Nguyễn Vụ
Một điều chúng ta không
khó để nhận ra trong thời gian qua là các thế lực thù địch cùng những phần tử
cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước đã “chính trị hóa” một số vụ án
hình sự bằng cách đơm đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, suy diễn, cắt khúc, gán ghép
các tình tiết trong vụ án với những vấn đề chính trị hệ trọng của đất nước,
nhất là những vấn đề nóng, nhạy cảm trong xã hội để lợi dụng kích động, chống
phá. Chẳng hạn như sự việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an TP Hà
Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ về tội “Bắt, giữ hoặc giam
người trái pháp luật” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và tội “Hủy hoại hoặc cố ý
làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143, Bộ luật Hình sự. Đây thực chất chỉ là một
vụ án hình sự đơn lẻ, nhưng những kẻ “ăn không nói có” đã lượm lặt thông tin
trên internet để nhào nặn rồi phán bừa rằng “vụ khởi tố này là bằng
chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường”... Rõ ràng họ đã
lợi dụng vụ án hình sự đơn thuần để đơm đặt rồi lái sang câu chuyện “đoàn kết
nội bộ” trong Đảng, trong chính quyền... Mục tiêu sâu xa mà các thế lực thù
địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động hướng tới không gì khác là
gây ra sự hoài nghi trong nội bộ, phá hoại sự đồn
g thuận trong xã hội, chia rẽ
cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.
Hay từ sự việc một số
phần tử xấu ở các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh... núp dưới vỏ bọc “tôn giáo” lợi dụng
sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung kích động, lôi kéo một bộ phận giáo dân
tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự... Xét thấy có những yếu tố cấu
thành tội phạm, cơ quan chức năng các địa phương đã khởi tố vụ án để điều tra
xử lý theo quy định của pháp luật. Thực chất đây chỉ là vụ án hình sự về tội
“Gây rối trật tự công cộng”... Thế nhưng thông qua một số trang mạng ở nước
ngoài, các thế lực thù địch, những phần tử phản động đã "chính trị
hóa" vụ việc này rồi lái câu chuyện sang vấn đề "dân chủ, nhân
quyền" và cho rằng “Việt Nam đàn áp tôn giáo”, “Việt Nam vi phạm tự do tôn
giáo”...
Tương tự mới đây là
vụ Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an TP
Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "lạm dụng chức vụ
quyền hạn chiếm đoạt tài sản", theo Điều 280, Bộ luật Hình sự... Thế nhưng
trên một vài trang mạng, một số phần tử phản động, có tư tưởng thù địch đã
xuyên tạc, suy diễn, quy chụp theo kiểu lấy cái cụ thể để đánh giá, kết luận về
cái tổng thể và cho rằng "Việt Nam vi phạm tự do báo chí", chính
quyền Việt Nam "gài bẫy" để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng
lao lý. Hơn thế, từ sự việc này họ còn suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm
của Đảng ta về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc thực tiễn công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Không chỉ vậy, họ còn cho
rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh”, “tăng cường phòng,
chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân”; có sự “bao che, dung túng, tiếp tay
cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng” của cấp
ủy, chính quyền các cấp.... Nguy hiểm hơn, họ còn chụp mũ cho rằng tham nhũng
thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo
độc tôn.
Cần khẳng định một vài vụ
việc nêu ra trên đây chỉ là những vụ án hình sự bình thường. Tuy nhiên, thông
qua những bài viết trên một số trang mạng của những người có tư tưởng cực đoan,
phản động đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo làm sai lệch bản chất vấn đề, hướng
lái dư luận sang những vấn đề chính trị, xã hội hệ trọng khác như: Tự do tôn
giáo, tự do báo chí, đoàn kết nội bộ... hòng triệt để khoét sâu từng vụ việc từ
đó chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mục tiêu sâu xa
của họ vẫn là nhằm phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các
lĩnh vực, vẽ ra bức tranh méo mó về xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, để từ đó gieo rắc sự hoài nghi trong nhân dân về vai trò
lãnh đạo của Đảng; về khả năng quản lý, điều hành của chính quyền, làm xói mòn
lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, để rồi thừa cơ xúi
giục, kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin đứng lên chống lại chính quyền,
đòi thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng, đòi chuyển xã hội ta sang một xã hội “đa nguyên, đa đảng”.
Từ những vấn đề lý luận
chỉ ra và thực tiễn kiểm chứng, rõ ràng chúng ta không thể lấy hiện tượng để quy
kết thành bản chất, không thể dùng cái đơn lẻ để quy thành
hệ thống. Ấy vậy mà từ những vụ án hình sự đơn lẻ, các thế lực thù địch sẵn
sàng suy diễn, gán ghép, quy chụp để từ đó đưa ra những nhận định về những vấn đề
chính trị lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng
ta không lạ gì với chiêu trò này, bởi suy diễn, quy kết chủ quan, phiến diện
trở thành thói quen, trở thành "căn bệnh" của các thế lực thù địch và
những phần tử cơ hội chính trị, phản động. Mọi sự việc, mọi vấn đề họ đều có
thể suy diễn, chụp mũ miễn sao đạt được mục tiêu tuyên truyền xuyên tạc, nói
xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình tồn tại
và phát triển, bên cạnh những thành tựu, không một quốc gia, dân tộc nào không
có những vấn đề phức tạp nảy sinh. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong quá
trình lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước, bên cạnh những thành quả đạt được,
Đảng và Nhà nước Việt Nam không phủ nhận trong xã hội đã và đang tồn tại những
vấn đề nổi cộm. Để giải quyết những vấn đề đó nhằm củng cố niềm tin trong nhân
dân, Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp
đồng bộ, quyết liệt; đồng thời cũng kiên quyết lên án, đấu tranh không để các
thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề ấy để tiến hành các chiêu trò nhằm thực
hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam.
Bản chất của chiêu trò
“chính trị hóa” các vụ án hình sự nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù
địch ngày càng hiện rõ. Thực tế cho thấy các thế lực thù địch luôn tận dụng
triệt để mọi cơ hội có thể để thực hiện chiêu trò "chính trị hóa" các
vụ án hình sự. Cho dù chiêu trò đó phần nào chứng tỏ sự bất lực của các thế lực
thù địch trước thực tiễn sinh động của đất nước Việt Nam, nhưng cần phải thấy
rõ đây là một âm mưu chính trị và hoạt động chống phá hết sức nguy hiểm. Mỗi
người Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu
trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Mặt khác mọi người dân cần
tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận trước chiêu trò ấy, không tin vào
luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cơ hội chính trị,
phản động cực đoan; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta./.
Các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm, phức tạp, thu hút sự quan tâm để tuyên truyền, kích động chống Đảng, Nhà nước. Vì vậy chúng ta phải đề cao cảnh giác.
Trả lờiXóa