Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản

Gần đây lại có luận điểm cho rằng: “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc”. Đây là một luận điểm không hiểu hoặc cố tình không hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó làm mất đi một “tính từ” không chỉ làm thay đổi ngữ nghĩa của tiếng Việt, mà như vậy, nó làm mất đi sự hoàn hảo, làm biến dạng một khái niệm.

Vấn đề dân tộc luôn gắn liền với vấn đề giai cấp. Chủ nghĩa dân tộc bao giờ cũng bảo vệ lợi ích, dựa trên lập trường của một giai cấp nhất định, không có chủ nghĩa dân tộc phi giai cấp, chủ nghĩa dân tộc chung chung, cải lương. Lịch sử đã cho thấy, từ khi dân tộc xuất hiện cho đến nay, giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất thống trị luôn nắm quyền thống trị dân tộc. Giai cấp thống trị dân tộc bao giờ cũng giải quyết vấn đềdân tộc, bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc theo hình ảnh và lợi ích của giai cấp mình. Vì thế, chủ nghĩa dân tộc, với tính cách là hệ tư tưởng chính trị và tâm lý đòi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc, bao giờ cũng phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của giai cấp thống trị dân tộc.
Gắn liền với các giai cấp đã nắm quyền thống trị dân tộc là các cách tương ứng bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc. Giai cấp phong kiến, tư sản và vô sản nhận thức và giải quyết vấn đềdân tộc khác nhau. Nhân loại từng biết, chủ nghĩa dân tộc truyền thống thể hiện lòng yêu nước lâu đời của một dân tộc, chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa dân tộc vô sản, chủ nghĩa dân tộc cách mạng, chủ nghĩa dân tộc sô-vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi... Không có dân tộc phi giai cấp. Chưa có và chừng nào còn giai cấp sẽ không  có “tính từ” như đã nói.
Cũng cần lưu ý rằng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã rất chú ý  bản chất giai cấp trong khi đề cập đến chủ nghĩa dân tộc. Ngay từ những năm đầu đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã phân biệt rõ “chủ nghĩa dân tộc bản xứ” - chủ nghĩa dân tộc truyền thống ở các nước thuộc địa, với “chủ nghĩa quốc tế” - chủ nghĩa dân tộc theo lập trường của giai cấp vô sản. Người viết “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước... Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản... Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi... nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”. Người luôn nhắc nhở khi giải quyết vấn đề dân tộc phải đứng vững trên lập trường vô sản, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô-vanh cũng như chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại.
Do vậy, khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là “chủ nghĩa dân tộc” là một cách diễn đạt thiếu chính xác, không đầy đủ. Cách diễn đạt này dù vô tình hay hữu ý đã bỏ qua tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đềdân tộc ở Việt Nam. Với cách diễn đạt ấy đã tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh và thực chất là để phủ nhận tư tưởng của Người. V.I.Lê-nin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”.
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, trong Chính cương vắn tắt do Người khởi thảo đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc trong triển vọng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người đã làm sáng tỏ mối quan hệ hữu cơ giữa giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đặt nền tảng cho bước chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Người khẳng định: chỉ có hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội, và chỉ có làm cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giữ vững những thành quả do sự nghiệp giải phóng dân tộc mang lại.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng(tháng 3-1960), luận điểm này đã được tái khẳng định, những năm tháng cuối đời, Người vẫn khôngquên căn dặn đảng viên: “khôngđược phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới”. Chỉ hơn một tháng trước khi từ trần, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nhân đạo, Người đã tiếp tục khẳng định thêm một lần nữa: “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ xã hội đã định hướng chính trị, chỉ đạo nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm, khẳng định thành công trong giai đoạn Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1945-1954), giai đoạn tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà (1954-1975), cũng như giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn kế tiếp, đặc biệt là nó vẫn luôn có ý nghĩa thời sự đối với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc phải gắn liền với quyết tâm chính trị lớn nhằm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” đang được Đảngta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới nhằm ra sức phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là luận điểm trung tâm, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một đóng góp của cách mạng Việt Nam vào kho tàng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào lý luận cách mạng xã hội trong thời đại hiện nay. Thực tiễn cách mạng đã chứng tỏ sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam cần thiết, có thể và hiện thực đã được giải quyết theo lập trường của giai cấp vô sản, chủ nghĩa dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy thực chất là chủ nghĩa dân tộc vô sản.
Kết luận trên cũng có nghĩa là luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là một cách hiểu và diễn đạt khôngchính xác, khôngđầy đủ và xuyên tạc tư tưởng của Người. Luận điểm sai trái ấy đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam. Rõ ràng luận điểm ấy muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn và quyết hy sinh phấn đấu trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luận điểm “thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa dân tộc” là một luận điệu có ý đồ chính trị rõ ràng, muốn “lập lờ đánh lận con đen”, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thực chất là cổ suý cho quan điểm muốn nước ra từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.
T.B



1 nhận xét: