Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

“NHỐT” QUYỀN LỰC TRONG “LỒNG” CƠ CHẾ


                                                                                           Biển 2
Những ngày qua, dư luận xã hội bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (CTCB) và chống chạy chức, chạy quyền.

Sự ra đời hết sức cần thiết, kịp thời, với những nội dung cụ thể, rõ ràng, chi tiết, Quy định số 205 thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của CTCB tồn tại nhiều nhiệm kỳ qua. Với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong thực tiễn, Quy định số 205 được kỳ vọng là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong CTCB, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”.
Thực tiễn cho thấy, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong CTCB, chống chạy chức, chạy quyền là nhiệm vụ hết sức cấp bách hiện nay. Bởi, thời gian qua, chúng ta chưa hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để giám sát, kiểm soát quyền lực trong CTCB; chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong CTCB; thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm khiến không ít người đứng đầu cấp ủy lợi dụng quyền lực để thao túng, lạm quyền, làm cho CTCB trở nên méo mó, chạy chức, chạy quyền cũng từ đó mà nảy sinh. Đáng ngại hơn, chỉ một bước ngắn, từ việc chạy chức, chạy quyền dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng... Rất nhiều vi phạm trong CTCB gần đây đã được đưa ra ánh sáng. Minh chứng là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã có hơn 53.100 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý.
Rõ ràng, việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong CTCB và chống chạy chức, chạy quyền giai đoạn hiện nay là tất yếu. Xuất phát điểm cơ bản và chủ yếu nhất của vấn đề chính là tác hại, sự nguy hiểm khôn lường của việc “thả nổi quyền lực”, không kiểm soát được quyền lực và sự “tha hóa quyền lực” trong CTCB, sự “lạm phát” của vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ là tác nhân chính làm tha hóa cán bộ, từ đó làm tha hóa, thoái hóa, biến chất cả bộ máy. Nếu chúng ta làm tốt việc kiểm soát quyền lực trong CTCB đồng nghĩa với ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng chạy chức, chạy quyền. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những phương hướng, giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, cụ thể, thiết thực và khả thi. Quy định số 205 được coi là thông điệp, quyết tâm chính trị về kiểm soát quyền lực trong CTCB và chống chạy chức, chạy quyền của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay.
Ðể quy định trên cùng với các văn bản khác về CTCB sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống, nhất là quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cơ quan, cá nhân làm CTCB cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nêu cao trách nhiệm trong từng việc, từng bước, từng khâu của CTCB. Cùng với đó, có nhận thức sâu sắc, nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt với các biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Các tổ chức đảng cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền. Việc phân công, phân cấp cần gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm. Phải đặt CTCB trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Điều hết sức quan trọng là có cơ chế, tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và CTCB một cách hiệu quả, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân”.
Tham vọng Biển Đông trong "giấc mộng Trung Hoa"
Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu, và nó đang thể hiện bằng những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các bên liên quan, sự bất chấp luật pháp quốc tế cũng như đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh chung trên toàn khu vực...
Khu vực và thế giới đều cảnh giác
“Giấc mộng Trung Hoa” (còn gọi là “Trung Quốc mộng”) là một học thuyết mới của Trung Quốc được công khai nêu lên lần đầu vào năm 2013, sau đó được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc để nói về sự chấn hưng “vĩ đại” của nước này. Rằng đó là “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc. “Giấc mộng Trung Hoa” lần đầu được đề cập là ở trong bài phát biểu nhậm chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình vào 17-3-2014.
Tuy không có nội hàm cụ thể, cũng chẳng có thời hạn để biến giấc mơ thành hiện thực, nhưng “giấc mộng Trung Hoa” dường như đã trở thành học thuyết và mục tiêu chủ đạo hiện nay của Trung Quốc nhằm kêu gọi và tập hợp sức mạnh trong nước.
Trung Quốc đã nhấn mạnh đến 3 yếu tố để thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, đó là phải đi con đường riêng, con đường được đúc kết từ hơn 30 năm cải cách mở cửa, hơn 60 năm thành lập nước và 170 năm quá trình phát triển dân tộc thời cận đại, đó là con đường “Xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”; phải phát huy tinh thần Trung Quốc, đó là tinh thần dân tộc với chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, là tinh thần thời đại với cải cách sáng tạo làm nòng cốt; và phải tập hợp sức mạnh Trung Quốc, đó là sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Trung Hoa.
Với trong nước, “giấc mộng Trung Hoa” đã đề cập đến mong ước từ lâu muốn “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” cũng như mong ước của mỗi người dân Trung Quốc về cuộc sống hạnh phúc, khá giả. Tuy nhiên, với những chính sách, bước đi và biện pháp mà Trung Quốc sau khi công bố “giấc mộng Trung Hoa” lại thu hút sự quan tâm sâu sắc với những góc nhìn, đánh giá khác hẳn.
Quan điểm chung cho rằng, đó có thể được xem như sự tiếp nối chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, là thành phần quan trọng trong chiến lược “quyền lực mềm” nhằm tìm cách ứng phó lại lý thuyết, hoài nghi và mối lo lắng cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Không ít nhà quan sát nhận định rằng, “giấc mộng Trung Hoa” là một học thuyết mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Nó có thể gây ra những tác động nguy hiểm đối với an ninh khu vực và quốc tế hiện tại cũng như trong tương lai.
“Giấc mộng Trung Hoa” đánh dấu bước chuyển chiến lược quan trọng của Trung Quốc kể từ khi thành lập nước, nhất là kể từ khi tiến hành cải cách và mở cửa hơn 30 năm trước tới nay, chuyển từ chiến lược “giấu mình chờ thời” (để tập trung nguồn lực, tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý cho mục tiêu phát triển kinh tế) sang thời kỳ mà Trung Quốc thể hiện vai trò, tiếng nói và tìm kiếm lợi ích của mình như một cường quốc toàn cầu.
Khu vực và thế giới cùng cảnh giác, lo ngại về cách tiếp cận của Trung Quốc sau khi công khai học thuyết “giấc mộng Trung Hoa”, đặc biệt liên quan đến sự quyết đoán, hung hăng, gây hấn về quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua.
Biển Đông không thể lặng sóng nếu Trung Quốc vẫn tự tung tự tác
“Giấc mộng Trung Hoa” ra đời khi mà Trung Quốc sau thời gian hơn 30 năm trỗi dậy mạnh mẽ về mọi mặt đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc đã nhảy vọt từ mức khoảng 30 tỷ USD trong những năm đầu thập niên 1950 lên tới con số 13.610 tỷ USD trong năm 2018, so với 20.494,1 tỷ USD của Mỹ và vượt rất xa so với các cường quốc kinh tế như Nhật Bản (4.970,9 tỷ USD), Đức (3.996,8 tỷ USD) và Anh (2.825,2 tỷ USD)…
Nhiều nhà kinh tế dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2030, tuy nhiên, theo Ngân hàng thế giới (WB), nếu tính GDP theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014.
Không phải đợi tới khi chính thức vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới (tính theo con số tuyệt đối của tổng giá trị GDP), Trung Quốc cùng với việc công bố học thuyết “giấc mộng Trung Hoa” đã thực thi những chính sách và bước đi để hướng tới mục tiêu cường quốc toàn cầu hàng đầu. Về địa chính trị và kinh tế là việc khởi xướng sáng kiến “Vành đai - con đường”.
Cùng năm 2013 công khai học thuyết “giấc mộng Trung Hoa” với cái nhìn bên ngoài những “dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng lớn nhất lịch sử nhân loại” đầu tư vào hàng loạt quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như Trung Âu, Đông Âu và châu Phi. Song, thực chất bên trong là nhằm gia tăng ảnh hưởng, chi phối, lợi ích của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu.
Trung Quốc trong những năm qua đã dành nguồn lực rất lớn (nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ) để gia tăng sức mạnh quân sự với việc đầu tư ồ ạt những vũ khí hiện đại với mục tiêu trở thành cường quốc quân sự toàn cầu. Quốc gia này đã sở hữu tất cả những loại vũ khí mạnh nhất của một cường quốc quân sự, từ tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tới máy bay chiến đấu tàng hình… và đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Theo “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đang vạch ra lộ trình thực hiện mục tiêu cường quốc toàn cầu hàng đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ hiện thực hóa học thuyết này bởi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ trong nước và quốc tế, trong đó có sự kiềm chế của Mỹ. Chính quyền Mỹ đã sớm triển khai việc kiềm chế Trung Quốc bằng chiến lược xoay trục và chiến lược này được nâng lên cấp độ mới, quyết liệt, trực diện trong chính quyền Mỹ đương nhiệm.
Một trong những lối thoát cũng là “bàn đạp” để Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy thành cường quốc toàn cầu là “lối ra” trên Biển Đông. Kiểm soát được Biển Đông là kiểm soát được tuyến vận tải biển chiếm 45% tổng lượng vận tải thương mại thế giới với tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ USD/năm cũng như hàng trăm máy bay hành khách qua lại mỗi ngày, kiểm soát được nguồn dầu thô hàng chục tỉ thùng cùng hàng trăm tỷ m3 khí; kiểm soát 10% tổng trữ lượng đánh bắt hải sản toàn thế giới…
Kiểm soát được Biển Đông sẽ chi phối, ảnh hưởng lớn tới các quốc gia Đông Nam Á hiện đang là một trong những khu vực phát triển năng động và giữ vai trò trung tâm trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế lớn.
Soi chiếu vào tất cả những điều đó thấy và hiểu rất rõ vì sao Trung Quốc trở nên hung hăng và gây hấn tới thế trên Biển Đông trong những năm gần đây nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”, bất chấp việc những hành vi này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền các bên liên quan trên Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đe dọa tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh, ổn định trên Biển Đông.
Năm 2013 tới nay cũng là thời gian mà Trung Quốc ráo riết quân sự hóa Biển Đông thông qua việc triển khai lực lượng lớn quân sự, bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo - căn cứ quân sự… và đặc biệt là đưa giàn khoan Hải Dương 981, tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc sẽ còn tiếp tục leo thang hơn nữa trong những hành vi nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông. Biển Đông không thể lặng sóng bình yên nếu không ngăn chặn được việc Trung Quốc lấy đây làm “bàn đạp” hiện thực hóa “giấc mộng” công bố năm 2013.





1 nhận xét: