Đất Thép
Văn kiện Đại hội của Đảng đã xác
định “Kiên định mục tiêu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, vì đây vừa là
mục tiêu, lý tưởng, vừa thể hiện bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng
và mỗi cán bộ, đảng viên. Nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội, vận dụng phù hợp trong từng giai đoạn lịch sử là một trong
những nguyên nhân của thành tựu cách mạng nước ta. Đặc biệt, trong bối cảnh
phức tạp của tình hình thế giới cũng như những thuận lợi và khó khăn ở trong
nước hiện nay, việc kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội lại
càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan của cách mạng nước ta. Quá trình ra đi tìm đường cứu nước, chỉ khi đến được với
chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con đường cứu nước,
giải phóng dân tộc. Năm 1924, khi đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân
tộc và thuộc địa, Người khẳng định “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là
con đường giải phóng chúng ta!”. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Người viết rằng,
bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc
chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin. Người chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không
có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó cũng chính
là con đường kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sự lựa
chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta là một tất yếu khách quan do lịch sử
quy định, phù hợp với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, với mục tiêu lớn của thời đại và
ý nguyện của nhân dân; được gắn với đặc điểm, tình hình của mỗi giai đoạn khác
nhau của cách mạng Việt Nam. Đây không phải do ý muốn chủ quan của Đảng mà là
tổng hợp những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan, kinh tế và chính trị,
trong nước và quốc tế, phản ánh khát vọng của dân tộc.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành
công, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng ta trở
thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ
quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ
nghĩa xã hội. Năm 1986, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn CNXH trên thế giới lâm
vào thoái trào, phe XHCN đứng trước nguy cơ tan rã, khủng hoảng kinh tế - xã
hội trong nước kéo dài, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới,
tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Nhờ đó, gần 30 năm qua, nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Có
thể khẳng định các sự kiện trong những năm: 1930, 1945, 1954, 1975, 1986 đã trở
thành những cột mốc lịch sử quan trọng cho sự lựa chọn con
đường chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nó chứng minh con đường cách mạng giải phóng
dân tộc do Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo tất yếu đi lên chủ nghĩa xã hội;
độc lập dân tộc luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một tất yếu, nội tại.
Bởi, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.
Nắm vững và thực hiện có hiệu quả
mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới. Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã chỉ
ra: tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và xây dựng hệ thống chính
trị vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy
mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây cũng chính là những nội dung
cốt lõi của việc thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong những
năm tiếp theo. Chúng ta đồng tình với quan điểm của Đảng là tiếp tục giữ vững
mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; coi đó là định hướng quan
trọng cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
trong giai đoạn mới của cách mạng.
Đảng ta cần không ngừng đổi mới tư duy lý
luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác
tổng kết thực tiễn, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính
trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu
đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là
cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện
đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị với những bước đi phù hợp; tổ chức bộ
máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi
trường; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục
hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và các thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ
đạo, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có đầu tư nước ngoài. Mặt
khác, phải phát huy nhân tố con người cả về đạo đức, trí tuệ và năng lực làm
việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường quản lý xã hội, bảo đảm
an sinh, phúc lợi cho người dân. Thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây
dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; kết hợp sức mạnh dân
tộc với sức mạnh thời đại; kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng, an
ninh và đối ngoại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ của Tổ quốc.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa