Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

LUẬT AN NINH MẠNG – KHÔNG TƯỚC BỎ QUYỀN CON NGƯỜI



                                                                          Quang Vinh
Thực tiễn minh chứng, từ khi Nhà nước Việt Nam ra đời, quyền con người, quyền và lợi ích của công dân đã được bảo đảm cả về mặt pháp lý và trên thực tế. 
Các quyền đó đã được ghi nhận, bảo đảm nhất quán, xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Hiến pháp năm 2013 đã dành một chương (Chương II) để quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”; các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đã được quy định đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam tham gia.

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet và các mạng xã hội đứng đầu khu vực. Ở nước ta, nền tảng kỹ thuật - thông tin dựa trên internet, mạng xã hội, các website, nhất là: Facebook, Messenger, Zalo, YouTube (clip, có âm thanh, hình ảnh, phụ đề),… và các mạng lưu trữ, tra cứu, trao đổi thông tin, như: Google.com,… được bảo đảm đầy đủ và đồng bộ. Điều này không chỉ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo đảm cho người dân được hưởng thụ đầy đủ hơn các quyền con người, quyền công dân; trong đó, có quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do sử dụng internet, mạng xã hội. 
Tuy nhiên, sự ra đời của internet, mạng xã hội đã đặt ra những thách thức mới. Nhân loại phải đối diện với một hệ thống thông tin phức tạp, như: tình trạng thông tin khó kiểm chứng, thông tin sai sự thật, thông tin độc hại về đạo đức, lối sống, xâm hại về tinh thần đối với con người, v.v…internet, mạng xã hội là vũ khí mới, lợi hại mà các lực lượng thù địch có thể sử dụng trong chiến lược chống phá, lật đổ chế độ, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích của công dân. Đối với quyền con người, quyền và lợi ích công dân có thể sử dụng để tán phát thông tin thất thiệt vì những mục tiêu xấu độc, đê hèn, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khủng bố tinh thần, đe dọa đưa lên mạng những thông tin đời tư,… khiến cuộc sống nhiều gia đình bị xáo trộn, thậm chí đã có nhiều người phải tìm đến cái chết. Cách đây không lâu (ngày 10 và 11-6-2018), các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã câu kết với nhau, lợi dụng internet, mạng xã hội kích động biểu tình, gây rối ở một số tỉnh, khi Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Đặc khu, thông qua Luật An ninh mạng là một ví dụ. Vì vậy, Việt Nam cần có Luật An ninh mạng, nhằm xác lập cơ sở pháp lý, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, Nhà nước, các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Luật An ninh mạng, gồm 7 chương, 43 điều. Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng là:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước,…
3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng… bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng,… (Điều 4).
Xét về quyền con người, quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật An ninh mạng hoàn toàn không có bất cứ hạn chế, vi phạm nào đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng này. Trái lại, Luật An ninh mạng là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp để người dân và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng bị “ô nhiễm” thông tin như bảo đảm không khí, nước uống và thực phẩm sạch cho sức khỏe con người.


1 nhận xét:

  1. Luật An ninh mạng ra đời là rất cần thiết, nó bảo vệ những người sử dụng MXH không bị những thông tin xấu, độc tiêm nhiễm, người nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm

    Trả lờiXóa