Tư tưởng chỉ đạo hành
động. Tư tưởng đúng thì hành động đúng, tư tưởng sai thì hành động sai, “sai
một ly là đi một dặm” và nó có thể giết chết một con người, để lại tác hại khôn
lường, những hậu quả khó khắc phục cho tập thể, tổ chức và xã hội. Khẳng định
vai trò to lớn của tư tưởng, công tác tư tưởng trong quân đội, cán bộ, chiến sĩ
ta thường nói “tư tưởng không thông, mang bình tông không nổi” và nhân dân ta
cũng thường hay nói “thỏa lương tâm lạng vàng không tiếc”. Điều đó cho thấy, tư
tưởng và công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã
hội và trong quân đội, không thể xem thường dù nó chỉ là những hành vi, dấu
hiệu ban đầu và khi nó đã bị thoái hóa, biến chất thì tác hại của nó thật ghê
gớm, để lại hậu họa rất khó khắc phục.
Có thể khẳng định
rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân của mọi nguyên nhân
dẫn đến sai lầm, suy thoái về đạo đức, lối sống và ngược lại. Cho nên, muốn
không bị suy thoái tư tưởng chính trị dẫn đến các loại suy thoái khác thì
chính trị của ta phải mạnh lên, đạo đức, lối sống của chúng ta phải thật
sự trong sạch lành mạnh. Một vấn đề có tính nguyên tắc (bất di bất dịch) là
phải quan tâm chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống
cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; ra sức xây dựng môi trường văn hóa chính trị
lành mạnh; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của
Đảng, pháp luật của Nhà nước chiếm vị trí thống trị trong đời sống văn hóa –
tinh thần xã hội ta. Đồng thời, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám
sát, giáo dục cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm minh những người
vi phạm pháp luật, kịp thời đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách ra
khỏi tổ chức đảng; làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, lành mạnh; kiên quyết
không để các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, thổi phồng, bóp méo sự thật,
chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng; hạ thấp vai trò,
uy tín của Đảng, Nhà nước ta.
Rõ ràng là, suy
thoái tư tưởng chính trị là một căn bệnh có nguồn gốc từ sự khinh thường vai
trò của công tác chính trị, môi trường chính trị, nhất là giáo dục tư tưởng
chính trị. Phải khẳng định rằng, ở đâu, nơi nào, môi trường chính trị không
tốt, trước hết là cấp ủy đảng, người chỉ huy ở đó đã để tuột hoặc buông lỏng
công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng sinh họat tổ đảng, sinh hoạt chi bộ và
sinh hoạt của các tổ chức quần chúng thấp; đấu tranh tự phê bình và phê
bình bị coi nhẹ hoặc bị thủ tiêu, vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch kém
hiệu quả; người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, v.v., thì ở nơi đó, có
nhiều người vi phạm kỷ luật, thậm chí lâm vào tình trạng thoái hóa về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sự thoái hóa tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống giống như một căn bệnh lây lan, “lây nhiễm rất nguy
hiểm” nếu không sớm phát hiện và chữa trị kip thời. Mọi biểu hiện của
lối sống vụ lợi, thực dụng, thói hư, tật xấu, hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức
là hệ quả tất yếu của sự suy đồi tư tưởng chính trị của một tập thể, nhóm người
và cá nhân mỗi người; trước hết là người đứng đầu tổ chức đảng, người chủ trì
đơn vị.
Cho nên, ngăn chặn,
đẩy lùi, tiến tới cắt bỏ căn bệnh này phải đồng thời khắc phục cả suy thoái tư
tưởng chính trị, suy thoái đạo đức và suy thoái lối sống; đồng thời, đẩy mạnh
công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận, phê phán các quan điểm sai trái, phản
động; khôi phục, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa
trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Không thể có đạo đức, lối sống tốt nếu ai
đó bị suy thoái về tư tưởng chính trị. Không thể có tư tưởng chính trị tốt nếu
vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống và “sự lệch chuẩn” của nó đã rơi vào đồi
bại, tha hóa. Vấn đề quan trọng hàng đầu là đề cao công tác phòng ngừa; có
niềm tin trong đấu tranh chống tiêu cực, chống quan điểm sai trái; không
nên để “bệnh tật” xảy ra rồi mới tìm thầy thuốc bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc,
tìm cách cứu chữa.
Nghị quyết Trung ương
4 khóa XI và Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra tác hại của sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên; những
biểu hiện của nó và các giải pháp khắc phục. Đây là dịp tốt để chúng
ta nhận diện ngày càng rõ hơn những người mắc “căn bệnh” này, có liệu
pháp “hạ nhiệt” cho những người thường hay ác cảm và nói xấu chế độ xã hội
chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng; hay ca ngợi và muốn đi theo con đường
tư bản chủ nghĩa, thích sống theo kiểu văn hóa phương Tây, đề cao vật chất,
sùng bái đồng tiền; coi thường tình nghĩa, đạo lý; phủ nhận truyền thống lịch
sử, văn hóa dân tộc… Tình hình đang đặt ra nhiều việc phải làm, nhất
là trong công tác xây dựng Đảng. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, từng tổ
chức đảng cần có những giải pháp cụ thể để giúp đỡ một số cán bộ,
đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm do “bị thương” bởi “viên đạn bọc
đường”, bị mua chuộc bởi bọn làm ăn phi pháp lợi dụng; có lúc đã trở
thành tù nhân, nô lệ của đồng tiền, trở lại đội ngũ, xứng đáng là “công
bộc” của dân. Công việc này có giá trị rất tốt là khi các đồng chí
ấy quay về đội ngũ sẽ là nhân cốt tích cực trong cuộc đấu tranh
chống quan điểm sai trái, phản động; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy
thoái về tư tưởng trưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức
đảng và trong xã hội ta hiện nay.
Mối
quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức và suy thoái lối
sống là mối quan hệ giữa “kẻ tung người hứng”, a dua tòng phạm, cùng nhau đi
đến một chỗ sai là phá bỏ chế độ, nền nếp, trật tự, kỷ cương; dũ bỏ luân thường
đạo lý, vi phạm kỷ luật, làm sai luật pháp; gây tiêu cực cho xã hội, cản trở
tiến bộ lịch sử. Cho nên, cần hiểu rằng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống là một cơ thể mang mầm bệnh ghép gồm ba chứng bệnh: suy thoái về tư
tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, suy thoái về lối sống; cả ba căn bệnh ấy
đều bám kéo nhau, dính chặt trên một cơ thể người bị “lệch chuẩn”; rất khó phân
biệt một cách rạch ròi bản chất, nguyên nhân từng loại bệnh. Ai đó chỉ cần mắc
một chứng bệnh là lập tức bị lây nhiễm, mắc các chứng bệnh khác. Đương nhiên, ổ
bệnh gây mầm vẫn là suy thoái về tư tưởng chính trị xét một cách toàn cục mà nói.
Tuy nhiên, sự phát bệnh và biểu hiện rõ nhất, dễ nhìn thấy nhất có khi lại
bắt đầu từ các hành vi thoái hóa đạo đức, lối sống thông qua các hành động
“lệch chuẩn” của nó.
Nói cách khác, sự suy
thoái về tư tưởng chính trị thường được che dấu, ngụy trang kín đáo, tinh vi,
rất khó nhìn thấy, nhất là đối với một số người từng trải, có nhiều kinh nghiệm
thực tế; song sự “hư đốn” lại thấy dễ dàng hơn bởi sự buông thả ở một số người
này như tham nhũng, vun vén lợi ích cá nhân, v.v., cho đến khi thành thói quen
thì những người ấy không còn xấu hổ, sẵn sàng lao vào các cuộc ăn chơi, trác
táng, tiêu tiền của tập thể một cách “không hề thương tiếc”, xót xa, động lòng
trước nỗi đau của đồng chí, đồng đội, nhân dân.
Vì vậy, phải kiên
quyết hơn nữa trong triển khai thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ
trong sinh hoạt Đảng; kiên quyết đấu tranh, xử lý kỷ luật những cán
bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống;
không để những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức Đảng “con sâu làm
rầu nồi canh”. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp tục học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng hệ thống pháp luật,
các chế độ, quy định thật cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để ngăn ngừa,
đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ;
chọn đúng người có đức, có tài bố trí vào các vị trí quan trọng,
nhất là các vị trí chủ trì cơ quan, đơn vị. Đổi mới cơ chế, chính sách,
chế độ đãi ngộ để cán bộ, đảng viên có đủ điều kiện “bảo liêm”,
làm tốt việc nêu gương cho quần chúng học tập, noi theo. Chân lý là
khách quan và luôn luôn cụ thể. Hãy lấy thực tiễn đời sống của nhân dân, của
cán bộ, chiến sĩ và mức sống của họ làm gốc để đánh giá tài năng, đức độ, sự
cống hiến của mỗi người, sự trung thành, trong sáng của họ. Đảng ta và
nhân dân bao giờ cũng sáng suốt. Người dân lao động trông chờ, chỉ thật sự
tin tưởng, đặt niềm tin, hy vọng vào ai, tổ chức nào nếu tổ chức đó, người nào
đó sống, chiến đấu, lao động hết lòng vì họ; thật sự chăm lo cho cuộc sống ấm
no, hạnh phúc của họ. Điều đó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, lý tưởng phấn đấu
của Đảng ta. Thực tế đã khẳng định rằng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ
kính yêu và những cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng mới làm tốt điều đó và
xứng đáng được nhân dân ngưỡng mộ, tin yêu, suy tôn và gọi cái tên trìu mến:
Bác Hồ và Đảng ta! Giải quyết tốt mối quan hệ giữa suy thoái tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống là một biện pháp nhất thiết phải làm nhằm gột rửa cho
sạch thói hư, tật xấu để uy danh của Đảng ta sống mãi trong lòng nhân dân, dân
tộc; là cách tốt nhất để thực hiện thành công mục tiêu độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước
tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phấn khởi, tin tưởng vào Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XI và Đại hội XII của Đảng, nhất định nó sẽ đi vào đời
sống; nhất định chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà
Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó. Không có thế lực phản động
nào có thể cản bước, ngăn đường chúng ta đi./.
Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống giống như một căn bệnh lây lan, “lây nhiễm rất nguy hiểm” nếu không sớm phát hiện và chữa trị kip thời.
Trả lờiXóa