiệp ước mà hai nước ký vào năm 1979. Trong khi đó, từ tháng 12/2015 Lễ khánh thành cột mốc 30 và đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh - O Za Dao thuộc tỉnh Gia Lai của Việt Nam và tỉnh Ratanakiri của Camphuchia và cắt băng khánh thành cột mốc 275 tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - Phnom Den tại xã Xuân Tô, Huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đã góp phần hoàn thành đến 90% công việc phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong sự kiện này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh: việc khánh thành các cột mốc biên giới khẳng định việc hai nước đã cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ giải quyết các vấn đề về biên giới trong thời gian sớm nhất, đây cũng là một bằng chứng cụ thể cho thấy sự hợp tác keo sơn giữa hai nước.
Một bài viết trên Báo The Phnom Penh Post cho biết, tư tưởng bài Việt, kích động, lôi kéo các cử tri trẻ tuổi, thiếu kiến thức và thông tin về quan hệ hai nước, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, chống phá quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia do một số thế lực chính trị đối lập kích động có thể gây bất ổn xã hội tại đất nước Chùa tháp. Nhất là trong thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử ở Campuchia, việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi làm “mồi nhử” lôi kéo phiếu bầu có thể mang lại những hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài có thể sẽ là mồi lửa châm ngòi xung đột, gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị. Trong những âm mưu phá hoại đó, dư luận nhân dân hai nước hẳn chưa quên sự kiện diễn ra cách đây ít lâu, có lực lượng đối lập ở Campuchia đã đến các địa bàn giáp biên để tuyên truyền, lôi kéo người dân ủng hộ bầu cử hội đồng xã, phường vào năm 2017 và bầu cử Quốc hội Campuchia năm 2018.
Một dấu ấn quan trọng trong trong lịch sử Campuchia là khi đất nước Campuchia rơi vào thảm họa diệt chủng dưới chế độ Pol Pot từ năm 1975 – 1979, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Tuy nhiên, nhiều phần tử cơ hội cũng không ngần ngại xuyên tạc, phỉ báng cả xương máu của những người Việt Nam đã hy sinh vì tình cảm quốc tế trong sáng, cho rằng đó là hành vi “xâm lược”. Điều đó đúng hay sai thì lời tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen trong dịp kỷ niệm 33 năm ngày giải phóng đất nước Campuchia (7/1/1979 - 7/1/2012) đã chứng minh: “Hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam tại đây là vì có sự yêu cầu của nhân dân địa phương. Chính nhân dân và quân đội Việt Nam đã giúp giải phóng khỏi chế độ Polpot và ngăn cản sự quay trở lại của chế độ nói trên. Thời gian Việt Nam rút quân khỏi Campuchia đã trôi qua hơn 20 năm, chính vì vậy không thể chấp nhận được cách nói xuyên tạc là Việt Nam có ý đồ xâm lược Campuchia”.
Nhìn lại những trang sử rực lửa và cũng thấm đẫm máu, nước mắt của nhân dân hai nước, chúng ta có thể thấy rõ không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Hoàng gia Campuchia đưa ra quan điểm trên. Theo PGS, TS Vũ Quang Hiển, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, để lại những kinh nghiệm quý cho hôm nay và mai sau. Trong "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ nhiều lần kêu gọi Lào và Campuchia gia nhập cái gọi là "Khối phòng thủ Đông Nam Á" và "Khối phòng ngự sông Cửu Long" nhằm cô lập và xâm lược Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết ba dân tộc.
Sau nhiều thăng trầm, dấu mốc tốt đẹp quan hệ hai nước phải kể đến sự kiện ngày 8/6/1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia theo đường biên giới hiện tại. Đáp lại, ngày 15/6/1967, Chính phủ Campuchia công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam. Quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã đoàn kết chặt chẽ và anh dũng chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn... Sau Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ Campuchia đấu tranh vũ trang. Quân và dân Campuchia phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng công kích, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (17-4-1975).
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “Phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”. “Trước sau như một, Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Campuchia”.
Mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được phát huy, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 12/2016 vừa qua, tại buổi gặp mặt, nói chuyện với hơn 200 đại biểu tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia qua các thời kỳ, Thủ tướng Hun Xen đã nhấn mạnh chuyến thăm của ông lần này đến Việt Nam mang theo thông điệp cảm ơn của nhân dân Campuchia đối với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ đánh đổ và ngăn chặn không cho chế độ Pôn Pốt quay trở lại, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước Campuchia phồn vinh như ngày nay. Ông khẳng định luôn trân trọng những kỷ niệm tốt đẹp với quân và dân Việt Nam. Dù tình hình thế giới có diễn biến phức tạp thế nào cũng không thể tác động đến quan hệ láng giềng anh em tốt đẹp giữa hai nước. Hai nước cần giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp vốn có, tài sản vô giá đã được vun đắp trong suốt quá trình đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng phát triển đất nước ngày nay.
Từ năm 1993 đến nay, quan hệ Việt Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia. Tính đến hết tháng 10/2016, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,4 tỷ USD; có 190 dự án đầu tư của Việt Nam sang Campuchia được cấp giấy chứng nhận. Sau chuyến thăm Vương quốc Campụhia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 3/2017, hai bên thống nhất phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng cũng được hai bên chú trọng đẩy mạnh. Trên cơ sở xác định hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ hai nước. Các ngành quốc phòng, an ninh hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các thoả thuận đã ký. tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là chia sẻ thông tin, huấn luyện đào tạo, phối hợp tuần tra chung, góp phần duy trì biên giới hoà bình, hữu nghị để nhân dân trong khu vực biên giới hai nước giao thương, phát triển kinh tế.
Để đẩy lùi những âm mưu của các thế lực thù địch, cùng với việc trân trọng, gìn giữ tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Campuchia, cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu, phải luôn giữ được nhất quán trong quan điểm, đường lối đối ngoại, hợp tác; cảnh giác, tỉnh táo trước mọi thủ đoạn chia rẽ; tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa chính quyền và nhân dân hai nước, hướng tới xây dựng quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.
                                                                                    

1 nhận xét: