Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI



Lưu Ninh
          Ngày nay, mạng xã hội đã và đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng. Thông qua mạng xã hội, mọi người có thể dễ dàng nắm bắt, chia sẻ một lượng thông tin khổng lồ, với tốc độ lan truyền nhanh chóng; đồng thời cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời phản ánh, kiến nghị ý kiến của mình t
ừ đó các cơ quan chức năng sớm nắm bắt được để giải quyết kịp thời, không để phát sinh phức tạp.
          Thời gian qua, chúng ta có thể thấy nhiều tỉnh, thành phố đã sử dụng sự tiện ích của mạng xã hội để phục vụ cho công việc của cơ quan, đơn vị mình, công khai các thủ tục hành chính như Thành phố Đà Nẵng lập fanpage trên mạng xã hội Facebook “Góp Ý Đà Nẵng" để tiếp nhận ý kiến phản ảnh của công dân trong các lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội của thành phố. Lực lượng Công an đã lập các hòm thư tố giác tội phạm trên mạng… qua đó người dân có thể dễ dàng tiếp cận hoặc góp ý ngay thông tin cho các lực lượng chức năng.
          Tuy nhiên, bên cạnh đó các thế lực thù địch, phản động cũng triệt để lợi dụng sự tiện ích này để đăng tải những thông tin sai trái, bịa đặt hoặc kích động biểu tình, chống phá. Chúng lập ra các website, blog, sử dụng nhiều tài khoản Facebook để nhào nặn, trộn lẫn thông tin thật - giả, cắt ghép hình ảnh, tán phát, nhằm thu hút sự hiếu kỳ của người đọc. Đặc biệt, trong thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước, các phần tử xấu đã thông qua Facebook, Zalo đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin bóp méo để đả kích, châm biếm xuyên tạc; hạ uy tín, bôi lem hình ảnh các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan trong hệ thống chính quyền, gây hoài nghi trong nhân dân, chia rẽ lòng dân, ý Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Các thế lực thù địch, phản động đã chọn mạng xã hội như một “mặt trận" mới để tăng cường chống phá chế độ ta. Đáng chú ý, một số người vì thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động.
          Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin thiếu tính xây dựng, không đúng sự thật, gây dư luận xã hội phức tạp, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức, cá nhân. Ngày 16-8-2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Đình Lượng (sinh năm 1965) trú tại xóm 9, xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An), bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" quy định tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo cáo trạng, liên tục trong thời gian dài, Lượng lập tài khoản trên Facebook để tán phát hàng trăm thông tin, clip có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, kích động tuần hành, biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Trước đó, nhiều bị cáo, như Trần Thị Nga (Hà Nam), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng)… cũng có hành vi tương tự lập tà​i khoản trên mạng xã hội, tán phát bài viết, các clip với nội dung thông tin bịa đặt nhằm chống phá Đảng, Nhà nước đều đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo đúng quy định của pháp luật với những bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội. Đây là bài học, lời cảnh tỉnh cho những kẻ đã đang có ý định lợi dụng mạng xã hội âm mưu chống phá, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào dùng mạng xã hội để bôi nhọ, vu cáo, gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác thì tùy từng mức độ, nếu gây hậu quả nghiêm trọng đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
          Mỗi người dân cần nhần thức rõ âm mưu, thủ đoạn tán phát thông tin sai trái, phản động của các cá nhân, tổ chức ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước ta để không bị chúng móc nối, kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Mỗi người dùng mạng xã hội phải tự bảo vệ bản thân trước những vấn đề mặt trái, cần biết "gạn đục khơi trong", nhận rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội; xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng, không chạy theo và cổ súy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống thuần phong mỹ tục của dân tộc; không tham gia bình luận, không chia sẻ những thông tin xấu, độc… Đặc biệt, mọi người cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra. Khi tiếp nhận được những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc. Mỗi người phải biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả./.

1 nhận xét:

  1. Trên các trang MXH hiện nay tràn lan các thông tin xấu, độc. Vì vậy chúng ta cần phải có sự nhìn nhận khách quan, chính xác, toàn diện về mọi vấn đề; nhất là khi tiếp nhận các thông tin trái chiều. Hãy thể hiện đúng là người Việt Nam yêu nước trong sự tỉnh táo và sáng suốt.

    Trả lờiXóa