TƯỜNG MINH
Đại thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất
đất nước, là thắng lợi tuyệt đối của dân tộc Việt Nam đại diện cho chính nghĩa,
cho khát vọng hòa bình trước bạo lực, cường quyền của đế quốc Mỹ và chính quyền
tay sai. Đây không chỉ là chiến thắng vinh quang, là niềm tự hào của dân tộc ta
mà còn nhận được sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của nhân dân yêu chuộng hòa
bình trên thế giới.
43 năm qua, kể từ khi non sông thu về một mối, nhân dân Việt
Nam từ hòn Lũng Cú đến mũi Cà Mau chung tay xây dựng cuộc sống thanh bình, tự
do, ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, xem hòa giải và hòa hợp dân tộc là
xu hướng chủ đạo. Đó là sự thật hiện hữu đã được ánh sáng lịch sử soi rọi, xác
nhận chân lý, mà không thế lực thù địch nào có thể đổi trắng thay đen. Tuy
nhiên, mỗi khi hơn 90 triệu dân dải đất hình chữ S tự hào chào mừng kỷ niệm
ngày Quốc lễ, ngày hội lớn non sông, cũng là lúc xuất hiện những ngoa ngôn bóp
méo, phủ nhận giá trị lịch sử một cách trắng trợn. Chúng ta cực lực phản đối luận
điệu xuyên tạc lố bịch đó!
Cuộc chiến tranh do Mỹ và tay sai tiến hành ở Việt Nam tiêu
tốn số tiền khổng lồ lên tới hơn 680 tỉ đôla, bị lên án là phi nghĩa không chỉ
vì hao người, tốn của, mà còn bởi nó đã thể hiện rõ bản chất vô nhân tính của
chủ nghĩa đế quốc, bá quyền. Không chỉ tàn sát thường dân vô tội gây rúng động
dư luận quốc tế như vụ thảm sát Mỹ Lai, mà Mỹ còn áp dụng cả những biện pháp
tàn bạo là sử dụng chất độc da cam/điôxin… gieo rắc hậu quả kinh hoàng cho các
thế hệ người Việt Nam đến tận bây giờ và sau này.
Những cựu binh Mỹ trở lại nơi mình từng tham chiến ở Việt
Nam lăn dài giọt nước mắt muộn màng về tội ác mình gây ra và mong có cơ hội chuộc
lại lỗi lầm. Những ai từng một lần chứng kiến bao người anh hùng như Thiếu tá
tình báo Nguyễn Văn Thương - người bị CIA cưa chân 6 lần, ngồi xe lăn vẫn vẫn lạc
quan, say sưa truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ, sẽ cảm thấy vô cùng xúc
động, cảm kích…
43 năm đã qua, tức là chiều dài lịch sử hơn gấp đôi khoảng
thời gian diễn ra cuộc chiến, nhìn nhận sự kiện này, thế giới vẫn luôn dành sự
ca ngợi, đánh giá tích cực dành cho Việt Nam. Đó là những minh chứng thuyết phục
lòng người khi nói rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu
nước mà quân và dân ta đã hao tổn bao xương máu suốt 20 năm trời đằng đẵng mới
khiến kẻ thù khuất phục hoàn toàn. Theo độ lùi thời gian, sự phân định giữa
chính nghĩa và phi nghĩa, giữa chiến thắng và thất bại đã quá rõ ràng. Thực tế
cũng cho thấy, chiến thắng 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới đối với dân tộc Việt
Nam - kỷ nguyên hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên
chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, đồng bào ta không phân biệt dân tộc, tôn giáo tự
do làm ăn và trải nghiệm những điều mình muốn miễn là pháp luật không cấm,
chung tay kiến thiết sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm giàu
cho quê hương. Vẫn còn đó nỗi đau, ám ảnh một thời đạn bom, chết chóc bởi bóng
ma chiến tranh, nhưng với tinh thần hòa hiếu, khép lại quá khứ, hướng tới tương
lai, trong tâm thế hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam đã có quan hệ ngoại
giao với 187 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, bắt tay trở thành đối tác
toàn diện ngay cả với quốc gia từng là kẻ thù với mình như nước Mỹ. Việt Nam
cũng là điểm đến lý tưởng, tươi đẹp, mến khách, điển hình cho sự năng động, đổi
mới ở khu vực Đông Nam Á, thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017.
Với thiện chí hòa giải và hòa hợp dân tộc, những người Việt
một thời lầm lỡ cầm súng chống lại đồng bào mình, sau đó chạy ra hải ngoại cùng
phe bên kia chiến tuyến, nay tìm về Tổ quốc, được trong nước cởi mở chân thành
hoan nghênh đón nhận, không phải vì những đồng đôla họ cầm theo về đầu tư kinh
tế, làm từ thiện xã hội, mà bởi tận sâu thẳm dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy chung
trong huyết quản. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng dòng giống con Rồng cháu Tiên
mà không gì có thể chia cắt. Đảng và Nhà nước ta coi kiều bào là một bộ phận
khăng khít không thể tách rời của đại gia đình dân tộc Việt Nam và sẵn
sàng chào đón nếu những người con xa Tổ quốc thực sự muốn gắn kết cùng
cộng đồng nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhưng đáng nói, ở bên kia bán cầu và thậm chí ngay trong
lòng đất nước, vẫn tồn tại những tiếng nói lạc lõng, định kiến, thù địch, cố
tình phủ định sự thật lịch sử; bôi nhọ uy tín, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam. Trên các trang mạng BBC, VOA, Vietcongonline.com và rất nhiều
trang mạng phản động khác, thiểu số người thường gọi 30/4/1975 là ngày quốc hận,
ngày đen tối, ngày mất nước; cho rằng đó là “biến cố” làm sống lại những chia rẽ
của người Việt. Đó không gì khác, chính là lời lẽ xằng bậy của mấy kẻ lưu vong
thất thế, muốn ngửa tay xin đôla từ các thế lực thù địch nên tìm cách khuấy đảo
lên sự thù hận , ngang nhiên bất chấp, phán xét -phản bội lại Tổ quốc, đồng bào
mình .
Một lần nữa, cần khẳng định sự thật lịch sử hào hùng của
quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là không thể chối cãi.
Cũng có nghĩa rằng những luận điệu xuyên tạc, ý đồ thâm độc trên là hoàn toàn
sai trái. Những ngoa ngôn, xạo ngôn thì không thể đứng vững trước công lý, kéo
theo hy vọng hão huyền muốn chống phá, lật đổ chế độ ưu việt Đảng và nhân dân
ta đang xây dựng sớm muộn cũng bị vạch trần, đập tan trước tinh thần yêu nước,
đề cao cảnh giác của nhân dân ta./.
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giá trị lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4 là không thể phủ nhận. Chúng ta cần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử của thế thù địch và các phần tử phản động.
Trả lờiXóa