Nguyễn Duy Chính
Nguyên
nhân làm xuất hiện chủ nghĩa dân túy rất đa dạng và phức tạp, từ kinh tế đến
chính trị, từ xã hội đến văn hóa và ngày nay là vấn đề môi trường, cạn kiệt tài
nguyên. Chủ nghĩa dân túy thường phát triển khi người dân trong xã hội phải đối
mặt với những khó khăn do suy thoái hay khủng hoảng về kinh tế, bất ổn về xã hội,
an ninh, môi trường và trước sự lúng túng, bị động, thất bại của các đảng cầm
quyền, chính quyền hay sự suy thoái, nạn quan liêu, tham nhũng của công chức
nhà nước; những thay đổi về văn hóa và dân số... Về bản chất, chủ nghĩa dân túy
là một loại tư tưởng tiểu tư sản, duy tâm, phản khoa học, không tưởng, mị dân
và thậm chí phản động.
Có
thể nói, chủ nghĩa dân túy là những thủ pháp, thủ thuật của giới hoạt động
chính trị nhằm lôi kéo sự chú ý của người dân, thông qua nghệ thuật diễn thuyết
với nội dung mơ hồ, khó thực hiện trong thực tế, nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào
đó có tính chất ngắn hạn, nhất thời của người dân. Đặc điểm chung của chủ nghĩa
dân túy là tách rời phát ngôn với hành động, chỉ làm thỏa mãn nhu cầu trước mắt
của dân chúng, nhanh chóng thay đổi quan điểm và không nhất quán một nguyên tắc
nào. Hệ quả của chủ nghĩa dân túy là nó thường gắn với chủ nghĩa dân tộc hẹp
hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ; chủ nghĩa bành trướng, bá quyền; sự ngạo mạn và
chủ nghĩa biệt lập văn hóa, vấn đề di cư, nhập cư,... với những hình thái và
mức độ biểu hiện khác nhau.
Hiện
nay, chủ nghĩa dân túy đã xuất hiện ở Việt Nam, tồn tại với tính cách là quan
điểm, tư tưởng, không thành hệ thống lý luận và chỉ biểu hiện ở phát ngôn, hành
động của một số người. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam dù chưa
điển hình và chưa trở thành trào lưu chi phối đời sống chính trị - xã hội,
nhưng mức độ và phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của nó đang có nguy cơ tăng lên
trong đời sống xã hội, có khả năng lan rộng và thấm sâu - trở thành mảnh đất
màu mỡ cho những kẻ cơ hội, mị dân lợi dụng - nên rất cần nhận diện và đấu
tranh phòng ngừa, xử lý kịp thời, có hiệu quả.
Từ
thực tế, có thể thấy những nhóm biểu hiện chủ yếu và bước đầu của chủ nghĩa dân
túy ở Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tôn thờ và chạy theo những lợi ích
trước mắt, thực dụng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số phần
tử phản động và cơ hội chính trị ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, vu
cáo, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước; cổ xúy mọi người chỉ theo đuôi thực tiễn, xem thường lý
luận, dẫn đến không quan tâm và mất niềm tin, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phủ nhận chủ
nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới ở Việt
Nam; xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự sáng tạo của
nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước.
Thứ hai, những phần tử cơ hội chính trị đưa ra những phát
ngôn, những bài viết mang tính mị dân trên các phương tiện truyền thông đại
chúng, thể hiện dưới dạng những thủ đoạn và nội dung như sau: 1- Có những phát
ngôn và hành động trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước (đòi tự
do, dân chủ không giới hạn, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi từ bỏ
con đường xã hội chủ nghĩa,...); 2- Lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để kích
động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phá hoại đường lối, chính sách đối ngoại đúng
đắn của Đảng và Nhà nước, âm mưu gây bất ổn, phá vỡ môi trường hòa bình, ổn
định để xây dựng đất nước; 3- Lạm dụng các quyền tự do, dân chủ để đưa ra những
đòi hỏi phi lý, những chương trình hành động có tính mị dân, không đúng chính
sách, pháp luật, từ đó gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ; 4- Lợi dụng tình
hình đời sống và sản xuất còn có khó khăn, yếu kém để kích động, lôi kéo cán
bộ, đảng viên và nhân dân không vững vàng đi theo, gây rối, chống phá, gây mất
ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; 5- Sử dụng công nghệ thông tin
hiện đại để bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội; thổi phồng những khó
khăn, yếu kém trong lãnh đạo và quản lý, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước;
xuyên tạc lịch sử. Lập các trang điện tử để đăng tin, bài với dụng ý xuyên tạc,
bịa đặt, phản ánh sai lệch tình hình đất nước; công kích, làm mất uy tín của
cán bộ lãnh đạo, kích động tâm lý bất mãn, phản đối; 6- Có những lời nói, việc
làm “tạo tiếng vang”, sáo rỗng, không thực tế, lấy lòng đám đông, lợi dụng,
kích động phản ứng của người dân trước những vấn đề bức xúc nhất định của xã
hội với động cơ thiếu trong sáng và vì lợi ích riêng; tạo tâm lý hoài nghi, bất
mãn, trên một số diễn đàn và nhất là trên các trang mạng xã hội; kêu gọi biểu
tình, tụ tập đông người với những “khẩu hiệu” “bất tuân dân sự” gây sốc, làm
mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến phát triển
kinh tế - xã hội.
Thứ ba, xuất hiện những người cơ hội dưới
dạng “theo đuôi quần chúng”, nhân danh “quần chúng” mà bỏ qua các nguyên tắc,
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; “lấy lòng quần chúng” để giành chức
quyền, mưu lợi ích riêng; bám giữ “tư duy tiểu nông”, “tiểu tư sản” trong một
số trí thức và người dân, gây bất mãn với Đảng, Nhà nước và chế độ; hô hào
những người còn ngộ nhận, tự phát, bất mãn, vi phạm pháp luật, làm công cụ
chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, một số cán bộ, đảng viên có quan điểm,
lời nói, hành động không đúng với chủ trương, đường lối, nguyên tắc của Đảng, pháp
luật Nhà nước; hứa suông, nói không đi đôi với làm, nói một đường, làm một nẻo;
cơ hội, lợi dụng, tranh thủ phiếu bầu của những cán bộ, đảng viên thiếu gương
mẫu, thoái hóa, biến chất; “tư duy nhiệm kỳ”, đề cao lợi ích trước mắt, cục bộ,
địa phương; đưa ra những tuyên bố “gây sốc” trong cộng đồng nhằm mị dân trong
việc giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, đề cao những lợi ích trước
mắt của một bộ phận nhân dân; xúi giục, kích động người dân để họ có những hành
động tự phát, tức thời chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị, xã hội
và thiệt hại cho đất nước; lợi dụng niềm tin của người dân để phục vụ mục đích
cá nhân.
Nguyên
nhân làm xuất hiện những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay là
do: Một là, tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, toàn
cầu hóa, thông tin mạng toàn cầu; quá trình cá nhân hóa thông tin tăng nhanh,
thông tin giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không đủ, không rõ nhiều vấn đề,
dễ hoang mang, bị thông tin giả chi phối, dẫn dắt; sự lợi dụng, kích động, xúi
giục, mua chuộc và chống phá, can thiệp của các thế lực thù địch từ bên
ngoài. Hai là, ảnh hưởng của những hạn chế, khó khăn trong
phát triển đất nước; sự gia tăng tình trạng phân hóa giàu - nghèo, bất bình
đẳng xã hội; sự suy thoái, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “lợi ích nhóm”, vi
phạm dân chủ, thái độ thờ ơ, vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước
những khó khăn của người dân; sự thiếu công khai, minh bạch trong quản lý của
một số tổ chức chính quyền... Ba là, công tác tuyên truyền,
cung cấp thông tin chưa thật sự đầy đủ, chính xác và kịp thời, trong khi trình
độ trình độ dân trí nói chung trong xã hội chưa cao, nhận thức của người dân
vẫn còn những hạn chế, nhất là chưa phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy.
Nếu
không đấu tranh, ngăn ngừa kịp thời những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở
Việt Nam hiện nay thì hậu quả của nó sẽ vô cùng nguy hiểm: Làm mất niềm tin của
nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; gây chia rẽ khối đại
đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân; gây mất ổn định chính trị - xã hội, ảnh
hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; làm giảm uy tín,
quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để
phòng ngừa và ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện
nay, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân
về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, đồng thời chỉ ra những biểu hiện cụ thể
của nó. Theo đó, cần:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu làm rõ
khái niệm, nội dung, hình thức biểu hiện, tác hại và nguyên nhân phát sinh,
phát triển của chủ nghĩa dân túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để
cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận biết được những nguy cơ, biểu hiện và tác
hại của chủ nghĩa dân túy; kịp thời nhận diện và cảnh giác với những biểu hiện
cụ thể của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam; định hướng thông tin đúng đắn trên báo
chí, tạo hiệu ứng truyền thông tích cực, liên tục nhằm tạo sức mạnh tổng hợp
trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái và những biểu hiện của chủ nghĩa
dân túy.
Thứ hai, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát
triển đất nước, phòng, chống có hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực; xây
dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn tâm, toàn
lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ
Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, “việc gì có hại cho
dân, ta phải hết sức tránh”, để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà
nước và chế độ.
Thứ ba, kiên định phát triển đất nước
theo con đường xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình
hội nhập quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối
với báo chí, truyền thông, nâng cao khả năng định hướng dư luận xã hội của báo
chí, truyền thông.
Thứ tư, phát hiện, xử lý và khắc phục kịp
thời những biểu hiện và hậu quả của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam./.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa