Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

NHẬN DIỆN VÀ ĐẬP TAN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC LUẬT AN NINH MẠNG HIỆN NAY ​



Quang Xuân
Thời gian qua, Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, núp dưới chiêu trò “tự do ngôn luận”, những kẻ cơ hội và các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài có những thủ đoạn xuyên tạc Luật An ninh mạng nhằm mục đích gây hỗn loạn thông tin, tạo ra sự ngờ vực và dư luận xấu trong xã hội; từ đó, xuyên tạc chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về ban hành các luật. Vì vậy, nhận diện và đấu tranh với luận điệu xuyên tạc Luật An ninh mạng hiện nay là rất cấp bách.


Một là, các thế lực thù địch ở trong nước, ở nước ngoài cho rằng, việc chúng ta ban hành Luật An ninh mạng là biện pháp tình thế của Đảng và Nhà nước ta nhằm đối phó những người bất đồng chính kiến. 
Không khó để nhận ra những luận điệu sai trái, lạc lõng đó của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài và những kẻ cơ hội chính trị trong nước “như nấm độc sau cơn mưa”của đài BBC, RFA, VOA, RFI,… Điển hình VOA Tiếng Việt với hàng loạt bài đầy tính xuyên tạc như: “Xuất hiện phong trào Bất tuân Luật An ninh mạng”… và trên internet, mạng xã hội, lại có một số thông tin cho rằng Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền công dân”; “cướp đi quyền sử dụng internet của người dân” và hạn chế các quan hệ quốc tế.
Sự thật không đúng như vậy! Phải khẳng định rằng, xây dựng, thực hiện Luật An ninh mạng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới. Đại hội XII, Đảng ta chủ trương: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”, nhất là trong điều kiện “Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”; trong khi đó,“An ninh, trật tự và an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Bảo vệ bí mật quốc gia còn nhiều yếu kém. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng còn nhiều bất cập”. Vì vậy, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng với tất cả vì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, vì sự phát triển ổn định và phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, luận điệu sai trái trên chẳng những mơ hồ về mặt lý luận, mà còn phản động về mặt thực tiễn.
Hai là, họ cho rằng những nội dung Luật an ninh mạng là hết sức mơ hồ và không có quốc gia nào có luật này. Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam: “An ninh là trạng thái ổn định, an toàn, không có dấu hiệu đe dọa sự tồn tại, phát triển bình thường của cá nhân, của tổ chức, của từng lĩnh vực hoặc của toàn xã hội”. Tại Điều 2, khoản 1 của Luật An ninh mạng khẳng định: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Như vậy, về mặt thuật ngữ - an ninh mạng - về nội hàm của nó đã chỉ ra tính tất yếu phải ban hành và thực hiện luật này.
Việc họ cho rằng “không có quốc gia nào có luật này”. Đây lại là một sự bịa đặt nữa dựa trên sự đánh tráo khái niệm. Đến nay, 138 quốc gia đã có luật An ninh mạng bao gồm cả luật chuyên đề và các quy định pháp quy nằm rải rác ở các luật khác và không ít các luật đó còn gắt gao hơn nhiều so với Việt Nam. Ngày 07-12-2015, các nghị sĩ và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về Luật An ninh mạng đầu tiên áp dụng cho toàn khối: “Theo luật trên, các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng như: Google và Amazon sẽ phải báo cáo mọi vi phạm có tính chất nghiêm trọng cho các cơ quan chức năng quốc gia nếu không sẽ bị phạt. Luật mới mang tên “Chỉ dẫn an ninh mạng và thông tin”, đặt ra những quy định nghiêm ngặt về an ninh và trình báo bắt buộc đối với các công ty hoạt động trong những lĩnh vực trọng yếu, như: Giao thông, năng lượng, y tế và tài chính. Các công ty hoạt động trên mạng như: Google, Amazon, eBay và Cisco sẽ phải trình báo những vi phạm nghiêm trọng với cơ quan chức năng quốc gia nếu không sẽ phải chịu những biện pháp xử phạt từ các cơ quan này”.
Ba là, họ cho rằng các công ty mạng của nước ngoài sẽ không cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam - chơi “luật riêng”. Đây cũng là điều bịa đặt bởi hàng năm, Facebook đều có báo cáo về cơ sở dữ liệu cho các chính quyền các nước là thị trường của họ. Tổng cộng có tất cả 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Và sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội chính thức thông qua, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết, hoạt động của Facebook không hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Hơn thế nữa, Facebook đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam; giúp Facebook hoạt động tốt hơn, cũng như phối hợp tốt hơn với Chính phủ Việt Nam trong tương lai. Và cho đến nay, các nhà mạng Google, Facebook và một số nhà mạng khác vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam. Như vậy, luận điệu trên hoàn toàn không có cơ sở.

1 nhận xét:

  1. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa