Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

THỰC CHẤT LUẬN ĐIỂM ĐÒI ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG



Ngày nay, một số người vẫn đang rêu rao khắp nơi rằng thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng như ở các nước tư bản mới thực sự là dân chủ, là điều kiện quyết định sự phát triển của đất nước. Nhưng đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với dân chủ và phát triển.

Trước hết, cần phân biệt rõ giữa đa đảng, đa nguyên với đa đảng, nhất nguyên. Một số người mơ hồ vẫn thường lấy thể chế chính trị của Mỹ để ca ngợi cho tính ưu việt của mô hình đa nguyên, đa đảng. Tuy nhiên, xét về bản chất, ở Mỹ chỉ có hai đảng thay nhau lãnh đạo đó là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Đảng Cộng hòa là đảng được sự hậu thuẫn của các tập đoàn vũ khí, tập đoàn dầu khí…, còn Đảng Dân chủ lại là đảng được sự hậu thuẫn của các tài phiệt tài chính. Cả hai đảng đều là đảng của giai cấp tư sản, đều đại diện lợi ích cho giai cấp tư sản. Dù là Dân chủ hay Cộng hòa đều thống nhất về bản chất thuộc về giai cấp tư sản. Nền chính trị Mỹ là đa đảng nhưng nhất nguyên chứ không phải đa đảng, đa nguyên như nhiều người nhầm tưởng.
Thực chất của chế độ đa đảng ở các nước tư bản là các chính đảng khác nhau cùng tranh quyền lãnh đạo nhưng dù ai nắm quyền thì quyền lực nhà nước đều nằm trong tay giai cấp tư sản. Chế độ đa đảng là một bộ phận hữu cơ của chế độ chính trị nhà nước tư bản chủ nghĩa, đó là sự phản ánh về mặt chính trị của cuộc đấu tranh vì lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn tư bản trong nội bộ giai cấp tư sản và đều phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản.
Chế độ đa đảng ở các nước tư bản chủ nghĩa kiên trì chế độ tư hữu, tôn thờ triết học thực dụng, coi dân chủ, tự do, nhân quyền và quan niệm giá trị của giai cấp tư sản là “chân lý vĩnh hằng” và là “cái gốc của đất nước”. Các đảng luân phiên chấp chính là một thủ đoạn của giai cấp tư sản dùng để bảo vệ sự thống trị lâu dài của họ. Đó là chiêu bài lừa bịp nhân dân lao động, tạo ra ảo tưởng dân chủ đối với chế độ nghị viện và chế độ bầu cử của giai cấp tư sản, có lợi cho việc bảo vệ nền thống trị của giai cấp tư sản và chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong tranh cử, các chính đảng đưa ra những công kích lẫn nhau, trương lên những khẩu hiệu, chính sách và hứa hẹn mới nhằm mê hoặc cử tri cho cử tri một sự mãn nguyện giả tạo; tập trung sự chú ý của nhân dân vào việc thay chính phủ và chọn người lãnh đạo mà sao nhãng những lợi ích thiết thân, sao nhãng cuộc đấu tranh chống lại giai cấp tư sản.

Dân chủ là mục tiêu phấn đấu, là một yếu tố cần thiết mà mỗi quốc gia đều nỗ lực hướng tới. Dân chủ đích thực phải dựa trên lợi ích của quốc gia, dân tộc, của toàn thể nhân dân, chứ không phải ở chỗ có nhiều đảng phái tồn tại. Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên hay không? Đó mới là tiêu chí quan trọng nhất.
Thực tiễn đã minh chứng, nhiều nước thực hiện đa đảng nhưng vẫn thuộc loại nghèo nhất trên thế giới, ngược lại, có những nước chỉ một đảng lãnh đạo nhưng vẫn là một nước rất phát triển với đời sống nhân dân sung túc. Đa nguyên, đa đảng không phải là biện pháp cứu cánh cho sự phát triển. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền. Tại Việt Nam hiện nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước liên tục phát triển, nhân dân cả nước đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, dân chủ vẫn đang không ngừng được mở rộng và nhân quyền của người dân vẫn luôn được đảm bảo là những điều không ai có thể phủ nhận.
Việt Nam là một quốc gia phát triển theo con đường chủ nghĩa xã hội, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Trong xã hội tuy vẫn còn tồn tại các giai tầng xã hội khác nhau như: công nhân, nông dân, trí thức... nhưng lợi ích căn bản là thống nhất. Điều đó được phản ánh trong sự nhất trí về lợi ích chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu cho lợi ích căn bản và lợi ích lâu dài của toàn thể nhân dân. Cương lĩnh và tôn chỉ của Đảng là toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, thực hiện xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các phương châm, chính sách và đường lối của Đảng trong giai đoạn hiện nay phản ánh lợi ích và yêu cầu của toàn thể nhân dân, là bảo đảm cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Vì thế, ở nước ta không có cơ sở khách quan cho sự tồn tại đa nguyên hoá chính trị.
Quan điểm cho rằng đa đảng thì có dân chủ và một đảng thì mất dân chủ thực chất là thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen” cổ vũ cho “trò hề” nhằm thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Vậy nên, đừng ảo tưởng vào thể chế đa nguyên, đa đảng. Đó không phải là một phép màu đem lại sự dân chủ hay điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước.


1 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta nhằm thực hiện mưu đồ đen tối, chia rẽ Đảng với nhân dân, phản bội Tổ quốc; phải bị vạch mặt để làm trong sạch đời sống tinh thần của xã hội.

    Trả lờiXóa