Dũng Vũ
Trong chiến lược "diễn biến hòa bình", chiêu thức
thường được các thế lực thù địch tận dụng tối đa nhằm làm sụp đổ một quốc gia
là tìm cách bôi nhọ chế độ xã hội hiện tại, thổi phồng những mặt trái của xã
hội đó để gây tâm lý bất mãn rồi kích động sự phản kháng trong xã hội.
Những
vụ việc cụ thể, có tính cá biệt, những sai phạm của cá nhân, thường được nâng
lên thành bản chất của chế độ xã hội. Đáng tiếc là vẫn có không ít người nhẹ
dạ, thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn, không tự phát hiện được sự thật đằng sau
những luận điệu kích động đó, họ vô tình tự cướp đi bình yên của chính mình.
NGỘ NHẬN VÀ BẤT MÃN DỂ BỊ KẺ XẤU LỢI DỤNG
Trong
xã hội hiện nay, chúng ta không khó để nhận ra có những người rất hay than
trách cuộc sống, nghi ngờ mọi thứ xung quanh, cho rằng mọi thứ đều xấu xa, tự
cảm thấy mình chịu nhiều bất công, từ đó oán trách chế độ xã hội. Họ nhìn xã
hội qua lăng kính màu đen nên mọi thứ xung quanh đều trở nên đen tối. Khi kinh
tế phát triển họ nói rằng phát triển không thực chất, phải đánh đổi môi trường,
lợi ích vào túi một số ít người. Khi một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một
số vụ tham nhũng bị phát giác, xử lý nghiêm theo pháp luật, thì họ cho rằng như
thế là chưa đủ, mà thậm chí phải "đập chế độ này đi xây lại vì cả hệ thống
tham nhũng". Khi một vài trường học xảy ra bạo lực học đường, thì họ kết
luận cả nền giáo dục là bỏ đi. Thậm chí khi bóng đá Việt Nam giành được nhiều
thành tích, nhiều chiến thắng vinh quanh ở tầm châu lục và vươn lên đứng đầu
khu vực Đông Nam Á, họ cũng cho rằng đó là may mắn, rồi chỉ là thành tích của
một lứa cầu thủ, một huấn luyện viên, còn cả nền bóng đá vẫn tồi tệ...
Thực
tế trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những người bi quan và bất mãn. Điều
này là kết quả, là ảnh hưởng từ xuất phát điểm của mỗi người; từ quá trình giáo
dục, từ những kết quả công việc và cuộc sống cho đến cách tiếp nhận, phân tích
thông tin của mỗi người và quan trọng là cách tự xác định tâm thế, vị trí của
mỗi người đối với cuộc sống. Chúng ta có thể gặp không ít người có đời sống vật
chất đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi... nhưng vẫn bất mãn với cuộc sống, vẫn thấy
nhiều người hơn mình, vẫn thấy mình thiệt thòi. Từ những bất mãn so bì đó, thay
vì nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa cho bản thân như mong muốn, thì
họ lại quay ra oán trách, thậm chí chửi bới, bôi nhọ chế độ xã hội.
Những
lúc bình thường thì tâm thế của kiểu người nêu trên gây tiêu cực cho chính bản
thân họ và xã hội. Nhưng khi mà cuộc đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống
"diễn biến hòa bình" diễn ra rất quyết liệt, có nhiều sắc thái mới
thì việc tồn tại trong xã hội kiểu người nói trên sẽ là cơ hội để các thế lực
thù địch hướng tới, lôi kéo, nhằm đạt được mục đích là gây bất ổn xã hội, thậm
chí gây rối loạn xã hội, tiến tới lật đổ chế độ.
Để
nói về điều này, cần phải nhìn lại giai đoạn vừa qua của lịch sử thế giới đã
chứng kiến những kết cục đau lòng từ sự ngộ nhận, lầm tưởng của một lớp người
trong xã hội. Năm 2011, các cuộc biểu tình có cái tên rất mỹ miều là "Mùa
xuân Ả Rập" đồng loạt nổ ra tại một số quốc gia Bắc Phi, Trung Đông, như:
Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen, Libya, Iraq, Syria... Các cuộc biểu tình
này đã dẫn tới bạo động chống chính phủ, lan nhanh như một bệnh dịch khiến
chính phủ ở một loạt nước như Ai Cập, Libya, Tunisia, Yemen bị lật đổ, xã hội
hỗn loạn...Các nước Syria, Yemen chìm trong nội chiến. Theo ước tính đến năm
2016, "Mùa xuân Ả Rập" và các cuộc nội chiến từ hậu quả của nó đã làm
Syria, Lybia, Iraq bị tàn phá, khoảng 500.000 người chết, hàng chục triệu người
bị mất nhà cửa, phải chạy tị nạn sang các quốc gia khác.
Nguyên
nhân dẫn tới biểu tình và bạo động là những vấn đề xã hội đã tồn tại trong các
quốc gia nêu trên chậm được cải thiện, những vấn đề tư tưởng, những ấm ức, bất
mãn, tâm lý bị thiệt thòi của một bộ phận người dân không sớm được giải tỏa và
tìm biện pháp khắc phục. Cùng với đó là sự can dự, giật dây của các nước phương
Tây, tiếp sức bằng tiền và vũ khí cho các nhóm chống đối, kích động, lôi kéo
người dân xuống đường biểu tình. Đó là vì các nước phương Tây muốn thay đổi các
chế độ trái mắt họ, vì lợi ích của họ. Kết quả của "Mùa xuân Ả Rập"
là một thứ mùa xuân chết chóc, hỗn loạn, tan vỡ, ly tán, vợ mất chồng, cha mất
con, người dân mất nhà cửa, đất nước tan hoang. Những nhà lãnh đạo bị phương Tây
gọi là những “nhà độc tài” đã bị lật đổ, để rồi thay thế vào đó là nhiều nhóm
quyền lực mới nổi lên bắn giết nhau, bất chấp mạng sống của người dân để giành
quyền lực. Nhiều người dân Ả rập đã hối tiếc, muốn mọi thứ trở lại giai đoạn
“tiền Mùa xuân Ả Rập”.
Nhìn
người để nghĩ tới ta. Đất nước Việt Nam hiện được đánh giá nằm ở nhóm quốc gia
có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới. Chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ
đời sống của người dân đang đi lên theo thời gian. Theo báo cáo của Ngân hàng
Thế giới (WB) năm 2018, 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế,
trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tính từ năm 2014 tới
nay, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung
lưu toàn cầu, cho thấy các hộ gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế
cao hơn sau khi thoát nghèo. Tất cả vấn đề xã hội, vấn đề về môi trường, phát
triển bền vững đều được Đảng, Nhà nước quan tâm. Công tác phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong
cán bộ, đảng viên được đặc biệt quan tâm và thực hiện thực chất, quyết liệt.
Thế nhưng tất cả những thực tế rõ ràng đó, những con người có con mắt thiếu
khách quan vẫn cố tình không thừa nhận.
LIỆU
CÓ MỘT XÃ HỘI HOÀN HẢO HAY KHÔNG?
Để
nhận thấy sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề trong xã hội, có
thể nhìn sang quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là nước Mỹ. Năm 2004, siêu bão
Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida đến Đại Tây Dương, tàn phá một số vùng
của nước Mỹ, làm 22 người chết và thiệt hại 11 tỷ USD. Điều đáng nói, sau cơn
bão này, người dân Mỹ mới nhận ra những điều bất ổn trong xã hội mình. Đó là
nhân việc bão quét sạch mọi thứ, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán với mức cắt
cổ để kiếm lợi. Máy phát điện từ 250 USD tăng lên 2.000 USD; nước đá từ 2 USD
được nâng lên 10 USD; một gia đình muốn dọn hai cây đổ vào nóc nhà thì phải trả
giá là 23.000 USD (khoảng 530 triệu VNĐ). Đỉnh điểm là câu chuyện một cụ bà 70
tuổi chạy bão với người chồng và cô con gái khuyết tật đã phải trả 160 USD
(khoảng 3,7 triệu VNĐ) một đêm cho buồng trọ giá bình thường chỉ 40 USD.
Tờ USA Today khi đó đã bức xúc chạy dòng tít: “Kền kền sau bão” để
phê phán thực trạng lợi dụng thảm họa, lợi dụng sự khổ đau của người khác để ép
giá cắt cổ. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là một số nhà kinh tế tại Mỹ lại phản
đối tờ USA Today và cho rằng việc tăng giá như thế là bình thường, vì
trong một nền kinh tế thị trường có quy luật cung cầu, cầu tăng mà nguồn cung
giảm thì ắt giá sẽ tăng, chứ không có khái niệm “giá cắt cổ”.
Nhìn
vào sự việc trên để thấy sự khác biệt ở Việt Nam. Khi xảy ra những trận thiên
tai, bão lũ, thảm họa ở bất kỳ khu vực nào thì cả nước đều quan tâm, theo dõi,
lo lắng rồi chung tay, quyên góp cùng địa phương đó kịp thời khắc phục hậu quả,
giúp người dân ổn định cuộc sống. Các lực lượng chức năng, trong đó quân đội là
lực lượng nòng cốt, được huy động để giúp đỡ người dân khẩn trương thu hoạch
mùa màng, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vườn ruộng, đường xá, trường học, bệnh viện
sau bão. Các hoạt động ấy vừa là nhiệm vụ được cấp trên giao phó nhưng cũng
xuất phát từ trái tim. Bởi dân tộc Việt Nam, xã hội Việt Nam là một xã hội
hướng thiện, yêu thương đùm bọc nhau đã là truyền thống từ xưa tới nay: “Lá
lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Khi nền kinh tế phát
triển thường sẽ kéo theo những sự phát triển không đồng đều vì đặc điểm địa lý,
lợi thế của mỗi vùng miền, rồi khả năng của mỗi con người cũng khác nhau. Nhận
thấy nguy cơ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm để thiết kế các chế
độ, chính sách thúc đẩy sự phát triển của vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ người
nghèo vươn lên theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở
một xã hội phát triển như Nhật Bản, được coi là hình mẫu của nhiều quốc gia,
thế mà trong nhiều tác phẩm của mình, ông Inamori Kazuo, một doanh nhân, một
nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản vẫn nhiều lần phê phán, tỏ ý thất vọng vì
xã hội và con người Nhật Bản hiện nay đang bị thoái hóa về đạo đức, một xã hội
dần trở nên bị lũng đoạn bởi nhiều thói xấu như tham nhũng, ích kỷ, thiếu tử
tế... Do đó có thể thấy, ở bất cứ một quốc gia nào, một chế độ nào cũng không
bao giờ có sự hoàn hảo. Tất cả quốc gia, dân tộc, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều
mãi mãi chỉ trên con đường để vươn tới sự hoàn hảo. Và muốn vươn tới tiệm cận
sự hoàn hảo đó thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn, khách quan về mọi
thứ xung quanh mình. Thay vì oán trách tại sao ai đó không làm điều tốt cho
mình, tại sao mình không được hưởng những điều tốt đẹp hơn thì nên tự nỗ lực
hơn nữa trong công việc và cuộc sống.
Đất
nước Việt Nam đang trên con đường phát triển, do đó còn nhiều vấn đề đặt ra,
còn những mặt trái trong xã hội. Vì vậy, muốn đất nước phát triển thì mọi người
cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận đúng mọi vấn đề xung quanh mình, nỗ lực
đóng góp sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đừng vì
những mặt trái hiện có trong xã hội mà thất vọng, chán nản, để rồi dễ bị lợi
dụng, bị kích động, tự mình phá hoại sự ổn định của đất nước mình, sự bình yên,
hạnh phúc của bản thân mình.
Các thế lực thù địch chống phá Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt chúng sử dụng chiến lược “diễn biến hoà bình” để chống phá từ bên trong. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Trả lờiXóa