Đức Thăng
Trong mỗi người con dân đất Việt, hầu như ai cũng mang
trong mình một tình yêu sâu sắc đối với quê hương, đất nước. Điều quan trọng là mỗi người cần thể hiện tình yêu nước sao cho
đúng cách, đúng lương tâm trách nhiệm của một công dân chân chính.
Thời gian qua, đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của Tổ quốc, lợi dụng lòng yêu nước nhưng nhận thức còn mơ hồ của một bộ phận
người dân, một số đối tượng xấu đã lên mạng xã hội kêu gọi, lôi kéo, kích động
người dân xuống đường, biểu tình. Chưa dừng lại ở đó, những phần tử cơ hội
chính trị, bất đồng chính kiến còn đưa ra cái gọi là “thông điệp mạnh mẽ của
người dân lên án thái độ ươn hèn và phản ứng nhu nhược của Đảng, Nhà nước trước
hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền Việt Nam của Bắc Kinh”(!).
Thực ra không phải bây giờ, mà những năm gần đây, lợi
dụng vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường, các thế lực phản
động, cơ hội chính trị đã kích động một bộ phận người dân xuống đường biểu
tình, tuần hành mà thực chất là nhằm gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn
xã hội, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân. Tháng 5-2014, lợi dụng việc
Trung Quốc hạ giàn khoan dầu Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam,
các phần tử xấu đã xúi giục, lôi kéo, kích động người dân, công nhân xuống
đường đi tuần hành, biểu tình trái pháp luật. Một số người dân quá khích xông
vào đập phá tài sản của một số doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai,
gây thiệt hại về kinh tế.
Trước hết phải khẳng định rằng, việc Trung Quốc mới đây
đưa tàu thuyền vào bãi Tư Chính thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài
phán của Việt Nam là trái với luật pháp quốc tế.
KHÔNG ĐỂ LÒNG YÊU NƯỚC BỊ LỢI DỤNG
Trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, việc người dân
bày tỏ quan điểm, thể hiện lòng yêu nước là rất đáng trân trọng. Chỉ đáng tiếc,
trong khi đa số người dân đã thể hiện thái độ bình tĩnh, đúng mực, vẫn còn một
số người do thiếu thông tin hoặc bị xúi giục, lôi kéo, kích động nên đã bị cuốn
theo “tâm lý đám đông” tiêu cực, rồi bày tỏ lòng yêu nước thái quá, không phù
hợp với lợi ích quốc gia dân tộc.
Lòng yêu nước của nhân dân ta, như Bác Hồ từng khẳng định
“đó là một truyền thống quý báu của ta”. Nhưng truyền thống quý báu đó chỉ thực
sự phát huy tác dụng khi mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước đúng mực, đúng
lúc, đúng chỗ; không có bất cứ thái độ, cử chỉ, hành vi nào làm tổn thương đến
hình ảnh đất nước, phương hại an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Người
dân có lòng yêu nước chân chính không thể đi tuần hành rầm rộ gây cản trở giao
thông, xông vào đập phá trụ sở chính quyền, ném gạch đá vào lực lượng công an
đang thực thi nhiệm vụ, dọa “đốt” công ty… như từng xảy ra ở tỉnh Bình Thuận và
một số địa phương phía Nam trong tháng 6-2018.
Để lòng yêu nước chân chính của nhân dân không bị lợi
dụng, các cấp ủy, chính quyền cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, tăng cường
biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; đồng thời, chú
trọng nắm bắt dư luận xã hội để kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính
đáng của dân. Hiện nay, trình độ dân trí ngày càng tăng, nhu cầu của các tầng
lớp nhân dân cũng ngày càng cao và đa dạng. Sự bùng nổ thông tin, nhất là thông
tin trên mạng xã hội đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm, lối sống, ứng xử… của
các thành phần trong xã hội, nhất là giới trẻ. Điều này đặt ra yêu cầu, trách
nhiệm đối với đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở
phải chủ động, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của
dân để thu hẹp những khoảng cách bất đồng, tháo gỡ mâu thuẫn, tìm biện pháp
giải quyết và bảo đảm lợi ích tối ưu cho người dân.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đối
với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam là phải đấu tranh kiên trì, kiên quyết
đối với các hành vi xâm phạm, giải quyết vấn đề bằng các biện pháp ngoại giao
hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực làm phức tạp tình hình trên Biển
Đông. Chính sách ngoại giao này của Việt Nam được nhiều học giả, chuyên gia
nghiên cứu quốc tế nhận định, đánh giá là “khôn ngoan, thông minh”, phù hợp với
xu thế ngoại giao hòa bình, hữu nghị trên thế giới. Đảng, Nhà nước ta cũng mong
muốn mọi người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách ngoại giao đúng đắn của
Đảng, Nhà nước đối với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc.
ĐỂ “CÁI TÔI” YÊU NƯỚC HÒA VÀO “NHỊP ĐẬP CHUNG” CỦA CỘNG
ĐỒNG
Đất nước ta đã trải qua mấy chục năm chiến tranh đau
thương, mất mát. Chúng ta giành được hòa bình, độc lập, thống nhất non sông như
hôm nay phải đánh đổi bằng bao xương máu của thế hệ cha anh. Nhiều năm qua,
Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá là một đất nước có nền chính trị ổn
định, là điểm đến thân thiện, an toàn của hàng triệu du khách quốc tế và là một
trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn. Những đánh giá, ca ngợi đó thể
hiện sự khâm phục, ngưỡng mộ của bạn bè thế giới dành cho nhân dân ta, đồng
thời cũng là một cách tôn vinh hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Vậy nên, không có lý do gì để chúng ta lại làm cho hình
ảnh đất nước bị tổn thương, tình hình xã hội thêm phức tạp chỉ vì những lời dụ
dỗ, kích động bởi những kẻ quá khích, bất mãn, những phần tử cơ hội chính trị,
phản động. Trước những thông tin hoài nghi, trước những lời tuyên truyền mị dân
của các phần tử xấu, người dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện đâu là
đúng - sai, phải - trái, chính - tà, thật - giả, thiện - ác để không bị mắc
mưu, “sập bẫy”. Hãy biết trân trọng lịch sử cách mạng của ông cha ta, hãy biết
nâng niu những giá trị hòa bình mà chúng ta đang có, hãy bày tỏ tình yêu quê
hương đất nước bằng những thái độ, hành vi ứng xử chuẩn mực, hợp đạo lý, đúng
pháp luật.
Lo lắng cho vận mệnh đất nước cũng là một biểu hiện của
tinh thần yêu nước. Nhưng thời gian gần đây, cũng có một số người lo lắng đến
mức chỉ biết ngồi “khóc lóc”, than thở, hoài nghi… thì lại là một thứ “yêu nước
suông”! Cũng không nên “bày tỏ tình yêu nước” bằng cách suốt ngày chỉ ngồi bên
bàn phím để “than thân trách phận”, đổ lỗi, chỉ trích, mong muốn xã hội thế
này, đòi hỏi đất nước phải thế kia… trong khi hàng triệu người dân đang cần mẫn
lao động hăng say ở khắp mọi miền đất nước và hàng vạn chiến sĩ đang ngày đêm
đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện và làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác giữ
gìn biên cương, biển, đảo, lãnh thổ Tổ quốc.
Biết sẻ chia với những khó khăn của đất nước, quan tâm
đến những nỗi lo của chính quyền đang phải gánh vác và cùng kiên nhẫn, chung
sức, chung lòng tìm cách giải quyết có hiệu quả bằng những việc làm thiết thực,
ích nước, lợi nhà, đó chính là cách thể hiện thái độ chính trị tích cực và lòng
yêu nước chân chính của mỗi công dân để góp phần chăm lo lợi ích chung của nhân
dân và Tổ quốc.
Thật ra, đã sống trong cuộc đời này, ai cũng có quyền bày
tỏ tình yêu quê hương, đất nước. Bởi đó là một tình cảm tự nhiên, không thuộc
quyền sở hữu của bất cứ giai cấp, thành phần nào trong xã hội. Nhưng yêu nước
không có nghĩa là cứ hô hào, kêu gọi, cổ xúy người khác phải tụ tập đông người
nhằm thị uy, tạo sức ép không đáng có đối với chính quyền và các cơ quan chức
năng.
Tình yêu nước không phải là điều gì đó quá cao siêu, mà
đôi khi bắt đầu bằng suy nghĩ giản dị là hiểu những gì mình đang có, những
quyền lợi mình đang được thụ hưởng và cố gắng làm tốt công việc của mình; đồng
thời, làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Ở
chiều sâu hơn, đó là sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà
đất nước đang phải gồng mình vượt qua và luôn tự nhắc nhở mình cần phải làm gì
để chung tay góp sức với cộng đồng, nỗ lực vượt lên những thử thách ấy.
Tình yêu nước của mỗi người chỉ thật sự có giá trị khi
biết khơi nguồn, lan truyền cảm hứng tình cảm thân thương của mình cho người
khác và cộng đồng. Yêu nước vừa là “cái chung” của mọi người, vừa là “cái
riêng” của mỗi con người. Và tình yêu nước chân chính chỉ thể hiện đúng mực,
đúng lúc, đúng chỗ khi “cái tôi” yêu nước của mỗi người luôn biết bắt nhịp, hòa
chung với “cái tôi” yêu nước của cộng đồng, của mọi người trong xã hội./.
Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.
Trả lờiXóa