Lê Cường
Từ buổi đầu dựng nước,
các Vua Hùng đã phải tiến hành một số cuộc chiến tranh để giữ nước.
Trong thế kỷ XX, dân tộc
Việt Nam đã làm nên kỳ tích trong lịch sử giữ nước của mình: Đánh thắng thực
dân, đế quốc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông về một mối,
đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH)!
Bước vào thời kỳ phát
triển mới của đất nước, từ Đại hội IV đến Đại hội XI, Đảng ta luôn nhận thức
sâu sắc: Quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước trong lịch sử dân tộc đã chuyển
thành quy luật xây dựng CNXH phải gắn chặt với bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng quy luật
này, Đảng ta đã xác định cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới phải thực hiện đồng
thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam XHCN. Trong báo cáo chính trị tại Đại hội XI, Đảng ta đã xác định
phương hướng, nhiệm vụ chiến lược: Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực hiện nghị quyết Đại hội, Hội nghị Trung ương 8
khóa XI, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến
lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì sao Ban Chấp hành
Trung ương khóa XI ban hành nghị quyết này sau tổng kết 10 năm thực hiện Nghị
quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc? Có nhiều lý do nhưng
lý do chủ yếu để Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ
quốc là: Tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những diễn biến mới tác động
lớn đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trên thế giới, hòa
bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp
mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc khó lường, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ
trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc,
tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố… có thể gia tăng. Cục
diện thế giới đa cực hình thành ngày càng rõ hơn, các nước lớn vừa hợp tác vừa
đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau, chi phối các quan hệ quốc tế. Các nước
tiếp tục điều chỉnh chiến lược, tập hợp lực lượng mới trong khu vực và trên thế
giới.
Tình hình trong nước những
năm tới, sự ổn định chính trị tiếp tục được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển,
nhưng đất nước sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Cả bốn nguy cơ mà các
Đại hội Đảng đã chỉ ra (tụt hậu xa hơn về kinh tế - xã hội, chệch định hướng
XHCN, suy thoái tư tưởng, đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng
viên, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, diễn biến hòa bình, áp đặt,
xâm lăng văn hóa) không những vẫn tồn tại, có mặt bộc lộ rõ hơn và xuất hiện
nhiều yếu tố mới phức tạp hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá ta trên
tất cả các mặt: Chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân
tộc tôn giáo; tranh chấp biển, đảo có thể sẽ diễn biến gay gắt, phức tạp hơn…
Vậy đối tượng của cách
mạng Việt Nam trong thời kỳ mới là ai? Từ cách tiếp cận trên chúng ta hoàn toàn
thống nhất với quan điểm: Ai chống phá sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam, ai chống phá chế độ XHCN mà nhân
dân ta đang xây dựng, ai chống phá sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định
hướng XHCN, ai chống phá sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, ai chống phá lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam, ai chống phá sự ổn định
chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ai chống phá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, ai chống phá môi trường hòa bình để phát triển đất nước
của dân tộc ta, đó chính là đối tượng của cách mạng Việt Nam, đối tượng của chiến
lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Nhận diện được đối tượng
sẽ giúp ta nhận thức sâu sắc quan niệm về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ
mới.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong thời kỳ mới trước hết là bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc: Đó là bảo vệ quyền
tự quyết thiêng liêng của dân tộc, quyền lựa chọn con đường phát triển, thể chế
chính trị của đất nước. Đó là xây dựng và bảo vệ nền kinh tế độc lập, bảo vệ bản
sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Đó là bảo vệ sự
thống nhất của Tổ quốc. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có
thể cạn, đá có thể mòn, song chân lý này không bao giờ thay đổi. Kiên quyết đấu
tranh, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt
Nam, làm thất bại mọi ý đồ kích động, xu hướng ly tâm, thành lập cái gọi là
“Nhà nước Khơme Crôm độc lập”, “Nhà nước Đề ga độc lập”… Đó là bảo vệ vững chắc,
toàn vẹn lãnh thổ, vùng đất, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Đó là bảo vệ sự
toàn vẹn của hơn 331.051km2 đất liền, hơn 1 triệu ki-lô-mét vuông vùng biển thuộc
chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông.
Bảo vệ Tổ quốc trong thời
kỳ mới có nội hàm rất quan trọng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước. Đó là bảo vệ,
giữ vững bản chất cách mạng và khoa học của Đảng, để Đảng ta mãi mãi là Đảng của
trí tuệ, có uy tín đạo đức cao và gắn bó máu thịt với nhân dân; bảo vệ sự lãnh
đạo của Đảng, Nhà nước, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng; bảo vệ bản chất
nhà nước của dân, do dân, vì dân, Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là bảo vệ tính mạng,
tài sản, quyền con người, quyền công dân của nhân dân Việt Nam.
Một nội dung rất quan
trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới là bảo vệ chế độ
XHCN. CNXH là con đường phát triển của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ chế
độ XHCN là bảo vệ thể chế chính trị: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước
pháp quyền XHCN quản lý, Nhân dân Việt Nam làm chủ; là bảo vệ cho đất nước phát
triển theo đúng 8 định hướng cơ bản sau:
Một là, Đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế, tri thức, bảo vệ
tài nguyên môi trường.
Hai là, phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ba là, xây dựng nền văn
hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bốn là, bảo vệ vững chắc
quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường
lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động
và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền
dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận
dân tộc thống nhất.
Bảy là, xây dựng nhà nước
pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Tám là, xây dựng Đảng
trong sạch, vững mạnh.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong thời kỳ mới là bảo vệ sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng
XHCN, bảo vệ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ lợi ích
quốc gia, dân tộc, mặt khác kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện đổi mới vô
nguyên tắc, đổi màu, biến chất, chệch định hướng XHCN và những ý đồ, hành động
làm cho nền kinh tế Việt Nam tụt hậu xa hơn nữa, làm cho chất lượng, hiệu quả, sức
cạnh tranh của nền kinh tế ngày càng kém, làm cho sự phân hóa, phân cực xã hội
ngày càng tăng, làm cho môi trường sinh thái ngày càng bị ô nhiễm.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong thời kỳ mới là bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kiên
quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực
tư tưởng văn hóa, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt thông tin, “xâm lăng văn
hóa”.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong thời kỳ mới là bảo vệ môi trường hòa bình để phát triển đất nước theo định
hướng XHCN, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động phá hoại trật
tự, an toàn xã hội, gây hấn, gây xung đột vũ trang, gây chiến tranh xâm lược.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
trong thời kỳ mới là nhiệm vụ thường xuyên, là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân. Do đó, mọi cán bộ, Đảng viên và mọi người dân Việt Nam cần
phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm tư tưởng chiến lược:
Bảo vệ tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp.
Trước hết, đó là sức mạnh
tinh thần, sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam, sức mạnh của 90 triệu người dân
Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có tâm hồn, trí tuệ, bản lĩnh, khí phách
anh hùng của dân tộc Việt Nam, có đức hy sinh cao thượng, sẵn sàng xả thân bảo
vệ Tổ quốc. Để phát huy sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa Việt Nam, chúng ta
cần phải thực sự coi trọng và có trách nhiệm, tâm huyết xây dựng nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tập trung vào việc đổi mới căn bản và
toàn diện nền giáo dục Việt Nam để bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ người Việt
Nam, đáp ứng sự nghiệp xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt
Nam XHCN.
Bảo vệ Tổ quốc bằng sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thời kỳ mới, lấy mục tiêu bảo vệ
vững chắc độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng để đoàn kết, tập
hợp mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài. Mở rộng dân chủ thực sự
trên cả hai hình thức: Dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, “dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành khẩu hiệu hành động trong toàn Đảng, toàn
dân chắc chắn sẽ tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong
toàn xã hội, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc
bằng sức mạnh của nền kinh tế cường thịnh. Chỉ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ,
bền vững mới không ngừng nâng cao đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, mới củng
cố sự ổn định chính trị, nâng cao lòng tin, ý chí xả thân bảo vệ Tổ quốc của
toàn dân tộc. Chỉ có một nền kinh tế hùng mạnh mới có thể trang bị cho lực lượng
vũ trang vũ khí, khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu đánh thắng mọi cuộc chiến
tranh xâm lược bằng kỹ thuật và công nghệ cao.
Do đó, phải ra sức phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc
phòng, an ninh; giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc
bằng sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là
LLVT nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng
quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân và một số binh chủng tiến lên hiện
đại.
Tập trung nâng cao chất
lượng toàn diện và sức chiến đấu cao, để Quân đội thực sự là lực lượng trung
thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường tiềm lực quốc
phòng, an ninh của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần,
thế trận lòng dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức
quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường
các nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho quốc phòng,
an ninh. Quan tâm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc gia. Thực hiện có hiệu
quả nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an
ninh, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Bảo vệ Tổ quốc bằng sức
mạnh của đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc
tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
XHCN.
Đẩy mạnh các hoạt động
đối ngoại: Đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên cơ sở
quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc
tế; kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn,
bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, gia tăng hợp tác, giải quyết mọi tranh chấp
bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở không ngừng củng cố, nâng cao sức mạnh tổng
hợp của đất nước, để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại.
Quán triệt và vận dụng
sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp cách mạng, xây dựng và phát huy sức
mạnh tổng hợp trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Đảng ta đã
lãnh đạo xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp từ sức mạnh chính trị, tinh thần,
sức mạnh văn hóa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của nền
kinh tế cường thịnh, sức mạnh của quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sức mạnh
trong nước với sức mạnh của thời đại, nhất định nhân dân ta sẽ xây dựng thành
công nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ phát triển mới./.
Bài viết rất thiết thực
Trả lờiXóa